Đến 2020: Giảm hơn 300 nghìn ha đất trồng lúa
Chính trị - Ngày đăng : 16:09, 20/10/2011
Trong Tờ trình về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 mà Chính phủ trình Quốc hội chiều 20/10, Chính phủ cũng đề xuất, quy hoạch đất nông nghiệp của cả nước đến năm 2020 là 26.732 nghìn ha, tăng 506 nghìn ha so với năm 2010. Trong số này, ngoài đất trồng lúa được quy hoạch như trên, quy hoạch đất lâm nghiệp đến năm 2020 phải đạt 16.245 nghìn ha để đảm bảo độ che phủ đạt 45%. Ngoài ra, đến năm 2020, diện tích đất rừng sản xuất cần phải giữ là 8.132 nghìn ha, diện tích các loại đất nông nghiệp còn lại là 6.675 nghìn ha. Các chỉ tiêu này sẽ được Chính phủ và UBND các cấp xét duyệt trong quy hoạch đất của địa phương.
Về đất phi nông nghiệp, đến 2020, cả nước có 4.880 nghìn ha, tăng 1.175 nghìn ha so với năm 2010, trong đó đất khu công nghiệp quy hoạch đến năm 2020 là 200 nghìn ha, tăng 128 nghìn ha so với năm 2010; đất phát triển hạ tầng quy hoạch đến 2020 là 1.578 nghìn ha, tăng 396 nghìn ha so với năm 2010; đất ở đô thị đến 2020 là 202 nghìn ha, đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 45%.
Đáng chú ý, năm 2010, cả nước còn 3.164 nghìn ha đất chưa sử dụng, trong thời kỳ quy hoạch sẽ khai thác khoảng 1.681 nghìn ha. Như vậy đến năm 2020, quỹ đất chưa sử dụng của cả nước còn lại khoảng 1.483 nghìn ha.
Nhất trí với quy hoạch diện tích đất trồng lúa
Trong báo cáo thẩm tra Tờ trình Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cơ bản nhất trí với Chính phủ về quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 2011-2015.
Về các chỉ tiêu Chính phủ trình, theo Ủy ban, Quốc hội nên quyết các chỉ tiêu lớn, quan trọng, mang tính định hướng, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an ninh lương thực quốc gia. Còn các chỉ tiêu cụ thể giao Chính phủ, chính quyền các cấp phê duyệt theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện đảm bảo linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp.
Ngoài các chỉ tiêu Chính phủ đã trình, Ủy ban đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu về đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối bởi đất rừng sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong đất lâm nghiệp, ảnh hưởng lớn tới tỷ lệ độ che phủ của rừng và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Với quy hoạch đất trồng lúa, Ủy ban Kinh tế nhất trí với mục tiêu giữ diện tích đất lúa ở mức 3,8 triệu ha nhưng đề nghị Chính phủ lưu ý, việc giảm diện tích đất trồng lúa trong khi vẫn đặt ra nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu thì phải đẩy mạnh thâm canh, nâng hệ số sử dụng đất lên cao hơn và áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất giống, bảo quản, chế biến. Đồng thời, cần khoanh định rõ diện tích đất trồng lúa để bảo vệ nghiêm ngặt, quy định trách nhiệm rõ ràng, điều kiện chặt chẽ khi chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích sử dụng khác và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Về đất khu công nghiệp, Ủy ban cho rằng, việc tăng diện tích khu công nghệp từ 72 nghìn ha lên 200 nghìn ha đến năm 2020 cần được tính toán, cân nhắc hiệu quả kinh tế-xã hội. Ủy ban đề nghị, việc quy hoạch xây dựng mới các khu công nghiệp cần dựa trên cơ sở lợi thế cạnh tranh, chú trọng quy hoạch theo vùng, không nên đầu tư dàn trải, theo địa giới hành chính, đồng thời cần căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trong phạm vi địa phương và các vùng lân cận.
Ủy ban cũng nhấn mạnh, hiện nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt rất thấp nên việc tăng từ 72 nghìn ha đất dành cho khu công nghiệp lên 150 nghìn ha đến năm 2015 là quá nhanh, dẫn đến tình trạng hoặc không đạt kế hoạch, hoặc hiệu quả kinh tế thấp. Mặt khác, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015) đặt ra mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và với diễn biến tình hình thế giới hiện nay thì việc thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước sẽ chậm hơn, vì vậy cần tính toán kỹ, đảm bảo nguồn lực để thực hiện.
Về đất ở tại đô thị, theo Ủy ban, hiện nay có sự trùng lặp, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, trong đó có khu đô thị. Quy hoạch các khu đô thị phải căn cứ vào mức độ phát triển kinh tế-xã hội, khả năng tài chính của nhà đầu tư, thu nhập và nhu cầu của người dân, đảm bảo cân đối cung-cầu, chống đầu cơ.