Cấm cán bộ lãnh đạo chơi golf
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:12, 20/10/2011
Ngày 17-10-2011, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký văn bản số 6630/BGTVT-TCCB gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT quản lý yêu cầu cán bộ lãnh đạo không chơi golf. Theo nội dung văn bản này, thời gian qua, một số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc bộ quản lý chưa tích cực chỉ đạo, điều hành công việc, dẫn đến tình trạng xử lý công việc chậm, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, dự án và các hoạt động chung của đơn vị. Một trong những nguyên nhân là một số cán bộ lãnh đạo đơn vị mất quá nhiều thời gian do chơi golf ! Ông Đinh La Thăng lý giải: việc chơi golf thường tốn cả ngày, trong khi đó thì các dự án, công trình đang thực hiện, công nhân không có ngày nghỉ, phải làm việc thông tuần, rất cần người chỉ đạo, giám sát.
Văn bản số 6630 của Bộ trưởng GTVT đã có ngay hai luồng ý kiến: đồng tình và phản đối.
Luồng ý kiến phản đối cho rằng việc cấm cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ GTVT quản lý không chơi golf là không hợp lý, thậm chí không đúng pháp luật, nhất là về thẩm quyền. Bởi lẽ, quyền của công chức, viên chức được phép làm những gì pháp luật không cấm. Nếu chơi golf trong giờ làm việc thì đương nhiên phải bị xử lý theo quy định pháp luật, nhưng chơi trong ngày nghỉ thì tại sao lại cấm. Golf là môn thể thao mà tất cả các nước đều chơi, sao ở Bộ GTVT lại cấm? Đứng ở góc độ thể thức văn bản quy phạm pháp luật, tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, cho rằng: văn bản này sai thẩm quyền, vi phạm quyền của cán bộ công chức; do đó người bị điều chỉnh bởi văn bản này có thể khiếu nại hoặc kiện ra tòa hành chính!
Luồng ý kiến đồng tình thì cho rằng, trong phạm vi quản lý của Bộ GTVT và trong thời điểm nhạy cảm về các công trình, dự án quan trọng của ngành đang bị chậm trễ, từ đó gây lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước hiện nay, thì Văn bản 6630 là hợp lý và mang tính đặc thù phục vụ cho công việc chung. Một số người trong Bộ GTVT cho biết, trước khi ban hành văn bản này, Bộ GTVT đã họp Ban Cán sự Đảng và đó là chủ trương của tập thể. Cũng luồng ý kiến này phân tích về sự hợp lý và tính đặc thù của văn bản "cấm" này như sau:
- Mặc dù golf là một môn thể thao để tăng cường sức khỏe, nhưng cũng là môn thể thao xa xỉ, tốn kém thời gian và tiền bạc. Đi chơi golf phải đi xa cả nửa ngày đường mới đến sân golf, khi chơi ít nhất cũng mất một ngày, còn nếu vào giải nào đó thì phải tham gia vài ba ngày. Như vậy phải tốn xăng xe, thời gian. Có được một thẻ VIP có thể phải chi từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD. Thêm vào đó là tiền mua bộ gậy đầy đủ (rất đắt), tiền sân bãi, nhặt bóng, tiền kéo xe chở gậy, tiền giải khát, ăn uống, phòng nghỉ... giá VIP. Tốn kém thời gian và tiền bạc như vậy, cán bộ công chức ( ngay ở hàng ngũ lãnh đạo) trong ngành GTVT có đủ "sức" chi phí để đi chơi golf không? Không ít cán bộ lãnh đạo các đơn vị nhà nước khi đi chơi golf thường có các "cò cấp dưới" hoặc "cò đối tác" đi theo để "phục vụ". Xăng xe, chi phí tốn kém sẽ được các đối tượng này ... "hân hạnh tài trợ". Mà người ta hiểu rằng muốn có tiền để chi tốn kém như vậy họ phải tìm nguồn bù đắp từ các công trình, dự án của Nhà nước.
- Cả nước cũng như ngành GTVT đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có việc thắt chặt chi tiêu công. Trong khi đó nhiều công trình dự án của ngành GTVT đang chậm trễ gây lãng phí thời gian, tiền bạc mà cán bộ lãnh đạo lại lãng phí cho một thú vui xa xỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến công việc thì là có tội với Đảng, có tội với nhân dân. Việc cán bộ lãnh đạo trong các đơn vị, cơ quan của ngành GTVT đi chơi golf bỏ bê công việc là có thật. Vì vậy việc yêu cầu cán bộ chủ chốt trong toàn ngành không chơi golf, dành thời gian tập trung chỉ đạo các dự án, công trình bảo đảm tiến độ, nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, là điều cần làm, là hợp lý và mang tính thời điểm, tính đặc thù. Có một nguyên tắc là đã là cán bộ thì phải biết hy sinh thú vui vì công việc chung. Câu chuyện cách đây hai năm ở Hàn Quốc có một vị quan chức chính phủ bỏ bê công việc đi chơi golf đã bị cách chức âu cũng là bài học "nhìn người mà ngẫm đến ta".
- Dù là đứng ở góc độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay xuất phát từ yêu cầu thực tế hiện nay trong ngành GTVT thì cũng hiểu một điều rất quan trọng: Mục đích của Văn bản 6630 là nhằm chấn chỉnh tình trạng đang báo động trong ngành (nhiều công trình, dự án chậm trễ gây lãng phí), từ đó tăng cường trách nhiệm , thúc đẩy công việc vì lợi ích của đất nước.
Một văn bản quy phạm pháp luật dù nhìn từ chiều nào cũng có ý kiến phản đối hay đồng tình. Nếu chặt chẽ về pháp lý, đồng thời xuất phát từ yêu cầu cần điều chỉnh trong thực tế thì tính khả thi của văn bản đó sẽ cao hơn. Ở đây, bên cạnh những vấn đề về quy trình, thẩm quyền như Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp nhận định thì phải ghi nhận Văn bản 6630 có tính mục đích rất cao, đó là vì hiệu quả hoạt động của ngành GTVT- một ngành rất nhạy cảm có tác động đến sự phát triển đất nước và chất lượng sống của người dân.