Cần điều tra kỹ các tác động xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 07:09, 20/10/2011

(HNM) - Thông tin từ lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải, sẽ trình Chính phủ điều chỉnh giờ học, giờ làm việc nhằm giảm ùn tắc giao thông khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Đây là biện pháp được nhiều người đánh giá sẽ mang lại hiệu quả trong việc giảm ùn tắc, nhưng cũng sẽ tác động trực tiếp đến đời sống từng gia đình, nhất là những người hằng ngày đưa, đón con đến trường.

Bà Nguyễn Thu Hà (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng):
Nếu đi làm về muộn, con tôi ai đón!?

Nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất thay đổi giờ học của học sinh, sinh viên và giờ làm việc của một số cơ quan từ 9h - 18h hằng ngày, tôi thực sự thấy rất lo lắng. Vợ chồng tôi cùng làm việc tại hai cơ quan cấp bộ. Chúng tôi có hai con nhỏ, cháu lớn học cấp 2, cháu bé học lớp 4. Hằng ngày dù công việc bận đến mấy, vợ chồng tôi đều phải cố gắng thu xếp thời gian để đưa đón các cháu. Do cháu học bán trú, nên phải có mặt tại lớp lúc 8h và tan học lúc 17h. Nay nếu lịch làm việc của vợ chồng tôi thay đổi, thì chúng tôi không biết phải tính sao? Chẳng lẽ ngày nào cũng để con đứng chờ cả tiếng đồng hồ trước cổng trường đợi bố mẹ? Chưa kể, việc đi làm về muộn sẽ kéo theo thời gian sinh hoạt của cả gia đình bị đảo lộn, giờ cơm nước muộn, việc học hành của con trẻ cũng muộn theo... Tôi đồng ý việc thay đổi giờ học và giờ làm việc là cần thiết như một giải pháp nhằm giải quyết từng bước tình trạng quá tải giao thông đô thị. Nhưng nếu điều chỉnh giờ học của học sinh, sinh viên và giờ làm việc của cán bộ, công chức... theo kiểu "tréo ngoe" nhau thì hoàn toàn không ổn...

Ông Phạm Thành Các (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ):
Các trường phải bố trí được xe đưa đón học sinh

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Giao thông - Vận tải đưa vấn đề thay đổi giờ học và giờ làm việc của một số cơ quan cấp bộ, nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Sở dĩ đến nay chúng ta chưa hiện thực hóa ý tưởng này được là do việc sắp xếp lịch học của học sinh và giờ làm của cán bộ, công chức, viên chức thế nào cho hợp lý, không ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu và công việc của cán bộ, công chức, viên chức, gây xáo trộn sinh hoạt của các gia đình là việc không hề đơn giản. Tại một số nước tiên tiến, để tổ chức lại giao thông, họ cũng thực hiện việc thay đổi giờ làm việc của các công sở và giờ học của học sinh, sinh viên. Muốn làm được việc đó, họ tăng cường giao thông công cộng vào các giờ cao điểm; bố trí thêm lực lượng cảnh sát giao thông để hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng phần đường; yêu cầu các trường học tổ chức đưa đón học sinh tận nhà bằng ô tô... Khi con cái được lo đầy đủ về phương tiện đi lại và điều kiện học tập, thì phụ huynh mới yên tâm làm việc. Chúng ta cũng nên học theo cách này. Bên cạnh đó, cần chấm dứt ngay việc cho thuê lòng, lề đường làm điểm trông giữ xe; đưa hoạt động của loại hình dịch vụ taxi vào quy củ bằng cách bố trí các điểm dừng, đỗ hợp lý, quy định giờ cấm xe taxi tại các tuyến đường trọng điểm...

Bà Phạm Thị Tâm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai):
Thay đổi giờ hoạt động của các khu vực dịch vụ công cộng

Tại thủ đô Manila của Philippines, tất cả các trung tâm thương mại lớn, ngân hàng, bưu điện, khu vui chơi công cộng… đều đồng loạt mở cửa sau 10h sáng; chỉ một bộ phận cơ quan hành chính hoạt động từ 8h. Điều này hạn chế được một lượng không nhỏ người dân ngoại thành và các tỉnh lân cận vào khu vực trung tâm, gây ùn tắc giao thông. Giải pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm là rất cần thiết và phù hợp trong hoàn cảnh giao thông hiện nay, nhưng trước hết cần điều chỉnh giờ hoạt động của các khu vực dịch vụ công cộng để tránh tác động trực tiếp đến sinh hoạt của người dân. Ngoài ra là biện pháp hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng, vì sẽ có nhiều học sinh, sinh viên không được đưa đón bằng xe máy, sẽ phải đi lại bằng xe buýt. Nếu điều chỉnh giờ học, giờ làm mà không "gia cố" thêm bằng các giải pháp khác, thì khó mà giải quyết ùn tắc được...

Ông Nguyễn Trần Tuấn (phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm):
Nghiêm khắc hơn với những hành vi lấn chiếm lòng, lề đường

Trong tình hình giao thông hỗn loạn, ùn tắc nghiêm trọng như hiện nay, giải pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm việc chắc chắn sẽ có hiệu quả. Các lực lượng chức năng cũng cần mạnh tay xử lý những hành vi lấn chiếm lòng lề đường, trả lại không gian cho các phương tiện. Theo tôi, những hành động như bán hàng, dừng, đỗ xe lấn chiếm lòng đường cần xử phạt thật nghiêm, vì nếu không có đường, thì dù xe buýt chất lượng tốt, điều chỉnh giờ học, giờ làm đồng bộ, các phương tiện cũng khó có đường thông thoáng mà đẩy nhanh tốc độ trên đường.

Nga Thủy