Tập trung phòng ngừa, xử lý những đối tượng có hành vi lừa đảo
Đời sống - Ngày đăng : 06:49, 19/10/2011
Khi chủ nợ hung dữ
Lý do khiến nhiều người dân, DN nhỏ sẵn sàng tìm đến "tín dụng đen" như cách nhanh nhất để vay vốn kinh doanh, vay tiền đầu tư... chủ yếu là do tính chất "linh hoạt" của loại hình cho vay này. Không cần nhiều thủ tục, không cần khai báo mục đích vay, thậm chí không cần thế chấp, chỉ cần một tờ giấy ghi nợ, con nợ có thể vay từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng. Lãi suất tất nhiên không thấp, phổ biến trong khoảng 0,4 đến 1%, tính theo ngày. Điều đáng lo ngại là hệ thống "tín dụng đen" đang có xu hướng nở rộ. Cơ sở "tín dụng đen" có nơi không cần biển hiệu, trụ sở, có lúc núp bóng hiệu cầm đồ, công ty tài chính, dịch vụ giúp đáo nợ ngân hàng...
Do mục đích vay nhiều lúc rất mù mờ, thậm chí là phục vụ những nhu cầu phi pháp như cờ bạc, nên việc con nợ mất khả năng thanh toán dễ xảy ra. Từ đây, những vụ việc nguy hiểm về ANTT hình thành, nhất là hoạt động đòi nợ thuê với sự tham gia của các ổ nhóm tội phạm hình sự. CATP Hà Nội cho biết, thời gian qua, trên địa bàn TP liên tục xảy ra các vụ đòi nợ thuê. Nhẹ thì tội phạm khủng bố tinh thần của người bị đòi nợ theo kiểu đổ chất bẩn, gửi vòng hoa, nhắn tin, gọi điện đe dọa. Nghiêm trọng hơn, côn đồ sẵn sàng hành xử theo kiểu "xã hội đen": Đến tận nhà xiết nợ, bắt giữ người trái pháp luật, hành hung, tra tấn, thậm chí sát hại con nợ…
''Đại gia'' ôm nợ chạy làng
Cũng là hình thức "tín dụng đen" nhưng gây nguy hiểm cho xã hội hơn là việc huy động vốn của một số "đại gia". Giám đốc CATP, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết, thời gian gần đây, hoạt động này có xu hướng lan về các địa bàn ngoại thành. Đến nay, cơ quan CA đã chính thức ghi nhận một số vụ việc xảy ra tại các huyện Chương Mỹ, Đan Phượng, Phú Xuyên và quận Hà Đông, Cầu Giấy... Trong các vụ việc này, thủ đoạn của con nợ là tự quảng cáo về việc có hoặc đang được nhận những dự án "béo bở", thường là bất động sản và kinh doanh vàng. Các "đại gia" này tỉ tê về việc cần huy động vốn gấp, trả lãi cao. Ban đầu, việc trả lãi rất đúng hẹn, sau thưa dần rồi "đại gia" ôm tiền của bỏ trốn.
Với những vụ việc có tính chất "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" như trên, Giám đốc Công an Hà Nội cho rằng hậu quả rất nghiêm trọng, vì người cho vay rất đông, thường là người có hoàn cảnh kinh tế không quá khá giả.
Vì vậy, khi con nợ bỏ trốn, hậu quả về mặt xã hội rất rộng và nghiêm trọng. Như vụ việc vợ chồng chủ cửa hàng vàng Quang Quyên ở thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), theo điều tra ban đầu, có hàng chục chủ nợ đã bị lừa mất hàng trăm tỷ đồng. Khi vợ chồng Quang - Quyên mất khả năng thanh toán, trốn khỏi địa bàn, cả khu vực nháo nhác, mất ANTT... Những vụ án có tính chất lừa đảo khác, nạn nhân chịu thiệt hại không nhỏ, mà khả năng thu hồi vốn rất mong manh bởi con nợ hầu như mất khả năng thanh toán. Ngay cả khi con nợ còn năng lực tài chính thì do tính pháp lý của các giấy tờ vay nợ rất "yếu", đòi được tiền cũng còn trầy trật.
Khẩn trương siết chặt "tín dụng đen"
Để xảy ra các vụ vỡ nợ liên tục trong thời gian qua là hậu quả của việc một thời gian dài công tác quản lý hoạt động tín dụng tư nhân bị buông lỏng. Khi kinh tế phát triển, thị trường sốt đất, sốt vàng, khả năng thanh toán còn thì "tín dụng đen" âm thầm phát triển mạnh. Khi giá đất, giá vàng biến động giao dịch trầm lắng, con nợ biến mất, các chủ nợ ngơ ngác, không biết bấu víu vào đâu.
Về mối hiểm họa từ "tín dụng đen", Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh đánh giá: "Đây là những vấn đề tiềm ẩn phức tạp mà nếu không có biện pháp phát hiện sớm, chấn chỉnh thông qua nắm tình hình, điều tra cơ bản, sẽ phát sinh hệ lụy khó lường, gây nhức nhối dư luận''. Vì vậy, Giám đốc CATP đã chỉ đạo CA các địa phương, đơn vị nghiệp vụ khẩn trương rà soát, làm tốt công tác nắm địa bàn để phòng ngừa, xử lý những đối tượng có hành vi lừa đảo "tín dụng đen", coi đây là một trong những công tác trọng tâm của CATP trong những tháng cuối năm. Bí thư Đảng ủy xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) Hồ Danh Trang cho biết, dù trên địa bàn chưa có vỡ nợ lớn nhưng chính quyền xã đã phát hiện có hiện tượng "tín dụng đen" và đang chỉ đạo tuyên truyền để bà con cảnh giác phòng ngừa...
Thời gian tới, nguy cơ vỡ "tín dụng đen" sẽ còn phức tạp vì hiệu ứng đòi nợ để bảo toàn vốn, việc khắc phục sẽ rất khó khăn bởi hậu quả để lại rất nghiêm trọng đối với xã hội. Trong khi đó, nếu chỉ xử lý về mặt hình sự, bắt giữ những đối tượng có hành vi lừa đảo thì chưa thể ngăn chặn và xử lý tận gốc hậu quả do "tín dụng đen" để lại. Đòi hỏi hiện nay là phải khẩn trương siết chặt hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự phòng ngừa, không hám lợi mà mắc vào "bẫy tiền". Với những vụ việc đã vỡ lở, kinh nghiệm của quận Cầu Giấy là chính quyền, CA địa phương phải cùng vào cuộc, giữ ổn định tình hình nội bộ, bảo đảm ANTT...