Nhiều địa phương vẫn bị cô lập
Đời sống - Ngày đăng : 06:46, 19/10/2011
Xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn chìm trong nước lũ. Ảnh: TTXVN
Mưa lũ đã làm 9 người chết, 4 người mất tích, 14 người bị thương; hơn 92 nghìn căn nhà bị ngập; gần 6.000ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, có thêm 2 người chết vì lũ, nâng số người chết từ đầu mùa lũ đến nay là 48 người; hơn 80.000 căn nhà bị ngập nước, 21.451ha lúa bị ngập úng; 1.455,7km đê bao, bờ bao bị sạt lở; 1.294km đường giao thông nông thôn bị ngập.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến chiều 18-10 vẫn còn 200 hộ đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) bị nước lũ cô lập; hàng nghìn hộ dân hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh bị nước lũ chia cắt. Tuyến quốc lộ 1A qua huyện Lệ Thủy, quốc lộ 12A và quốc lộ 15 và một số tuyến tỉnh lộ vẫn bị ngập. Công an tỉnh Quảng Bình đã tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông ứng trực tại các điểm xung yếu tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông. Tỉnh Quảng Trị đến chiều 18-10 vẫn còn 68 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố với 27.000 ngôi nhà bị ngập dưới 3m nước. Mưa lũ đã gây thiệt hại gần 2.000ha hoa màu, hơn 3.200 tấn lương thực bị hư hỏng, 70 tấn lúa giống và hạt giống bị hư hỏng. Sáng 18-10, các điểm đường sắt bị ngập nước, sạt lở đã được khắc phục, 5 chuyến tàu với gần 2.000 hành khách bị kẹt tại các ga ở Quảng Trị đã tiếp tục hành trình. Ngoài ra, từ ngày 17-10, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lực lượng đưa hàng cứu nạn (mì tôm, gạo, nước uống...) đến cho người dân ở các vùng bị chia cắt thuộc huyện Hướng Hóa và Đắc Rông.
Tại các huyện Mộ Đức, Đức Phổ và Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn hơn 4.400 ngôi nhà, hơn 7.000 giếng nước bị ngập. Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ngãi, sáng sớm 18-10, tàu cá số hiệu QNg 94447-TS do ông Võ Giữ làm thuyền trưởng, trên tàu có 6 thuyền viên, trên đường di chuyển vào cửa biển Đà Nẵng đã va vào đá ngầm bị chìm. Toàn bộ 6 thuyền viên trên tàu được các tàu khác ứng cứu an toàn.
Trong ngày 18-10, lãnh đạo các địa phương bị thiên tai đã cử nhiều đoàn công tác xuống vùng bị thiệt hại nặng, kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ lụt, xử lý môi trường đề phòng dịch bệnh sau mưa lũ. Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức hội, đoàn thể cũng hỗ trợ áo phao, mì ăn liền, nước uống… giúp người dân vùng lũ lụt vượt qua khó khăn trước mắt.