Thiệt hại không thể đong, đếm
Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 19/10/2011
Mặc dù ngành nông nghiệp có sự phát triển vượt bậc nhưng cũng làm cho tài nguyên rừng và biển xuống cấp, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi bùng phát khó kiểm soát. Cùng với đó là ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản, suy thoái môi trường đất do xói mòn và canh tác quá mức đang ngày càng đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và hàng triệu nông dân. Theo ông Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), do nông dân thiếu hiểu biết, sử dụng phân bón bừa bãi, mỗi năm có tới 60-65% lượng phân đạm bị cây trồng "chê" (tương đương 1,77 triệu tấn), gần 60% lượng lân (khoảng 2,1 triệu tấn) và kali (344 nghìn tấn) được bón nhưng cây trồng không hấp thụ rất lãng phí. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không tuân thủ các quy trình kỹ thuật sử dụng đã làm cho đất bị chai cứng, nguồn nước bị ô nhiễm có thể gây đột biến gen trên một số loại cây trồng. Mới đây cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện có từ 30-60% mẫu rau còn tồn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép, đặc biệt có những loại thuốc không nằm trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thái Hiền
Dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản cũng làm nhiều hộ nông dân điêu đứng, thủ phạm chính do ô nhiễm môi trường. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi chính cá da trơn, chiếm 37% tổng diện tích nuôi và 62% tổng lượng cá nước ngọt của cả nước (sản lượng hiện nay trên 1 triệu tấn/năm) mang về hàng tỷ đô la. Để có 1kg cá da trơn thành phẩm, nông dân phải sử dụng từ 3-5kg thức ăn, chỉ có khoảng 17% thức ăn được cá hấp thụ, phần còn lại hòa lẫn với nước, trở thành các chất hữu cơ phân hủy gây ô nhiễm môi trường. Tương tự, lĩnh vực chăn nuôi đang nổi cộm do ô nhiễm môi trường. Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, chuyên viên Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước có khoảng 16.700 trang trại chăn nuôi với gần 37,9 triệu gia súc và gần 215 triệu gia cầm, với lượng thải của một con bò từ 10-15kg phân/ngày, con trâu 15-20kg, con lợn 2,5-3,5kg và một con gia cầm là 90gram phân/ngày thì tổng khối lượng chất thải chăn nuôi thải ra môi trường trên 73 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường ở 2.017 làng nghề có ảnh hưởng rõ rệt tới sức khỏe của người lao động, dân cư. Theo Phó Vụ trưởng Đinh Vũ Thanh, hiện ở các làng nghề, nhiều người dân bị mắc các bệnh về đường hô hấp, đau mắt, suy nhược thần kinh, bệnh ngoài da, đường ruột, thậm chí dẫn tới các bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư, nhiễm độc kim loại nặng... Những dòng sông chảy qua các làng nghề cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều nơi ruộng lúa, cây trồng bị giảm năng suất, thiệt hại khó có thể đong đếm.
Không chỉ lúng túng trong khắc phục
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng thừa nhận, bấy lâu nay chúng ta lúng túng trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường khiến sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn bị suy thoái nghiêm trọng, trở thành những vấn đề "nóng" và là mối quan tâm của toàn xã hội. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đặt vấn đề: "Liệu chúng ta có sống được với bầu không khí làng nghề ô nhiễm, chất kim loại nặng xả bừa bãi vào nguồn nước ngầm, người dân lại dùng nguồn nước đó để ăn, rồi lâm bệnh tật? Cây trồng tiếp tục sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan làm đất đai bị chai cứng, nông sản bị nhiễm độc? Có chấp nhận được 80% các bệnh nhiễm trùng ở nông thôn có liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm qua vi rút, giun sán, bệnh tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn, tiêu chảy, các bệnh ngoài da, đau mắt... do chất thải trong chăn nuôi xả ra môi trường cùng với xác gia súc, gia cầm?
Phó Vụ trưởng Đinh Vũ Thanh cho rằng, lực lượng cán bộ bảo vệ môi trường của Bộ NN&PTNT mới được hình thành vừa yếu và thiếu, làm việc kiêm nhiệm. Trong khi đó, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành chưa được rõ ràng, một số nội dung bị chồng chéo, nơi thì do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, nơi do Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm. Có những việc nổi cộm về quản lý môi trường thì chưa có cơ quan quản lý chịu trách nhiệm. Công tác đánh giá môi trường chiến lược cũng chưa được coi trọng, các dự án nếu có chỉ mang tính đối phó, đây là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Một nguyên nhân nữa, so với các bộ, ngành, Bộ NN&PTNT được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhưng kinh phí được cấp hằng năm quá ít ỏi (gần 41 tỷ đồng cho năm 2011) chưa đáp ứng được yêu cầu nên nhiều nhiệm vụ phục vụ cho công tác quản lý môi trường chưa thực hiện được.