Thêm 11 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa
Xã hội - Ngày đăng : 05:55, 19/10/2011
Lễ khởi công tôn tạo Khu di tích lịch sử Tản Viên Sơn Thánh. |
Báo cáo của UBND huyện Ba Vì, chủ đầu tư dự án, cho thấy quá trình triển khai thực hiện dự án hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tiểu dự án đền Trung và đền Hạ đến nay chưa được phê duyệt trong khi lễ khởi công, động thổ cụm di tích đã diễn ra từ ngày 8-6-2011. Tổng mức đầu tư di tích đền Hạ dự kiến lên tới hơn 44 tỷ đồng nhưng đến nay mới nhận được sự ủng hộ 11 tỷ đồng từ Công ty CP Him Lam. Tổng mức đầu tư tu bổ đền Trung dự kiến là 28 tỷ đồng nhưng đến nay mới nhận được chi phí thiết kế, giám sát và xây tiền bái, hậu cung của Tổng Công ty Vinaconex với kinh phí 5 tỷ đồng, còn thiếu 23 tỷ đồng. Dự án đường 415 giai đoạn 2 có mức đầu tư 17 tỷ đồng nhưng mới được cấp 10 tỷ đồng. Tương tự, dự án đường 415 đi đền Hạ mới được ứng vốn 1,5 tỷ đồng trong khi mức đầu tư dự kiến là 15 tỷ đồng. Cũng vì thiếu vốn nên công tác GPMB đối với 5 hộ dân ở di tích đền Hạ vẫn chưa xong...
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi yêu cầu UBND huyện Ba Vì phối hợp với các cơ quan hữu quan có phương án đền bù GPMB đối với tiểu dự án đền Hạ trước ngày 20-10 và báo cáo phương án lên Sở VH,TT&DL để Sở trình UBND TP Hà Nội trước ngày 25-10; đồng thời tổ chức hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, các nghiên cứu lịch sử, văn hóa về việc bố trí đồ thờ tự cho các di tích trong thời gian sớm nhất; yêu cầu các đơn vị thi công lập tiến độ chi tiết các tiểu dự án và báo cáo các cơ quan hữu quan. Tại hội nghị, một số doanh nghiệp như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát, Công ty Phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng; Công ty Phát triển đô thị Từ Liêm... đã ủng hộ thêm 11 tỷ đồng cho dự án.
Dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa đền thờ Tản Viên Sơn Thánh có mức đầu tư 193 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 72 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012.