Nhiều di tích đang biến thành phế tích

Bạn đọc - Ngày đăng : 05:46, 19/10/2011

(HNM) - Đến nay, TP Hồ Chí Minh có 132 công trình, địa điểm đã được xếp hạng di tích. Tuy nhiên, không ít trong số này đang hằng ngày phải đối mặt với tình trạng xâm hại hoặc đe dọa xâm hại.

Di tích trụ sở Báo Dân Chúng tại 43 Lê Thị Hồng Gấm đã là một ngôi nhà hiện đại.


Còn lại trên sách vở

Đó là thực trạng tại ngôi nhà số 43 Lê Thị Hồng Gấm (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Không mấy người dân sống quanh ngôi nhà này biết rằng, tại đây, vào năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã cho ra đời Báo Dân Chúng. Tờ báo này có nội dung tuyên truyền lý luận, đường lối quan điểm chính sách của Đảng; cổ động và tổ chức quần chúng đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu dân chủ và chống chiến tranh phát xít. Trụ sở Báo Dân Chúng đã được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích lịch sử ngày 16-11-1988. Tuy nhiên, di tích này hiện giờ là một tòa nhà cao 6 tầng thuộc sở hữu tư nhân.

Cùng chung "cảnh ngộ" là một số di tích cấp LS-VH quốc gia khác như di tích nơi thành lập An Nam cộng sản Đảng (đường Nguyễn Trung Trực, quận 1)… Ngoài ra, tình trạng di tích bị lấn chiếm cũng diễn ra ở chùa Phụng Sơn (đường 3-2, phường 2, quận 11), khi có tới hơn 100 hộ dân lấn chiếm đất chùa từ nhiều năm trước và hiện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Di tích chùa Giác Lâm (phường 10, quận Tân Bình) xây dựng từ năm 1744, hiện còn lưu giữ 113 pho tượng cổ, hơn 80 câu đối, hoành phi, cũng đang bị người dân xung quanh lấn chiếm. Ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi của cụ Vương Hồng Sển (9/1 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh) cũng đang xuống cấp.

Mới đây, Bộ VH-TT&DL đã có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc di tích địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng - rộng gần 2.000m2 trong khuôn viên Xí nghiệp liên hiệp Ba Son, thuộc phường Bến Nghé, quận 1 - có nguy cơ bị quy hoạch mới phá vỡ. Theo quy hoạch chi tiết tại địa điểm trên, chủ đầu tư đã đề xuất phương án… dỡ bỏ toàn bộ di tích, sau đó làm thành mô hình với tỉ lệ thu nhỏ (!); dự kiến toàn bộ di vật sẽ được đưa vào trưng bày trong Bảo tàng lịch sử Ba Son… Thông tin này đã khiến nhiều người làm bảo tồn văn hóa băn khoăn, vì một khi di tích mất đi sẽ không dễ gì khôi phục lại.

Chờ đến bao giờ?

Cũng như ở Hà Nội, di tích tại TP Hồ Chí Minh thường gắn liền với khu dân cư, nên những năm trước đây, tình trạng "ở nhờ" đất chùa rồi dần dần biến thành nhà riêng, khiến nhiều di tích nay đã thuộc sở hữu tư nhân là sự thật khách quan. Vậy TP đã và đang làm gì để bảo tồn các di sản văn hóa này?

Trao đổi với báo giới, bà Vũ Kim Anh (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL) cho biết, một số di tích như đình Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), xây dựng vào khoảng năm 1679, được biết đến với tư cách là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa hiện còn tồn tại; chùa Phụng Sơn (quận 11); chùa Giác Viên (quận 11)… đã có dự án trùng tu từ vài năm trước nhưng hiện vẫn chưa được thực hiện. Thời gian gần đây, TP đã hoán đổi được một số nhà thuộc sở hữu tư nhân, sống gắn liền với các di tích được xếp hạng như: Hầm bí mật chứa vũ khí thời kháng chiến chống Mỹ (đường 3-2), di tích Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ (đường Cao Thắng), cơ sở giấu vũ khí của biệt động Sài Gòn đánh dinh Độc Lập trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 (đường Nguyễn Đình Chiểu)…

Giới nghiên cứu văn hóa, khảo cổ TP không chỉ lo ngại cho số phận của nhiều di tích trên mặt đất, mà còn đối với những di chỉ chưa được khai quật. Hiện di chỉ Lò gốm Hưng Lợi (quận 8) được cho là di tích khảo cổ duy nhất trên mặt đất còn sót lại ở TP cũng đang bị người dân lấn chiếm. Di tích Giồng Cá Vồ (Cần Giờ) phát hiện năm 1998 nhưng hiện vẫn chưa thể tiến hành khai quật.

Từ nay đến năm 2016, TP Hồ Chí Minh sẽ chi khoảng 350 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo 27 di tích. Tuy nhiên, những người yêu di sản đang lo ngại nếu TP không đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác bảo tồn, tu bổ sẽ còn nhiều di tích có nguy cơ trở thành phế tích.

Bài, ảnh: Thế Dũng