Không đánh đổi bằng mọi giá
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 18/10/2011
Chỉ có chung sống hòa thuận với thiên nhiên, hạn chế những tiêu cực đồng thời sử dụng hiệu quả những mặt tích cực của nó cho công cuộc phát triển thì môi trường sống của con người mới bền vững và tương lai của loài người mới lâu dài. Có vô số những thí dụ về điều đó và mùa lũ năm nay ở ĐBSCL là một trong những thí dụ ấy.
Khác với dự báo, lũ ở ĐBSCL mùa này lên cao bất ngờ, nhiều thời điểm vượt cả lũ lịch sử năm 2000. Ở nhiều tỉnh, lúa đang kỳ chắc hạt, hoa màu, nhà ở, quốc lộ, các cụm dân cư bị ngập, nhiều tuyến đê bao bị sạt lở làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Công tác phòng, chống sạt lở, vỡ đê tuy đã có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn không ngăn chặn được những sự cố đáng tiếc. Trong số hơn 600.000ha lúa vụ 3, còn gọi là vụ hè thu, hàng nghìn hécta chìm sâu dưới dòng nước xiết. Hàng trăm hécta nuôi tôm, các lồng nuôi cá trên sông bị thiệt hại hoặc mất trắng. Tổn thất đó thật lớn và thật đau xót. Nhưng ở một góc độ khác, đó cũng là sự cảnh tỉnh, là thực tế cần thiết để ngăn chặn một lối nghĩ, một cách sản xuất không thân thiện với môi trường đang tồn tại ở nước ta và không chỉ ở nước ta lâu nay.
Hằng năm, lũ từ đầu nguồn và hồ Tôn Lê Sáp dồn về sông Tiền và sông Hậu một lượng rất lớn. Nước lũ làm ngập úng hàng chục nghìn héc ta đất, trong đó phần lớn là đất lúa, 4 - 5 tháng liền người dân không trồng cấy gì được, gia súc cũng không còn cỏ để ăn, bà con địa phương gọi đây là mùa nước nổi. Tuy bị mất đi một vụ trồng cấy, nhưng mùa nước nổi là dịp cá từ thượng nguồn đổ về, các giống thủy sản, bò sát bản địa như rùa, rắn, ba ba, lươn, ếch… sinh sôi nảy nở. Nước ngập hằng năm còn mang đến một lượng lớn phù sa màu mỡ, làm vệ sinh cho đồng ruộng, một nguồn lợi tự nhiên không sức người nào có thể làm được. Ở đây phải có sự cân nhắc, đánh đổi thật khoa học. Được mùa nước nổi thì mất đi một vụ trồng cấy có thể tới hàng triệu héc ta lúa và hoa màu trong khi nhu cầu về lương thực để ăn và xuất khẩu ngày càng lớn. Nếu đắp đê, quy hoạch các cụm dân cư để mở rộng diện tích và mùa vụ thì được hàng triệu tấn lương thực nhưng dần dà, mất dần cũng hàng triệu tấn phù sa, mất đi cả một vùng sinh thái với hàng trăm nghìn tấn thủy hải sản, bò sát quý giá. Kinh nghiệm đắp đê sông, đê biển hàng nghìn năm nay ở miền Bắc và miền Trung bên cạnh mặt tích cực đã để lại những hệ lụy. Đó là đất bị chia thành những ô trũng, thấp hơn cả mặt sông (Hà Nội là một thí dụ), không có phù sa, không được thau rửa thường xuyên nên chua phèn ngày một tăng, thủy sản cạn kiệt, chưa mưa đã úng, đã úng thì hàng tháng chưa rút. Liệu vài trăm năm nữa, ĐBSCL có như vậy nếu ta tiếp tục bồi trúc đê điều, thu hẹp dòng chảy, ngăn cách cánh đồng mênh mông thành những ô nhỏ hẹp.
Trong khi đất nông nghiệp đang bị thu hẹp, biến thành sân golf, khu công nghiệp, đô thị thì để bù lại diện tích bị mất và trong trào lưu tăng sản lượng lương thực đang có xu hướng đắp đê, ngăn lũ vào đồng để làm nông nghiệp, mở thêm diện tích nuôi tôm như gần 20 năm nay đã làm ở ĐBSCL. Vẫn còn kịp để đặt ra câu hỏi qua phản ứng tiêu cực của thiên nhiên trong mùa lũ này, đắp đê, thu hẹp dòng chảy, chia cắt ĐBSCL ra như hiện nay là việc làm có khoa học, có nghĩ đến lâu dài không? Và tuy rất xa, từ Hà Nội đến ĐBSCL trên nghìn kilômét nhưng bài học của ĐBSCL lại rất gần. Liệu trận lũ năm nay ở trong ấy có gợi ý gì hay không cho kế hoạch thoát nước giai đoạn 2, cho kế hoạch chỉnh trị sông Hồng trên địa phận Hà Nội, cho dự án " thành phố hai bờ sông" đang manh nha?