Làng Giáp Tứ

Xã hội - Ngày đăng : 10:02, 12/02/2004

Vùng Sét hiện còn 3 làng (giáp cũ) là Giáp Tứ, Giáp Lục và Giáp Bát. Giáp Tứ nay thuộc phường Thịnh Liệt, ở phía Đông sông Sắt, phía Bắc giáp với Giáp Lục và làng Tương Mai, phía Nam giáp với cánh đồng làng Pháp Vân, phía Đông là làng Yên Duyên - Sở Thượng. Giáp Tứ có một phần đất của Giáp Tam và Giáp Ngũ.

Ảnh: Phương Thảo

Vùng Sét hiện còn 3 làng (giáp cũ) là Giáp Tứ, Giáp Lục và Giáp Bát. Giáp Tứ nay thuộc phường Thịnh Liệt, ở phía Đông sông Sắt, phía Bắc giáp với Giáp Lục và làng Tương Mai, phía Nam giáp với cánh đồng làng Pháp Vân, phía Đông là làng Yên Duyên - Sở Thượng. Giáp Tứ có một phần đất của Giáp Tam và Giáp Ngũ. Nguồn sống chính của dân làng là nông nghiệp, song làng lại có ít ruộng nên phải đi làm thuê, cấy thuê, làm vàng mã...

Họ gốc của Giáp Tứ là họ Đỗ, 3 họ Nguyễn (Nguyễn Tôn, Nguyễn Đình và Nguyễn Trọng) trong đó, họ Nguyễn Trọng có điều kiện kinh tế và truyền thống học hành hơn cả, có người đỗ Cử nhân, làm Đốc học.

Lệ làng của Giáp Tứ không cầu kỳ, vì ruộng công ít nên làng cho đấu thầu lấy hoa lợi để chi cho việc chung. Người làng 35 tuổi thì phải làm cai đám, sửa một con lợn 60 cân, gạo, rượu; 55 tuổi thì trình làng lên chức Lềnh trưởng, sửa lễ gồm 3 con gà, xôi, chuối...

Giáp Lục hiện thuộc phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, là làng duy nhất trong 8 làng còn giữ được tên Nôm chung là làng Sét, phía Bắc giáp với cánh đồng Tương Mai, phía Tây đến đường Trương Định, Cầu Sét, Giáp Tứ, phía Đông giáp cánh đồng Yên Sở, sông Kim Ngưu. Làng có ít ruộng đất, đa số người làng có nghề dát thiếc, làm vàng mã. Đình thờ vị Tiến sĩ Nguyễn Chính (người làng Đại Từ, đỗ năm 1631) là vị tổ của nghề dát thiếc của làng.

Giáp Lục có họ Phạm, họ Đặng một thời là những gia đình quyền quý. Họ Phạm là dòng dõi Phạm Quỳnh gốc Chí Linh (Hải Dương), có người được tiến cử làm tướng, vợ làm vú nuôi cho một hoàng tử nhà Mạc. Họ Đặng gốc Lương Xá (nay thuộc Chương Mỹ, Hà Tây) có Đặng Thị Ngọc Dao, con Đặng Huấn và cháu ngoại 4 đời của Lê Bá Ly, là Thái phi sinh ra Tây vương Trịnh Tráng về ở làng Sét cùng với Cung phi Lê Ngọc Trân người Giáp Nhất. Hai người đã có công mở mang, kiến thiết khu vực chợ và chùa Sét, khơi thông các ngòi để lấy đường đi lại buôn bán. Về sau con cháu của hai họ ngày càng đông đúc.

Giáp Lục có họ Lê nổi tiếng là họ phát về ngạch võ, nổi tiếng nhất là Lê Bá Ly (1473-1557) - một quan võ cuối thời Lê sơ, theo Mạc Đăng Dung được phong đến chức Nam đạo tướng quân, Thái tể, Khiêm Quận công, sau ông cùng con trai là Phổ quận công Lê Khắc Thận và con rể là Bùi Bỉnh Uyên, thông gia là Lại bộ Thượng thư, Thư quận công Nguyễn Thiến (cùng 2 con là Nguyễn Quyện, Nguyễn Phủ) theo nhà Lê, giúp việc trung hưng.

Giáp Lục hiện còn lưu được ngôi chùa chung của xã Thịnh Liệt xưa, tên chữ là Đại Bi tự, nhưngg dân gian quen gọi là chùa Sét. Chùa được dựng từ lâu, đến năm đầu niên hiệu Dương Hòa (1635), chùa bị đổ nát, được Vương phi Đặng Thị Ngọc Dao là vợ chúa Trịnh Tùng bỏ tiền ra tu sửa. Trong chùa còn nhiều tượng Lê có giá trị, 4 tấm bia cổ, trong đó có 3 bia (do các bậc đại khoa như Hoàng giáp Nguyễn Thực (làng Vân Điềm, huyện Đông Anh), Tiến sĩ Đặng Công Toản (làng Thượng Yên Quyết, quận Cầu Giấy) soan jvào các năm 1635, 1690, 1691) ghi lại việc các Cung phi, Cung tần họ Lê làng Giáp Nhị, các vợ chúa Trịnh đứng ra tu bổ chùa.

Giáp Bát (gồm cả Giáp Thất cũ) hiện nay là phường Giáp Bát, nằm giữa Quốc lộ 1 và đường Trương Định. Hai phần ba dân làng Giáp Bát theo Công giáo, Giáp Thất cũ vẫn theo lệ chung của làng Sét. Đình Giáp Thất thờ Ngũ vị thần cũng giống như Giáp Tứ và Giáp Nhất, Giáp Nhị. Giáp Bát làm ruộng là chính, những lúc nông nhàn phụ nữ làm thêm nghề vàng mã, nghề rua ren... Các họ gốc của hai cụm này là: Nguyễn, Phạm, Vũ (gốc Mộ Trạch), họ Đặng (Lương Xá, Hà Đông)... Về học hành không có gì nổi bật.

TS. Bùi Xuân Đính

HONGHAI