Cửa ải nhọc nhằn
Thế giới - Ngày đăng : 07:15, 17/10/2011
Để đạt được sự đồng thuận của 114/147 nghị sĩ, Quốc hội Slovakia đã phải bỏ phiếu đến lần thứ 2 với điều kiện nữ Thủ tướng Iveta Radicova sẽ từ chức, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 10-3-2012. Trước đó, trong phiên bỏ phiếu lần thứ nhất, dự luật này chỉ nhận được vỏn vẹn có 55/150 phiếu do các thành viên đảng Tự do và Đoàn kết trong liên minh cầm quyền phản đối EFSF vì cho rằng gói cứu trợ này sẽ gây tổn thất lớn cho Slovakia, là nước nghèo thứ hai trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), với mức lương trung bình 780 euro/tháng.
Quốc hội Slovakia thông qua việc nâng Quỹ EFSF lên 440 tỷ euro, phần đóng góp của nước này sẽ là 7,7 tỷ euro, tương đương 11% GDP. |
Với 5,4 triệu dân, Slovakia chỉ chiếm 2% trong tổng số dân và chiếm 1% GDP của Eurozone. Nhưng do nguyên tắc đồng thuận, "cái lắc đầu" của quốc gia nhỏ bé này cũng có thể đẩy cả Eurozone vào khủng hoảng sâu hơn. EFSF được coi là một cơ chế rất quan trọng với việc xử lý tình trạng tài chính khó khăn trong Eurozone hiện nay. Quỹ này sẽ cung cấp những khoản vay cho các nước đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ như một biện pháp phòng ngừa khủng hoảng; mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia mắc nợ trên thị trường thứ cấp; cấp tiền cho các quốc gia thành viên để tái cấp vốn cho những ngân hàng bị tác động nghiêm trọng bởi gánh nặng nợ nần. Do vậy, ngay sau khi Slovakia thông qua dự luật mở rộng EFSF, thị trường tài chính châu Âu cuối tuần qua đã có những phản ứng tích cực. Chỉ số chứng khoán trên các sàn giao dịch tại khu vực đã tăng nhẹ trong hai phiên cuối tuần. Động thái này cũng góp phần giúp châu Âu có thể hoàn tất chiến lược tổng thể cho kế hoạch cứu trợ các nước gặp khó khăn trong khu vực dự kiến sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Eurozone diễn ra vào ngày 23-10 tới.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dù thỏa thuận mở rộng EFSF đã được 17 nước thành viên thông qua, nó vẫn còn quá nhỏ để chống đỡ núi nợ công đang treo lơ lửng trên đầu Eurozone. Chỉ riêng các khoản tiền được hứa hẹn cho cuộc giải cứu nền kinh tế Hy Lạp đã phải giải ngân tới 1/3. Theo tốc độ mua trái phiếu chính phủ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hiện tại là 6 tỷ euro/tuần, EFSF sẽ không kéo dài được lâu, trừ khi EFSF được nâng lên ít nhất 4.000 tỷ USD. Vì riêng nợ của Tây Ban Nha và Italia cộng lại đã lên đến 2.200 tỷ euro, vượt xa con số 780 tỷ euro của EFSF.
Trong khi đó những dấu hiệu cho thấy Eurozone sẽ rơi vào tình trạng suy thoái lần hai đang ngày càng rõ nét. Hiện nay, kinh tế Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha hiện đã trong quá trình suy giảm hoặc đang cố gắng để ngăn suy thoái. Trong vài tuần qua, ngay cả nền kinh tế trụ cột như Đức và Pháp cũng bắt đầu đi xuống do số lượng đơn đặt hàng từ các nước còn lại tại châu Âu giảm. Kinh tế Eurozone được cho là sẽ ở trong tình trạng trì trệ ít nhất đến mùa xuân năm 2012. Nếu suy thoái thực sự xảy ra sẽ tác động không nhỏ tới nguồn thu thuế và thất nghiệp vốn đã cao sẽ càng cao hơn. Như vậy, châu Âu sẽ tiếp tục gặp khó trong giải quyết khủng hoảng nợ và bảo vệ các ngân hàng yếu kém.