Bài 20: Vàm Lũng của một thời

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:03, 17/10/2011

(HNM) - Từ thị trấn Năm Căn, chiếc canô của chúng tôi xé nước đi trong vàm dọc theo biển, lướt băng băng hướng về phía trung tâm huyện Ngọc Hiển. Đây Cà Mau, đây Đất Mũi - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc với mênh mông sông nước và những vạt rừng mắm, rừng đước xanh rì đang cần mẫn ngày đêm lấn biển. Đây còn có Vàm Lũng, nơi con tàu Phương Đông 1 mang theo 30 tấn vũ khí từ miền Bắc cập bến an toàn vào ngày 16-10-1962, khai thông đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường vận tải chiến lược hoàn toàn mới trên biển Đông. Và đây cũng là bến cuối của tuyến đường huyền thoại này.

Những bến bãi của một thời ở huyện Ngọc Hiển giờ đây hầu như không còn dấu tích. Ảnh: Duy Quang

Bến cảng giữa rừng

Ấy là cái tên Đại tá Khưu Ngọc Bảy (tức Bảy Nhỏ), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962 đặt cho địa điểm Bàu Lớn thuộc Vàm Lũng. Đây chính là chiếc nôi của Đoàn 962 - đơn vị phụ trách các cụm bến bãi thuộc Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để tiếp nhận vũ khí do các chuyến tàu "không số" từ miền Bắc chở vào. Ông Bảy đã sáng tác cả một trường ca mang tên "Bến cảng giữa rừng", trong chương kết có câu thế này:

Những năm tháng chẳng ai sống riêng mình
Từng số phận gắn liền cùng Tổ quốc
Ta sống hôm nay có phần người đã khuất
Đất nói với ta đây một chân lý vĩnh hằng.


Từ sông Gành Hào đến Kinh Năm Khai Long, tận mắt chứng kiến địa hình chằng chịt sông rạch thông ra biển cùng những vạt rừng ngập mặn xanh mướt nối tiếp nhau tới tận chân trời, mới thấy sự sáng suốt trong việc chọn mở cụm bến ở Cà Mau mà chủ lực là bến Vàm Lũng. Để hình thành các bến có thể đưa tàu vào đậu, rồi xây dựng các địa điểm chứa hàng (vũ khí, trang thiết bị), nơi đóng quân của các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ, vận chuyển… thuộc cụm bến Cà Mau (HN75), hơn nghìn hộ dân ở đây mà đa phần ở Rạch Gốc (xã Tân Ân) đã phải di chuyển chỗ ở. Ông Bảy kể, đơn vị đã chọn những đoạn sông rạch sâu, được rừng mắm, rừng đước che phủ rồi khơi thông, nạo vét hàng nghìn mét khối bùn đất, có những nơi phải nạo vét thường xuyên do phù sa lắng đọng theo con nước lên xuống hàng tháng. Tất cả chỉ bằng sức người và đôi bàn tay của quân, dân ở đây chứ đâu có máy xúc, máy hút chạy xình xịch như bây giờ. Vậy mà hàng chục điểm ở Vàm Lũng, Kiến Vàng, Cái Tư, Hố Gùi, Bực Lỡ, Cái Bần… luôn sẵn sàng đón các tàu chở vũ khí từ Bắc vào cập bến. Giọng ông Bảy trầm trầm, ngày ấy vũ khí trong này thiếu lắm, hầu hết anh em dùng mã tấu và vũ khí thô sơ tự tạo, chỉ có ít súng loại cổ lỗ sĩ, bắn đì đọp phát nổ phát sịt. Ví như để có một khối lượng vũ khí thô sơ cỡ 30 tấn như chiếc tàu Phương Đông 1 vận chuyển vào đây, anh em trong các công binh xưởng của quân khu phải làm quần quật cả năm trời mới được vậy.

Thành lập từ tháng 9-1962, sau khi đón tàu Phương Đông 1 vào ngày 16-10, cho tới cuối năm 1962, các tàu Phương Đông 2, 3, 4 lần lượt cập bến Vàm Lũng an toàn. Tổng cộng 4 chuyến đó, HN75 đã tiếp nhận 112 tấn vũ khí chuyển vào từ miền Bắc để chi viện cho chiến trường Khu 9. Cho tới cuối năm 1970, cụm bến Cà Mau đã tiếp nhận 75 lượt tàu với trên 4.400 tấn vũ khí, đạn dược, trang bị. Nhớ nhất là năm 1964, các bến ở đây đã đón 27 lượt tàu, có đêm tới 3 tàu cùng cập bến… Số lượng tàu cập bến ở Cà Mau (chủ yếu là bến Vàm Lũng) chiếm hơn 50% lượt tàu "không số" của ta vận chuyển vũ khí vào Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển.

Để đón từng ấy chuyến tàu vào bến và nhanh chóng chuyển vũ khí, trang bị về những kho nằm rải rác trong rừng là điều không đơn giản. Vậy mà ở Cà Mau có những thời điểm, lượng vũ khí được cất giấu lên tới trên 1.000 tấn. Những năm kháng chiến chống Mỹ, các kho thuộc cụm bến do HN75 phụ trách không hề bị địch phát hiện đánh phá, hoặc tổ chức càn thu được vũ khí của ta. Cần đặc biệt lưu ý rằng, các kho ở khu vực Rạch Gốc, Tân Ân hồi đó chỉ cách Chi khu quân sự Năm Căn của địch chưa đầy 10km theo đường chim bay.

Mấy tiếng đồng hồ ngồi trên canô, câu chuyện ông Bảy kể cứ vang đều đều xen với tiếng máy giữa lồng lộng mây trời, sóng nước và màu xanh bạt ngàn của cây mắm, cây đước dọc hai bên bờ đã cho chúng tôi hình dung được phần nào những năm tháng ác liệt ở đây. Ngày ấy, ngoài biển là sự phong tỏa do Hạm đội 7 của Mỹ đảm nhiệm với những phương tiện chiến tranh hiện đại mà người Mỹ luôn khoe khoang "không con ruồi nào có thể lọt qua". Còn phía trong, là hải quân ngụy với hơn 200 tàu lớn nhỏ, được sự yểm trợ của phi pháo ngoài khơi cùng lực lượng không quân hùng hậu, thường xuyên đưa quân càn quét, đánh phá vùng căn cứ. Các chiến dịch "Sóng tình thương", "Hạm đội nhỏ trên sông"… liên tục được mở ra, chất độc hóa học, chất làm trụi lá cây hàng ngày được trút xuống, tất cả đều nhằm thiết lập những vùng vành đai trắng. Vậy nhưng sự sống ở đây vẫn tồn tại, "Bến cảng giữa rừng" vẫn hiên ngang trụ vững. Mấy chục năm sau khi chiến tranh đã qua đi nhưng đây chính là những điều mà bên bại trận không thể lý giải nổi.

Màu xanh và sự sống

Vậy là đã chuẩn bị tròn 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Qua nhiều đợt kỷ niệm, người ta biết khá nhiều câu chuyện và những tư liệu về đoàn tàu "không số". Song dường như ít người quan tâm tới những bến bãi tiếp nhận vũ khí, đạn dược từ các chuyến tàu "không số" chuyển vào. Đã qua Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh… để gặp các nhân chứng và tìm hiểu những mảnh đất từng là bến đỗ oanh liệt của một thời, chúng tôi như hiểu thêm phần nào ẩn ý trong câu nói của ông Bảy: "Đoàn 962 là bến cảng giữa lòng dân và trái tim người lính". Còn trong thơ, ông viết thế này: "Những con tàu vượt qua sóng dữ/ Sẽ yên lòng khi cập bến quê hương". Những thủy thủ tàu "không số" mà chúng tôi từng có dịp tiếp chuyện cũng luôn thừa nhận vai trò đặc biệt quan trọng của các cụm bến trong hoạt động của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Lại nhớ câu chuyện tình đầy cảm động giữa Đại tá Anh hùng LLVTND Nguyễn Đắc Thắng nguyên thuyền trưởng tàu "không số" với cô y tá Huỳnh Biên Thùy (tức Sáu Thùy) của đoàn 962 - cụm bến Cà Mau. Cô Thùy kể, mỗi lần có tàu chở vũ khí từ Bắc vô bến là vui như ngày hội. Người dưới thuyền, người trên bến gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Chuyển xong hàng về kho an toàn là tổ chức liên hoan. Tàu cập bến, không chỉ chiến trường miền Nam có thêm vũ khí diệt giặc mà theo những chuyến tàu còn có cả tình cảm của đồng bào miền Bắc với miền Nam ruột thịt, tiếp thêm sức mạnh để miền Nam chiến đấu giải phóng quê hương. Có khi ngày tết còn có thêm cả cành đào, bánh chưng, thuốc lá... mừng đón năm mới. Và với cô Thùy cũng như nhiều người khác nữa, còn có cả nỗi chờ mong và tình cảm riêng tư gửi gắm theo những con tàu.

Để bảo đảm yếu tố bí mật, hầu như từng đơn vị thuộc các bến đều hoạt động độc lập, ngay cả thương, bệnh binh là thủy thủ tàu "không số" hay người của bến cũng được chữa trị tại chỗ chứ ít có điều kiện chuyển lên tuyến trên. Người bảo vệ kho, người bảo vệ bến, người vận chuyển hàng, người làm cảnh giới ở các chốt tiền tiêu… đều phải tuân thủ theo những nguyên tắc rất khắt khe. Xã có công việc của xã, bộ đội có công việc của bộ đội, từng mảnh ghép đã tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bến bãi tiếp nhận vũ khí. Có lần tàu vào bến bị mắc kẹt ở Vàm Rạch Gốc, HN75 phải huy động nhân dân địa phương sử dụng các loại xuồng ghe sẵn có để nhanh chóng giải phóng hàng, kịp đưa tàu vào bến trước khi trời sáng không để địch phát hiện. Trong khi đó, các kho trạm hầu hết đều được bố trí xa các bến bãi để nếu có xảy ra bất trắc, địch đi càn phát hiện thấy thì các mục tiêu khác cũng không bị ảnh hưởng. Ấy vậy, nhưng những điều mà thời chiến người ta buộc phải cẩn thận đề phòng đều đã không xảy ra dù rằng không ít người dân ở đây đã bị địch bắt, tra tấn hết sức dã man. Tự hào về người dân Tân Ân, ông Huỳnh Văn Tuôi, nguyên Chủ tịch UBND xã còn khoe, sau ngày giải phóng ở đây đã bắt giữ được tổng cộng 37 tàu vượt biên trái phép, nhưng tuyệt nhiên không có một người dân nào ở địa phương…

Ông Bảy bảo, đa số chiến sĩ của cụm bến Cà Mau đều là người ở đây nên cuộc đời họ lúc nào cũng gắn bó máu thịt với biển, với rừng như cây mắm, cây đước bám rễ sâu vào lòng đất. Trong bài thơ "Đất mãi màu xanh" tặng nhân dân Rạch Gốc, Tân Ân và cán bộ chiến sĩ Đoàn 962, tác giả Nắng Xuân viết: "Dân cùng đoàn Chín Sáu Hai/ Sắt son chung thủy như cây với rừng/Ken nhau lớp lớp, từng từng/ Để cho đất mãi trùng trùng màu xanh".

Bây giờ mỗi năm mũi Cà Mau lấn ra biển khoảng 80 đến 100m. Những dấu tích xưa ở Vàm Lũng và những bến bãi khác ở khu vực này hầu như không còn, một phần có thể hòa theo những con nước, phần khác lại có thể bị bùn đất vùi lấp khi phù sa hằng năm bồi đắp. Nhưng những vạt rừng mắm, rừng đước vẫn trải dài trong hành trình lấn biển. Người dân đất Mũi lại quyết liệt bước vào cuộc chiến mới - Cuộc chiến chống đói nghèo.

Hoàng Thu Vân