Cơn bão ngầm
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:58, 17/10/2011
Động thái của cơ quan điều phối tiền tệ Mỹ hoàn toàn trái ngược với quyết tâm của Thượng viện trong cuộc bỏ phiếu hồi tuần trước. Với tỷ lệ 79 phiếu thuận và 19 phiếu chống, các thượng nghị sỹ Mỹ tiếp tục theo đuổi một dự luật cho phép áp thuế trừng phạt các mặt hàng nhập khẩu từ những quốc gia có đồng tiền được cho là cố tình duy trì giá trị thấp hơn sự thật. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng công cụ pháp lý vừa được Thượng viện Mỹ thông qua là nhằm vào đồng NDT của Trung Quốc. Ngay lập tức, Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng khi cho rằng dự luật tiền tệ của Mỹ vi phạm nghiêm trọng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có nguy cơ ảnh hưởng đến trao đổi thương mại và kinh tế song phương.
Cuộc khẩu chiến được chú ý hơn khi cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đều tỏ ra khá cứng rắn với đồng NDT của Trung Quốc trong những ngày gần đây. Theo Tổng thống B.Obama, Trung Quốc đang duy trì chính sách đồng nội tệ yếu và điều đó ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Mỹ và thương mại quốc tế đang trong giai đoạn hồi phục khó khăn. Ngoại trưởng H.Clinton cũng đồng quan điểm khi không ngần ngại tuyên bố, việc duy trì đồng NDT thấp hơn giá trị thực của Trung Quốc không chỉ bóp méo thị trường mà còn tác động xấu tới các nước khác. Và một liên minh quốc tế để đối phó với đồng NDT đã được đề cập nhằm đưa đồng bạc này vận hành đúng quy luật thị trường, dĩ nhiên là theo cách nhìn của Mỹ.
Đã có sự cứng rắn hơn trong cách tiếp cận của Washington với đồng NDT vốn tồn tại trong mối quan hệ giữa hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới. Thay vì tập trung vào chính sách đồng tiền yếu của Trung Quốc đang kéo lệch cán cân thương mại Mỹ - Trung, xu hướng quốc tế hóa - biến cuộc chiến song phương về tiền tệ thành một chủ đề rộng lớn hơn đã được Washington thể hiện. Như vậy có nghĩa là Mỹ bắt đầu tìm kiếm đồng minh để đối phó tranh chấp tỷ giá với Trung Quốc vào đúng thời điểm nhiều quốc gia đang tìm mọi cách để thúc đẩy nền kinh tế trong nước.
Giữa lúc cuộc chiến tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bị đẩy đến giới hạn nhạy cảm, hành động của Bộ Tài chính Mỹ nhằm làm chậm tiến độ công bố một văn bản có thể gây bùng nổ với hệ lụy khôn lường không làm dư luận ngạc nhiên. Đã 6 năm qua Thượng viện Mỹ muốn có một chính sách mạnh về tỷ giá giữa USD và NDT. Và đều đặn 2 lần/năm, Báo cáo của Quốc hội Mỹ đều bày tỏ sự khác biệt với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về chủ trương tiền tệ. Thế nhưng, chưa khi nào, Trung Quốc bị gắn mác thao túng tiền tệ vốn sẽ dẫn tới những biện pháp trừng phạt khắt khe với hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ như lúc này. Kịch bản Thượng viện thông qua Hạ viện bác một dự luật như vậy đã liên tiếp diễn ra và được cho là sẽ còn lặp lại trong năm nay cho thấy thực tế Washington cũng không muốn biến cuộc tranh chấp tỷ giá đang diễn ra thành một cuộc chiến thật sự. Động thái này phù hợp với nhận định Mỹ đang đi nước cờ chính trị nhằm răn đe và chưa sẵn sàng đẩy tới một cuộc chiến tiền tệ trực diện mà tổn thất sẽ chia cho cả hai bên. Mặc dù vậy, khi hàng hóa đến từ Trung Quốc chiếm tới 19,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ thì Trung Quốc cũng nhận thấy sự lắng nghe đối tác là cần thiết. Vì thế, Trung Quốc đã từng bước nới lỏng giá trị đồng NDT trong suốt năm qua và hiện duy trì ở mức 6,3623 NDT/USD, cao nhất trong 6 năm gần đây. Tuy nhiên, với Washington, chừng đó là chưa đủ.
Trong bối cảnh có đánh giá cho rằng đồng nội tệ của Trung Quốc vẫn thấp hơn tới 40% giá trị thực đã tạo lợi thế xuất khẩu cho Trung Quốc và khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt đỏ; đồng thời là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thất nghiệp của nhiều triệu người Mỹ thì cuộc theo đuổi tỷ giá tiền tệ Mỹ - Trung chưa thể có hồi kết. Vì vậy, cuộc đối đầu tiền tệ Mỹ - Trung được cho là cơn bão ngầm sẽ còn gây sóng gió lớn trong quan hệ hai nước thời gian tới nếu vấn đề tỷ giá không được cải thiện. Song, một cuộc chiến tiền tệ với sự trả đũa ồ ạt trên mọi phương diện là khó xảy ra trong tương lai gần, vì nếu vậy, cả hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đều có quá nhiều thứ để mất.