Tình trạng già hóa dân số: Làm gì để thích ứng?

Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 17/10/2011

(HNM) -Ba thách thức lớn liên quan đến người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam, gồm: số lượng NCT đang tăng nhanh, tỷ lệ sống ở mức nghèo cao, hầu hết sức khỏe kém, là những vấn đề đã được tính đến trong việc xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, làm gì để thích ứng trước thực trạng "già trước khi giàu" là câu hỏi đòi hỏi được trả lời bằng những chính sách phù hợp. Hội thảo " Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách" do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) vừa tổ chức đã gợi ý một số vấn đề cốt lõi.

Hiện nay, tuổi thọ trung bình của cả nước đã tăng lên là 72,8 tuổi. Ảnh: Nhật Nam


Mô hình thế giới và vấn đề của Việt Nam

Do tỷ suất sinh và tỷ suất chết cùng với tuổi thọ tăng, dân số cao tuổi nước ta đang tăng nhanh chóng cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số. Theo dự báo, tỷ lệ NCT ở nước ta sẽ đạt 10% vào năm 2017 và Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa từ thời điểm này. Giống như việc gia tăng dân số, dân số già cũng gây ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế cũng như hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội. Tuy già hóa dân số là một kịch bản xảy ra ở hầu hết các nước đang phát triển nhưng tốc độ già hóa ở nước ta khá cao, thời gian để dân số quá độ từ giai đoạn già hóa sang già ngắn hơn nhiều nước (Việt Nam chỉ mất 20 năm, trong khi đó thời gian này ở Pháp là 115 năm, Mỹ 69 năm, Nhật Bản và Trung Quốc 26 năm). Với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay thì đây thực sự là thách thức lớn trong việc thích ứng.

Theo nghiên cứu tại các quốc gia thành công trong việc thích ứng với dân số "già hóa" thì mô hình "già hóa thành công" phụ thuộc vào việc các chính sách, chiến lược và chương trình dành cho dân số cao tuổi có thể đem lại lợi ích cho họ chủ yếu trên 3 lĩnh vực là sức khỏe, xã hội và kinh tế. Nếu sự giao thoa của các chính sách nhằm giảm tỷ lệ tàn tật, thương tật và ốm đau ở NCT, giúp họ tham gia vào các hoạt động xã hội cũng như các hoạt động kinh tế mang lại thu nhập và có thu nhập ổn định thì các chính sách đã thành công. Với Việt Nam, báo cáo của UNFPA cho rằng, các chính sách để tác động vào 3 mặt trên gồm 3 nhóm: an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc NCT và thể chế nhằm tăng cường sự tham gia cộng đồng của NCT.

Chính sách thiếu "đầu vào"

Già hóa dân số không phải là một gánh nặng mà nó sẽ làm cho gánh nặng kinh tế và xã hội trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Trong khi ấy, thời gian cho việc chuẩn bị này ở nước ta không còn nhiều nên việc hoạch định chiến lược, chính sách thực tế xác đáng là điều quan trọng hiện nay. Theo các chuyên gia về dân số, với thực trạng về già hóa dân số và đời sống của NCT cũng như việc xây dựng chính sách hiện nay thì để "già hóa thành công" điều trước tiên cần làm là nâng cao ý thức và hiểu biết của các nhà quản lý, hoạch định chính sách về thách thức của già hóa dân số và đời sống của NCT. Nếu mỗi cá nhân, đặc biệt là những người làm chính sách biết "lo cho tuổi già từ khi còn trẻ" thì mới có thể xây dựng và thực hiện thành công các chính sách dành cho NCT.

Tuy nhiên, hiện có một khó khăn cho việc xây dựng chính sách là không có những thông tin chính xác, cập nhật về già hóa dân số và NCT. Vì thiếu " đầu vào" - những đánh giá xác đáng về các vấn đề kinh tế, xã hội và sức khỏe của NCT - cho việc đề xuất các chính sách, chương trình can thiệp thiết thực, có trọng tâm và hiệu quả nên sự kết nối giữa nghiên cứu và chính sách hiện rất lỏng lẻo. Đây được đánh giá là điểm yếu nhất khi bàn về già hóa dân số và dân số NCT ở nước ta. Cho đến nay, số lượng những nghiên cứu về NCT vẫn rất nhỏ so với nhu cầu cần nghiên cứu để phục vụ cho mục đích phân tích và hoạch định chính sách. Điều này lý giải vì sao, việc bàn luận các chính sách cho NCT luôn hời hợt, thậm chí NCT còn được xem là gánh nặng cần giải quyết thay vì coi họ là những người có đóng góp lớn cho nền kinh tế và gia đình thông qua các họat động kinh tế xã hội.

Hiện nay nước ta đang có cơ hội có một không hai là cơ hội dân số vàng, có thể đem đến "dư lợi dân số lần thứ nhất". Và tận dụng tốt cơ hội này thì "dư lợi dân số lần thứ hai" được mang lại từ việc thu hút nguồn lực của NCT hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Tất cả đều phụ thuộc vào những chính sách cho hiện tại và tương lai.

Cả nước hiện có khoảng 1,9 triệu NCT (22% số NCT) được hưởng lương hưu; gần 140 nghìn NCT cô đơn, nghèo, không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp xã hội (1,7%); gần 5,6 triệu NCT (60%) tham gia bảo hiểm y tế.

Luật Người cao tuổi được Quốc hội khóa XII thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2010 quy định cụ thể quyền lợi, trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT. Chính sách dành cho NCT còn được thể hiện ở Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Lao động...Chiến lược về Dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020; dự thảo chiến lược An sinh xã hội giai đoạn 2011-2020 cũng đã có các chính sách dành cho NCT.

Vân Vũ