Nước mắt làng quê

Đời sống - Ngày đăng : 07:28, 16/10/2011

(HNM) - Với mồi nhử lãi suất cao, không ít người dân đã mang hết tài sản, thế chấp cả nhà cửa vay tiền ngân hàng để đưa cho các

Sau những vụ vỡ nợ liên tiếp xảy ra trên địa bàn ngoại thành Hà Nội, nhiều vùng quê chìm trong nước mắt bởi đa phần người bị hại đều là nông dân. Phú Minh vốn là một thị trấn nhỏ có 5.300 dân với hơn 2.000 hộ. Nơi đây có bến cảng, không ít các hãng vận tải, tiệm vàng và cả một khu chợ hoạt động gần như 24/24 giờ nhưng cũng có không ít công nhân, lao động nghèo, thu nhập thuần túy từ mớ rau, con cá hay đi gánh gạch thuê. Trở về thị trấn sau vụ vỡ nợ của vợ chồng Nguyễn Thị Cúc ở xã Văn Nhân, chúng tôi không còn thấy không khí nhộn nhịp của thị trấn đang trên đà phát triển mà thay vào đó là một không khí nặng nề bao trùm và lan sang cả các xã lân cận. Tại khu chợ Phú Minh, nhiều sạp bán rau trùm mền để hàng bỏ không, người bán đi tìm chủ nợ.

Cuộc sống của những phụ nữ nghèo buôn bán nhỏ ở nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội không biết bao giờ mới vực dậy được sau cơn bão tín dụng?


Anh Nguyễn Văn T. than thở: "Nhiều cụ già về hưu lương ba cọc ba đồng, đến bát phở sáng ăn còn tính toán, cóp nhặt được vài chục triệu đồng cho vay, mong có thêm ít tiền phòng thân khi về già ai ngờ mất sạch. Nhiều bà gánh gạch ngoài bãi cả đời còng lưng, cóp nhặt được tý tiền cũng cho vay, giờ mất trắng". Mỗi người mỗi cảnh, như anh D. đang mắc chứng ung thư vòm họng, đi viện điều trị cả năm nay, vợ ở nhà có bao nhiêu tài sản tích cóp, thế chấp mang cho đi vay mong hưởng lãi cao. "Cả tuần nay anh ấy lang thang đi khắp nơi tìm vợ"- bà con trong khu phố kể với chúng tôi như vậy.

Chị Nguyễn Thị Bình, nói như khóc, toàn là chị em buôn bán lâu năm tại chợ, tin tưởng nhau, chị đã trao toàn bộ số tiền tích cóp một nắng hai sương 500 triệu đồng cho một bạn buôn tại chợ vì lãi suất cao hơn gấp 5 lần ngân hàng. Giờ vỡ nợ, chủ nợ trốn, người bạn buôn cũng trốn theo để lại cho chị những đêm mất ngủ vì kế sinh nhai của gia đình mình trong thời gian tới.

Một trong những người gom tiền trong dân với số lượng nhiều cho vợ chồng Hùng - Cúc vay phải kể tới chị Phùng Thị P. A., ngôi nhà nhỏ nằm khiêm nhường phía trong các khu dân cư của thị trấn, vậy mà giờ đây có liền một lúc 6 chiếc chìa khóa, với rất nhiều biển cắm, đại loại như đất này là của ông A, đất này là của bà B, đất này của bà C. Chủ nhân đích thực của nó hiện giờ cũng chưa ai biết rõ, chỉ biết trước đó, đây là nhà của chị P. A. Với số nợ lên tới gần 80 tỷ đồng bán hết thảy gia sản đời chị chẳng biết đến bao giờ mới trả hết vậy là… một tương lai xám xịt đang chờ người mẹ trẻ mới ngoài 30 tuổi này.

Nỗi buồn ở đây cũng dây mơ dễ má đủ thứ, bố mẹ tin tưởng con cái làm ăn, nhiều người giao hết cho con tài sản với một ý nghĩ, cho nó mượn cái "sổ đỏ" để làm ăn chứ có cho cả mảnh đất đâu mà lo. Giờ từ một người già có của ăn của để, có ngôi nhà khang trang để vui vầy con cháu, rất có thể ngày mai ông H. lại phải đến ở nhờ nhà một người con khác vì mảnh đất đang bị người ta xiết nợ. Rồi mẹ cho con vay, anh cho em vay, dì cho cháu vay nếu không cũng là anh em thúc bá họ hàng, bạn bè lâu năm…

Trước đó, cơn "bão" vỡ nợ cũng quét qua thị trấn Phùng - Đan Phượng, ông chủ tiệm vàng - Tạ Việt Quang (SN 1975) cũng đã huy động được số tiền lên đến hai trăm tỷ đồng. Thực chất số tiền mà vợ chồng Quang - Quyên nắm giữ đều là những đồng tiền xương máu, tích cóp làm ăn bao năm của biết bao gia đình. Vỡ nợ này cũng làm cho nhiều "vệ tinh" thu gom tiền cho vợ chồng Quang - Quyên phải bỏ trốn khỏi quê hương khiến làng quê xao xác. Ông Nguyễn Nh. buồn rầu cho biết: "Tôi có mảnh đất cùng ít tiền mặt đều đưa cho vợ chồng nó (PV- vợ chồng Quang - Quyên) vay, chúng nó vỡ nợ, xót của lắm chứ nhưng cứ nghĩ tới tình cảm bao năm gắn bó, nó đã từng gọi mình là bố xưng con giờ nghĩ khó quá". Liên quan đến vụ vỡ nợ hơn 200 tỷ đồng của vợ chồng Quang - Quyên, có rất nhiều phụ nữ, từ chỗ có cuộc sống bình yên với chồng, con giờ phải bỏ quê, bỏ con cái.

Những vụ vỡ nợ từ huyện Đan Phượng đến Phú Xuyên như thể trận bão đã quét đi những ước mơ, hy vọng và cả tương lai của hàng nghìn người lao động nghèo. Họ đã hy vọng số tiền tích cóp được sẽ tăng nhanh nhưng cuối cùng những ngày lao động cực nhọc giờ chỉ còn lại sự mất mát. Không khí ảm đạm bao trùm khắp các làng quê. Nhiều người lo ngại đằng sau cơn vỡ nợ này sẽ là gì? Chỉ biết rằng, cơn bão thiên nhiên nếu có quét qua làng quê, một vài ngôi nhà bị sập rồi sẽ được dựng lại khi có sự chung tay giúp sức của cộng đồng, cánh đồng lúa mất trắng cũng chỉ mất vài ba tháng là lại có cánh đồng lúa mới vàng hơn, óng hơn nhờ phù sa bồi đắp. Nhưng khi cơn bão tín dụng đen đi qua, nó là nỗi ám ảnh, là sự day dứt của nhiều thế hệ: con thơ thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ, nghèo đói dình dập cả những người già, những người lao động nghèo chắc đi hết kiếp người họ vẫn khó có thể có "bát ăn bát để".

Bạch Thanh