Luật Xuất bản với đời sống: Đến lúc phải sửa đổi
Văn hóa - Ngày đăng : 06:40, 16/10/2011
Hoạt động xuất bản phát triển mạnh nhưng cũng có không ít bất cập . Do vậy cần điều chỉnh Luật Xuất bản để tăng cường hiệu lực quản lý. Ảnh: Bảo Lâm |
Luật… chạy theo đời sống
Luật Xuất bản ra đời năm 2004 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2005), sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 2008) để thực thi cam kết của Việt Nam với WTO cũng như điều chỉnh một số vấn đề thực tiễn. Nay, hoạt động xuất bản, in, phát hành lại đang đứng trước bộn bề "bất cập", "hạn chế", "lạc hậu"… đòi hỏi phải có những điều luật mới vào năm 2012.
Không thể phủ nhận trong 6 năm thi hành, Luật Xuất bản đã tạo nên những chuyển động tích cực trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng có tính đặc thù. Sách ra nhiều, phong phú, rõ tính cạnh tranh hơn. Đối tác liên kết xuất bản nở rộ, công bố nhiều tác phẩm chất lượng, thậm chí gây "sốt" như hiện tượng xuất bản "Nhật ký Đặng Thùy Trâm". Bên cạnh đó là hàng loạt thách thức như vi phạm bản quyền ngày một tinh vi hơn. Nhiều đơn vị liên kết bắt đầu tạo được vị thế trong ngành xuất bản, nhưng đồng thời làm mờ nhạt chất lượng của đơn vị cấp phép (là các NXB của Nhà nước). Theo số liệu thống kê, có đến 70% sách xuất bản hiện nay là sách liên kết (có sự chi phối ngày càng mạnh của tư nhân), một loại sách mà theo cách nói dân dã của giới trong nghề thì rất dễ lâm cảnh "hồn Trương Ba, da hàng thịt". Trong khi đó, điều luật quy định về trách nhiệm của đối tác liên kết, chức năng thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước đều ở tình trạng chưa cụ thể, rất khó xử lý khi có vi phạm xảy ra.
Tất cả những câu chuyện này đều cũ, nhưng theo luật sư Phạm Thành Tài (Đoàn Luật sư Hà Nội): "Vì thiếu người làm luật chuyên nghiệp nên không riêng gì Luật Xuất bản, nhiều luật khác của ta cũng sửa đổi chậm, thiếu tính dự báo và luôn phải chạy theo cuộc sống". Như xuất bản điện tử đã phát triển trên thế giới lâu nay và bắt đầu phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng luật của ta vẫn gần như chưa đề cập tới loại hình này.
Sách điện tử, một xu hướng xuất bản
Cục Xuất bản Bộ TT-TT nhận định, xu hướng xuất bản thế giới có nhiều nội dung: "xuất bản trở thành công nghiệp tri thức - văn hóa"; "mô hình NXB chuyên ngành trong các tập đoàn đa ngành"… Thói quen đọc sách đang dịch chuyển từ đọc đến kết hợp đọc với nghe - nhìn. Do đó, xuất bản thế giới đang theo hướng đa dạng loại hình: sách trực tuyến, đĩa CD, CD-Room, qua các thiết bị kỹ thuật số, internet, điện thoại di động, radio… Tại Trung Quốc, tính đến cuối năm 2008, hơn 90% trong số 580 NXB đã triển khai xuất bản sách điện tử.
Những dự báo của giới chuyên môn không phải là không có lý khi đến năm 2020, cư dân thành thị ở Việt Nam ước chiếm từ 25-27% dân số, nhu cầu đọc sách xuất bản dưới dạng kỹ thuật số sẽ phát triển mạnh.
Luật Xuất bản cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp thực tế, góp phần hoàn thiện công tác xuất bản. Ảnh: Phương Thảo |
Sách điện tử rõ ràng có rất nhiều ưu thế, như chi phí xuất bản thấp, dễ quảng bá, tính toán được số lượng bán ra, thậm chí lợi nhuận của tác giả cũng cao hơn… Ở Việt Nam hiện nay, nhiều NXB đã quan tâm tới xuất bản điện tử, có NXB đang xây dựng đề án để thực hiện xuất bản loại hình sách mới này, và nhiều "nhà" khác lại bắt tay với các đối tác phân phối sách điện tử. Cách đây không lâu, Công ty Vinapo đã công bố bản mẫu hợp đồng hợp tác xuất bản với các nhà văn để khai thác tác phẩm (đã có bản quyền và giấy phép xuất bản) trên hệ thống phân phối sách điện tử toàn cầu Alezaa. Trong những căn cứ pháp luật được dẫn ở phần đầu của hợp đồng này không có sự hiện diện của Luật Xuất bản (chỉ có Nghị định 55 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và các văn bản sửa đổi, bổ sung).
Cần luật để điều chỉnh
Sách điện tử và các hình thức xuất bản trên phương tiện truyền thông hiện đại ra đời không phải để thay thế hoàn toàn xuất bản truyền thống với sách in. Nhưng dù là chỉ 1% mà không được quản lý cũng đủ gây xáo trộn lớn. Quảng Văn Book, Chibook và nhiều đơn vị làm sách khác vừa mua được bản quyền tác phẩm, chưa kịp ra mắt thì trên các trang mạng đã có tác phẩm phục vụ những người thích dùng… chùa.
Hiện nay, có hai vấn đề liên quan đến cách nhìn nhận về quản lý sách điện tử. Đó là sách điện tử theo nghĩa xuất bản lần đầu qua ấn bản điện tử. Điều này đòi hỏi luật quy định rõ hơn về NXB nào có quyền xuất bản sách điện tử và xuất bản như thế nào (nếu có đối tác liên kết). Thứ hai là những cuốn sách in được tiếp tục quảng bá, giới thiệu, hoặc phục vụ bạn đọc qua internet, các phương tiện kỹ thuật số (những cuốn sách này dù đã được cấp phép nhưng khi tái bản ở dạng mới, ai dám chắc sẽ giữ nguyên những nội dung như ban đầu?).
Chuyện này liên quan trở lại đối tác liên kết. Nhiều NXB đang để 100% sách in cho đối tác thu xếp toàn bộ cả đầu vào lẫn đầu ra thì hiển nhiên tới đây, với sách điện tử, không thể không có sự vào cuộc của đối tác. Quản lý thế nào thì phải có luật, trong khi Điều 25 của Luật Xuất bản hiện nay không bao quát hết việc xuất bản, phát hành các loại hình sử dụng công nghệ kỹ thuật số.
Có lẽ, trước mắt phải chờ sự chuyển động sau hội nghị đánh giá 6 năm thực thi Luật Xuất bản được tổ chức mới đây. Có điều chắc chắn rằng, trong số những nội dung quan trọng mà hội nghị đã kết luận và sẽ được báo cáo lên cấp trên để chuẩn bị xây dựng dự thảo sửa đổi luật, có vấn đề xuất bản trên internet.