Xăng ơi, đừng “đứng” nữa!

Kinh tế - Ngày đăng : 07:20, 15/10/2011

(HNM) - Gần một tháng kể từ ngày diễn ra hội thảo về giá xăng dầu - diễn đàn mà lãnh đạo hai bộ Tài chính và Công thương thể hiện rõ quan điểm về quản lý nhà nước và điều hành kinh doanh đối với thị trường xăng dầu, giá cả mặt hàng thiết yếu này đã có biến đổi chút ít.


Đó là việc, ngày 10-10, Bộ Tài chính có Công văn số 260/BTC - QLG yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện giảm giá bán (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) đối với dầu diesel, dầu hỏa. Cụ thể, giá dầu diesel 0,05S giảm 400 đồng/lít, từ 20.800 đồng/lít xuống còn 20.400 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 300 đồng/lít, từ 20.500 đồng/lít xuống còn 20.200 đồng/lít. Giá xăng RON 92 giữ nguyên 20.800 đồng/lít.

Việc giảm giá trên là dấu hiệu tích cực song chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân bởi trong đời sống hằng ngày, xăng được tiêu thụ nhiều hơn dầu, lại là mặt hàng nhạy cảm, trực tiếp tác động tới giá đầu vào của nhiều loại hàng hóa khác. Sẽ có nhiều ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống, sinh hoạt, tiêu dùng của người dân khi xăng giảm giá, dù chỉ là 100-200 đồng/lít. Hơn nữa, theo thông lệ của thế giới, khi nói đến giảm giá thì phải gắn việc giảm giá xăng với giá dầu, không đâu chỉ giảm giá dầu mà lại giữ nguyên giá xăng như ở ta.

Thực tế trên thị trường Hà Nội, mặc dù quyết định giảm giá bán lẻ mặt hàng dầu được ấn định vào 11h nhưng đến 11h30, nhiều trạm xăng vẫn chưa niêm yết điều chỉnh giá bán lẻ tại cửa hàng và cũng ít khách hàng biết, thắc mắc điều này. Đáng buồn hơn là nhiều người tiêu dùng cũng tỏ ra không mặn mà khi đón nhận thông tin dầu giảm giá với lý do giảm giá không đúng mặt hàng, đối tượng. Nếu giảm giá xăng, chắc chắn sẽ được đông đảo người tiêu dùng hoan nghênh và sẽ có tác động tích cực ngay tới việc kiềm chế mặt bằng giá trong 3 tháng cuối năm - điều mà Chính phủ xác định vẫn phải quyết liệt thực hiện.

Phải nói rằng, người tiêu dùng đã thông cảm và chia sẻ khó khăn với Nhà nước và doanh nghiệp qua nhiều lần xăng tăng giá. Người tiêu dùng cũng chấp nhận lý do tăng thuế nhập khẩu, tăng trích quỹ để trì hoãn việc giảm giá của doanh nghiệp. Thậm chí trong việc "găng" nhau giữa hai bộ vừa rồi, trong dư luận vẫn có những thông cảm nhất định đối với khó khăn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đó là điều rất đáng quý. Nhưng khi giá dầu thế giới đã xuống chạm "đáy" mà giá xăng trong nước vẫn "đứng im", không được điều chỉnh giảm thì người tiêu dùng thật sự không thể hiểu nổi. Không lẽ ý kiến bày tỏ quyết liệt như Bộ trưởng Bộ Tài chính rồi cũng chỉ đến vậy và cuối cùng, người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu thiệt?

Người Tiêu Dùng