Xin đừng đủng đỉnh

Xã hội - Ngày đăng : 05:41, 15/10/2011

(HNM) - Nếu còn gặp nhiều vướng mắc, còn quá ít người vào cuộc khẩn cấp thì e rằng chúng ta khó thực hiện được những cam kết với UNESCO và nguy cơ bị tước danh hiệu của ca trù, vì thế, hiển nhiên là có thể xảy ra.


Bảo vệ Di sản thế giới ca trù là nhiệm vụ khẩn cấp đối với các cấp ngành văn hóa và địa phương. Mọi biện pháp đều hướng về công tác phục dựng, truyền dạy và biểu diễn. Trong thực tế, số nơi xắn tay khẩn trương bảo vệ không nhiều.

Ở Hà Nội, CLB Ca trù Hà Nội và CLB Ca trù Thăng Long là hai đại diện tiêu biểu trong việc đưa môn nghệ thuật này trở lại đời sống văn hóa Thủ đô bằng cách thường xuyên biểu diễn phục vụ khách tại các điểm diễn (CLB Ca trù Hà Nội diễn tại đình Kim Ngân, Bích Câu đạo quán; CLB Ca trù Thăng Long diễn tại đền Quan Đế, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây). Hai CLB này có được những "báu vật sống" - nghệ nhân cao tuổi Vũ Văn Hồng (92 tuổi), Nguyễn Thị Sinh (90 tuổi), Nguyễn Phú Đẹ (88 tuổi), Nguyễn Thị Chúc (82 tuổi). Số lượng thành viên biết đàn hát ca trù ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hoạt động của họ đều phụ thuộc vào khả năng "tự thân vận động" của hai vị chủ nhiệm là ca nương Lê Thị Bạch Vân và Phạm Thị Huệ với phương châm nỗ lực không ngừng để bảo tồn và phát huy ca trù.

Nghệ thuật hát ca trù cần được giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Ảnh: Ngọc Thắng

Thanh Hóa có 8 CLB ca trù thường xuyên hoạt động. CLB Ca trù thị trấn Hà Trung thường đưa người đến các CLB của Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng để học hỏi. CLB Hát nhà trò Văn Trinh (Quảng Hợp) thì mời nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và ca nương Bạch Vân về truyền dạy cho các thành viên. Ở Nghệ An, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Nghĩa Nguyên ở Diễn Châu được coi là có công đầu trong việc phục hồi ca trù ở tỉnh. Hơn chục năm trước, dù đã 80 tuổi nhưng cụ vẫn đi khắp nẻo bằng chiếc xe đạp cũ để thu thập tư liệu, ghi chép, phân loại di sản, "đãi ra vàng ròng". Từ đó đến nay, hàng loạt CLB ca trù ở Diễn Châu được thành lập, duy trì hoạt động, trở thành "tiếng vang" nghệ thuật của tỉnh. Còn nhiều người ở các địa phương khác cũng hoạt động trên cơ sở tự nguyện vì quá đam mê với môn nghệ thuật ca trù. Họ cố gắng tìm mọi cách gìn giữ ca trù dù chưa nhận được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước. Tuy nhiên, về lâu dài, ai chắc họ không bỏ cuộc?

Nhiều vướng mắc, ít người vào cuộc

Theo ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh, những gì mà các địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh làm để bảo vệ di sản ca trù chưa đạt yêu cầu. "Đài báo đưa tin một hồi rồi thôi. Trung tâm văn hóa tổ chức vài ba buổi họp, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nghệ nhân mà loay hoay mãi chưa tìm được lối thoát. Dự định mở lớp truyền dạy thì không có học viên. Dự định gắn với du lịch thì bị từ chối. Nghệ nhân nhiệt tình truyền dạy nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí... Nếu không có bước đột phá trong bảo tồn và phát huy ca trù, chắc thành phố sẽ không còn tên trên bản đồ ca trù nữa" - ông Lê Văn Lộc nói.

Hiện nay, những bất cập trong cách thức phát triển nghệ thuật ca trù khiến việc bảo vệ di sản này không được trơn tru. Nên triển khai theo chiều rộng hay chiều sâu? Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan (Viện Âm nhạc) cho rằng, việc CLB ca trù "mọc" lên ngày càng đông cho thấy có nhiều người yêu thích nghệ thuật này. Không nên quá lo lắng ca trù bị mất chất, việc phát triển theo bề rộng làm tăng thêm tính bản địa, làm phong phú thêm nghệ thuật ca trù. Song, cũng cần thấy là ca trù ở nhiều CLB có chất lượng khá non". Ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội ghi nhận: Nhiều nhóm, CLB được khen ngợi trên các phương tiện thông tin nhưng hỏi các nghệ nhân có nghề thì họ chưa công nhận về chất lượng. Một số nhóm hoạt động mang tính kinh doanh, chạy theo danh lợi. Số khác hoạt động thời vụ, có hợp đồng thì diễn. Có nhóm tập luyện thường xuyên nhưng không diễn mấy. Còn có hình thức hội tụ lại vì ham mê, chứ không có nghề. Nhiều ca nương, kép đàn chỉ biết 1-2 bài, học từ băng đĩa, chưa vững thể cách đã "chạy sô". Thực trạng ấy khiến những nghệ nhân tâm huyết như cụ Nguyễn Thị Sinh cảm thấy buồn. Cụ bảo, lớp trẻ bây giờ hát kém, dạy mãi không theo được. Đây là vấn đề của việc tuyển chọn, khâu quan trọng mà nhiều nghệ nhân giỏi như cụ Sinh không tham gia.

Việc kiểm kê di sản rất quan trọng, nhưng đang được các địa phương thực hiện khá "đủng đỉnh". Theo yêu cầu của UNESCO và thực hiện cam kết khi ca trù được công nhận là Di sản thế giới thì mỗi năm chúng ta phải kiểm kê đầy đủ và rõ ràng về di sản, trình báo cáo lên UNESCO. Thạc sĩ Phạm Minh Hương, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết, viện chưa thể có báo cáo kiểm kê chi tiết về thực trạng di sản ca trù năm 2009-2010 vì một số địa phương chưa thực hiện xong. Hầu hết các nơi kiểm kê chậm đều viện lý do về nhân sự: chưa quen việc do thay đổi người hay chưa chuyên tâm vì là cán bộ kiêm nhiệm... Mở hội nghị đánh giá kết quả kiểm kê di sản song chưa có kết quả đầy đủ từ 15 tỉnh, thành có di sản thì làm sao đánh giá, làm sao dựa vào đó để xây dựng kế hoạch đề xuất với Nhà nước đầu tư đúng, phù hợp cho công tác bảo vệ khẩn cấp?

Nếu còn gặp nhiều vướng mắc, còn quá ít người vào cuộc khẩn cấp thì e rằng chúng ta khó thực hiện được những cam kết với UNESCO và nguy cơ bị tước danh hiệu của ca trù, vì thế, hiển nhiên là có thể xảy ra.

An Nhi