Phân làn đường giao thông: Còn quá nhiều bất cập

Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 14/10/2011

(HNM) - Mới hơn nửa tháng trôi qua, kể từ khi Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội thực hiện quy định về phân làn đường đối với phương tiện tham gia giao thông tại 5 tuyến phố: Bà Triệu; Phố Huế - Hàng Bài; Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân; Kim Mã; Giải Phóng - Lê Duẩn, nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập. Báo Hànộimới xin trích đăng một số ý kiến, kiến nghị của người dân xung quanh quy định này.


Ông Phạm Tuấn Khanh (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân):
Phân làn, cần đi đôi với hoàn thiện hạ tầng

Việc phân làn đường nếu đạt kết quả thì cũng chỉ ở những tuyến đường lớn, không thường xuyên xảy ra ùn tắc. Còn nếu đã tắc đường thì việc phải đi theo làn thành chuyện... khó tin! Xe máy lấn sang làn dành cho ô tô, đi cả vào đường ngược chiều, ô tô "chết đứng" giữa rừng xe máy. Việc phân làn giao thông không phải là một giải pháp có thể chống ùn tắc giao thông hiệu quả, nhất là khi nhiều tuyến đường trong nội đô hiện quá chật hẹp, thường xuyên bị ùn tắc ngay cả khi không phải giờ cao điểm. Do vậy, ý tưởng tiến tới phân làn trên mọi tuyến đường là khó khả thi, nhất là khi việc thí điểm tại 5 tuyến phố lớn đã và đang thể hiện nhiều bất cập. Phân làn phải đi liền với các biện pháp hoàn thiện hạ tầng, bảo đảm thông thoáng vỉa hè, lòng đường...

Hướng dẫn phân làn trên phố Bà Triệu

Ông Nguyễn Đức Lợi (phường Quang Trung, quận Hà Đông):
Phải phù hợp với từng tuyến đường...

Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan quản lý giao thông ở Hà Nội thí điểm tổ chức lại giao thông trên các tuyến phố. Trên các tuyến đường thí điểm, chỉ giới phân làn được quy định bên trái dành cho ô tô, bên phải dành cho xe máy và các phương tiện thô sơ khác. Tuy nhiên có điều vô cùng bất cập là tất cả các điểm dừng, đỗ xe buýt đều được bố trí ở bên phải làn đường. Do đó, khi đi vào các tuyến đường phân làn, các tài xế xe buýt phải rất vất vả, khi đang đi từ làn đường bên trái phải nhanh chóng sang làn đường bên phải để đón khách, khiến xe buýt gần như "đánh võng" trên đường. Tại điểm giao cắt ngã ba, ngã tư, việc phân làn còn làm cho giao thông trở nên lộn xộn hơn. Mặc dù đều đã có dải phân cách cứng, nhưng do hệ thống đèn tín hiệu ở một số điểm giao cắt được lắp đặt trước khi phân làn, không có tín hiệu dành riêng cho các phương tiện khi rẽ trái hoặc rẽ phải, nên khi ô tô đang đi trên làn đường của mình muốn rẽ phải, hoặc xe máy muốn rẽ trái, dẫn đến xung đột giao thông. Chưa kể, tại các tuyến phố thí điểm phân làn giao thông, dải phân cách chỉ được đặt một đoạn ngắn ngay đầu tuyến phố và chỉ đi một đoạn, người tham gia giao thông lại được phép chuyển làn. Việc phân làn không mang tính liên tục làm giao thông trở nên rối loạn hơn. Thiết nghĩ, việc phân làn đường cần phải thực hiện một cách đồng bộ, đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của từng người dân và tình hình cụ thể ở từng tuyến đường, chứ không thể tổ chức theo kiểu "đại trà"…

Bà Nguyễn Thị Loan (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai):
Cần có sự vào cuộc của toàn xã hội

Kể từ khi việc thí điểm phân làn giao thông được thực hiện trên một số tuyến phố, tôi thấy tình hình giao thông chẳng những không được cải thiện mà còn thêm phức tạp, ùn tắc xảy ra thường xuyên hơn. Nhiều tuyến phố lưu lượng xe máy là chủ yếu, nhưng lại được bố trí đến hai làn đường ô tô. Đường hẹp, xe máy đông, nếu ép xe máy vào một làn, tất yếu sẽ xảy ra ùn tắc. Mặc dù cả 5 tuyến phố đều có biển báo phân làn đường, nhưng chỉ đi qua khu vực đặt dải phân cách, lập tức các phương tiện lại "hòa" vào nhau, phương tiện này lấn sang làn đường của phương tiện khác và ngược lại. Mặt khác, các tuyến phố trong nội đô thường có nhiều điểm giao cắt, khoảng cách giữa các điểm giao cắt lại quá gần nhau, do đó công tác quản lý, phân làn cũng gặp nhiều khó khăn. Những ngày trời mưa, vắng bóng lực lượng chức năng, lập tức giao thông trở nên lộn xộn, mạnh ai nấy đi, không theo bất cứ một trật tự, quy tắc nào.

Theo tôi, để việc phân làn giao thông lần này đạt kết quả, cơ quan chức năng phải giải quyết được những bất cập đó. Cần xem xét kỹ những vấn đề tồn tại để có biện pháp tổ chức lại giao thông, hệ thống đèn tín hiệu, bố trí điểm dừng, đỗ xe buýt… sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành tham gia giao thông đúng quy định và phạt nặng những trường hợp vi phạm để làm gương. Trong điều kiện đường sá, hạ tầng dành cho giao thông chật hẹp như hiện nay, cùng với việc phân làn hợp lý, nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người dân, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành… mới mong trật tự an toàn giao thông của Thủ đô được cải thiện.

Bà Trần Thu Trang (ngõ Văn Chương, quận Đống Đa):
Làn nào dành cho xe buýt?

Hằng ngày tôi điều khiển xe máy trên đường, nghiêm chỉnh đi đúng làn, nhưng không ít lần bị xe buýt tạt đầu, lấn đường. Hiện cả Hà Nội mới chỉ có duy nhất tuyến đường Nguyễn Trãi là có làn đường dành riêng cho xe buýt. Trong khi đó tất cả các nhà chờ, điểm dừng đỗ xe buýt đều nằm ở lề đường, vỉa hè. Khi xe buýt dừng đỗ đón trả khách đương nhiên lấn hết làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ, buộc những phương tiện này sang làn đường dành cho ô tô. Việc xe buýt liên tục chuyển làn để đón, trả khách cũng gây khó khăn không nhỏ cho việc lưu thông của các phương tiện khác cũng như cho công tác quản lý, điều hành giao thông trên đường. Thời gian tới, song song với các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, việc tổ chức lưu thông cho xe buýt tại các tuyến đường có phân làn cũng là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm thuận tiện cho hành khách và bảo đảm an toàn giao thông.

Nga Thủy