Hợp sức dân xây dựng nông thôn

Xã hội - Ngày đăng : 07:01, 14/10/2011

(HNM) - Từ nhiều năm trước, sự tập trung xây dựng hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã mang đến cho xã Hồng Thái (Phú Xuyên) diện mạo mới. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hồng Thái đang tích cực dồn điền đổi thửa (DĐĐT), nâng cao giá trị sản xuất, huy động nội lực, phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2015.


"Khỏe" nhờ tích cực chuyển đổi trong nông nghiệp

"Xã Hồng Thái có 3 thôn gồm Duyên Yết, Duyên Trang và Lạt Dương với 8.000 dân/1.820 hộ. Xã lớn, đông dân, thuần nông lại xa trung tâm huyện nên để nâng cao đời sống cho người dân, Hồng Thái xác định hỗ trợ KHKT vào sản xuất, giúp người dân làm giàu trên chính đồng ruộng quê mình" - Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Làn cho biết. Với đặc thù đồng đất chia làm hai vùng rõ rệt, từ lâu, cấp ủy Đảng và chính quyền ở đây đã xây dựng chiến lược đưa cây, con phù hợp với địa hình từng vùng vào canh tác để nâng cao giá trị đất đai. Đến nay, vùng đồng trồng lúa và các mô hình trang trại; vùng bãi ven sông Hồng trồng rau, màu đã hình thành rõ nét và từng bước phát huy tác dụng.


Các mô hình chuyển đổi trong nông nghiệp đang phát huy tác dụng ở Hồng Thái. Ảnh: Minh Phúc

Với hàng trăm trang trại, vườn trại, Hồng Thái được đánh giá là vùng chăn nuôi lớn nhất, nhì huyện với 70% số hộ dân trong xã tham gia, nhà ít cũng có vài trăm con ngan, gà, vịt; nhà nhiều có đến hàng ngàn con. Những năm qua, người chăn nuôi đã mạnh dạn áp dụng KHKT, đầu tư chuồng trại và phòng dịch tốt, chăn nuôi có lãi. Hồng Thái còn có nhiều đầm hồ, diện tích mặt nước lớn (khoảng 100ha), xã giao cho các hộ gia đình thầu khoán làm mô hình trang trại nhỏ. Ông Tạ Đình Căn, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cũng là chủ nhân một trang trại lớn trên địa bàn cho hay, khu trang trại của gia đình ông có diện tích 2,7ha, đang nuôi 2.500 con lợn. Gần đây, ông còn đầu tư nhà lưới đưa công nghệ sản xuất nấm vào với diện tích 1.000m2, bước đầu cho hiệu quả tốt. Mô hình VAC của anh Đồng Duy Hưng, thôn Duyên Yết chăn nuôi tập trung quy mô 300 lợn thịt + ao cá + cây ăn quả cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Để hỗ trợ nông dân, mỗi năm Hồng Thái mở từ 3-5 lớp dạy nghề, riêng năm 2011, đã mở 4 lớp cho 120 học viên. Hiện tại, đang có một lớp dạy nghề trồng nấm do Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam chuyển giao KHKT. Sau khi dạy nghề, xã sẽ nhân rộng mô hình ra cả xã, tiến tới thành lập các tổ hợp sản xuất nấm tại các thôn. Đây là hướng đi mới được xã chọn để giải quyết việc làm cho nông dân, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Khơi gợi sức dân

Điều đáng mừng ở Hồng Thái là người dân có ý thức tự giác rất cao trong việc xây dựng, kiến thiết quê hương. Nhiều năm qua, người dân đã tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng xã hội hóa xây dựng hạ tầng nông thôn. Đến nay, hạ tầng của xã đã cơ bản đạt theo tiêu chí. Bên cạnh đó, xã Duyên Thái còn tích cực vận động nhân dân DĐĐT phục vụ cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thông qua việc dồn đổi ruộng đất, xã còn vận động nhân dân hiến đất mở đường giao thông để tạo sự thông thương hàng hóa. Từ năm 2010, thôn Duyên Yết đã cơ bản hoàn thành việc dồn đổi ruộng, giảm từ gần chục thửa ban đầu xuống còn 2 thửa/hộ. Ông Đồng Văn Kếch, Trưởng thôn Duyên Yết cho biết, lúc mới triển khai người dân cũng có nhiều trăn trở. Xã và thôn đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu rằng muốn có đột phá trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, tất yếu phải chuyển sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Quá trình dồn đổi, các bước họp dân, phương án được công khai, dân chủ để tạo sự đồng thuận.

Không chỉ tích cực tham gia DĐĐT, ở thôn Lạt Dương, người dân còn bàn nhau góp đất để mở đường rộng hơn đáp ứng nhu cầu giao thông và sản xuất. Sau DĐĐT, mỗi khẩu có ruộng tự nguyện góp 20-25m2 đất để mở đường giao thông. Cả thôn có 630 hộ đã đóng góp khoảng 10ha để mở đường. Hiện tuyến đường rộng 15m, dài 1,8km từ xã Nam Triều chạy qua Hồng Thái lên đê sông Hồng đang được triển khai với kinh phí 20 tỷ đồng. Ngay sau tuyến đường này, Hồng Thái đã phát động các thôn trên địa bàn xã tiếp tục hiến đất để làm nhiều tuyến khác, kết hợp với DĐĐT, bố trí lại giao thông, thủy lợi nội đồng vừa thuận tiện cho người dân đi lại, giao thương, vừa giúp máy móc vào thu hoạch nông sản thuận lợi. "Trước đây, giao thông nội đồng của xã rất thiếu và nhỏ, chỉ xe máy, xe cải tiến đi vừa chứ ô tô thì chịu. Nay có đường rồi, chúng tôi sẽ yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất" - ông Tạ Đình Căn, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Làn, triển khai xây dựng NTM, xã đã xây dựng đề án tổng thể với kinh phí hơn 317 tỷ đồng, hoàn thành trước năm 2015. Từ đầu năm đến nay, địa phương khai thác nội lực, thu được 20 tỷ đồng phục vụ các công trình giao thông. Sự vào cuộc, đồng thuận của người dân sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Nguyễn Mai