Vì sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 13/10/2011

(HNM) - Dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay (13-10) được lồng ghép với một số hoạt động nhằm tôn vinh vai trò, tầm quan trọng của giới doanh nhân, doanh nghiệp (DN) với sự đánh giá công bằng và cảm thông hơn bao giờ hết.

Lắp ráp ô tô tại Công ty Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki). Ảnh: Huy Hùng


- Ông có thể cho biết những đóng góp của cộng đồng DN với việc phát triển kinh tế?

- Đến nay cộng đồng DN Việt Nam đã có hàng trăm năm truyền thống. Đội ngũ DN bước đầu khẳng định ý chí, sự chủ động vươn lên và phát triển trong sản xuất, kinh doanh. Điều đó cho thấy, giới DN, doanh nhân Việt Nam đã theo kịp thời đại, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh hơn trong sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế. Còn nhớ, dấu ấn của một số thương cảng, trung tâm kinh tế lớn, đã từng đi vào ký ức như Hội An, Phố Hiến một thời sầm uất, hay đất Thăng Long 36 phố - phường nghề… như những chiếc nôi cho hoạt động công thương.

Đến nay, cả nước đã có khoảng 550.000 DN, trong đó có những tổng công ty, tập đoàn lớn và hoạt động trong những lĩnh vực quan trọng, có sức cạnh tranh cao, như dầu khí, năng lượng, vận tải, cơ khí, ngân hàng… Đó là niềm tự hào của nền kinh tế. Tuy nhiên, DN Việt còn một số hạn chế, đó là các DN có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ trung bình, vốn hạn chế, nhất là trình độ quản trị DN còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững…

- Có ý kiến cho rằng, môi trường kinh doanh chậm được đổi mới, chưa thật phù hợp, chưa đáp ứng mong mỏi của DN. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Trên thực tế, môi trường kinh doanh, nhất là các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động của DN luôn là vấn đề quan trọng, nhạy cảm và được quan tâm để điều chỉnh sao cho kịp thời và phù hợp. Đó là yêu cầu tất yếu của đời sống kinh tế. Tuy nhiên, cần xét tình trạng trên trong bối cảnh vận động không ngừng của các hoạt động kinh tế, trong đó mỗi DN là một đơn vị thực hiện cụ thể. Có nhiều việc thực tế phải diễn ra rồi, có một quá trình rồi, các cơ quan quản lý mới có thể nhận thấy, nghiên cứu xử lý và điều chỉnh sao cho phù hợp với quy luật và pháp luật, trên cơ sở hài hòa lợi ích của những bên liên quan. Mặt khác, trong quá trình hội nhập, nhất là sau khi nước ta gia nhập WTO thì càng phải tuân thủ những quy định chung, cam kết với tổ chức này và đòi hỏi việc ban hành văn bản pháp luật càng chặt chẽ, theo chuẩn mực chung; nội dung của văn bản phải phù hợp, không trái với cam kết quốc tế. Mặt khác, mỗi chính sách khi vào cuộc sống cũng thường có độ trễ, đó cũng là thực tế phải chấp nhận.

Về phía mình, VCCI luôn cố gắng làm tốt chức năng của mình, lấy DN là đối tượng hỗ trợ, phục vụ. Từ đó, mỗi khi cần thực hiện hoặc trong việc hợp tác với cơ quan khác về nội dung văn bản hay chính sách nào đó chúng tôi đều tranh thủ lấy ý kiến từ phía DN. Đó là sự tôn trọng và là dịp để thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến DN - những đối tượng sẽ chịu sự điều chỉnh sau khi ban hành văn bản. Tôi cho rằng, càng lắng nghe, phân tích ý kiến đóng góp của DN bao nhiêu càng có tác dụng cho các bên liên quan bấy nhiêu. Đáng mừng là qua thời gian giới DN càng gắn bó với VCCI, coi như "mái nhà" chung của mình và điều đó càng thúc đẩy chúng tôi làm tốt vai trò cầu nối DN với Nhà nước.

- Gần đây có thông tin rằng, đã có gần 5 vạn DN ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm nay. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Cá nhân tôi không bình luận về con số này, nhưng có thể hiểu rằng trong bối cảnh "thắt chặt" tiền tệ, cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát thì DN gặp khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Nhưng, ảnh hưởng đến mức nào, trong hoàn cảnh cụ thể nào thì cũng có sự khác biệt, nhất là đối với DN thuộc những lĩnh vực/ngành khác nhau. Cũng trong thời gian trên, đã có khoảng 9 vạn DN mới thành lập. Từ đó, ta nên có cái nhìn thông thoáng, tự nhiên về việc ra đời hay mất đi của DN trong nền kinh tế rộng lớn, năng động và có mức cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Song, qua đó xã hội, nhất là cơ quan quản lý cần có sự đồng cảm, thấy rõ trách nhiệm của mình đối với sự sinh tồn và phát triển của DN để có thể hỗ trợ DN nhiều hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần nhận định rằng, giai đoạn khó khăn hiện nay chính là lúc để mỗi DN dồn sức, tập trung năng lực để tự đánh giá "sức khỏe" của mình, nhất là về vốn, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực nhằm tái cơ cấu DN. Không ít DN đã vượt qua khó khăn bằng cách từng bước tiếp cận nguồn vốn và công nghệ mới, thay đổi hoặc bổ sung chủng loại sản phẩm, tìm được thị trường mới… Thực tế cho thấy, bài học và cách vượt khó rất đa dạng, không DN nào giống nhau nhưng rất hữu ích khi có thể đưa ra để rút kinh nghiệm, tư vấn cho nhau…

Thời gian tới, VCCI sẽ tăng cường hỗ trợ DN, nhất là quan tâm đến hoạt động hợp tác đào tạo, nâng cao kỹ năng, cung cấp thông tin về tiếp cận thị trường, hỗ trợ pháp lý, phòng chống tranh chấp cho DN… Giá trị của sự đồng thuận và chia sẻ của xã hội trong bối cảnh khó khăn hiện nay càng cần sự quyết tâm, trí tuệ của từng DN. Tất cả vì sự lớn mạnh của cộng đồng DN.

Xin cảm ơn ông.

Hồng Sơn