Nhã, mà không... nhã!

Mỗi ngày một chuyện - Ngày đăng : 06:56, 13/10/2011

(HNM) - Buổi tối, ông Thịnh đang ngồi uống trà, thì đứa cháu nội (đang học lớp ba), tay cầm cuốn truyện tranh, cười như nắc nẻ:

- Ông ơi, ông nghe câu thơ này có buồn cười không nhé. "Cỏ non xanh rợn chân người. Cành lê trắng điểm nụ cười đười ươi…".

Ông Thịnh nghiêm giọng:
Sao lại dám xuyên tạc Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du như thế!

Bị ông mắng, bé Bi vội thanh minh:
- Không phải cháu xuyên tạc đâu, cháu đọc trong bộ truyện tranh ba mẹ vừa mua tặng hôm sinh nhật đấy chứ ạ! Đây ông xem đi.

Cầm cuốn truyện tranh từ tay cháu nội, ông Thịnh lật vội từng trang. Cuốn truyện tranh mang tên Tiểu Pudding, do Công ty cổ phần Văn hóa và truyền thông Nhã Nam dịch và xuất bản từ nguyên tác tiếng Trung. Ngay từ phần giới thiệu nhân vật in ở đầu cuốn truyện đã khiến ông Thịnh tròn mắt. Nhân vật chính được giới thiệu là "Tiểu Pudding, đầu đinh, bảy tuổi rưỡi, học sinh tiểu học. Mê lên mạng, thích bạn My My xinh xắn, học hành vớ vẩn. Bản lĩnh lớn nhất chính là quậy phá nghịch ngợm, hiếu động không thể ngồi yên một chỗ". Lướt qua mấy tập truyện, ông Thịnh càng ngạc nhiên thấy ngôn ngữ trong truyện được sử dụng rất tùy tiện, cẩu thả, thậm chí gây phản cảm, hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Không chỉ xuyên tạc Truyện Kiều, bộ truyện tranh này còn có nhiều lời thoại và cả hình ảnh miêu tả bố mẹ mắng chửi con, thầy cô giáo mắng mỏ học trò… bằng ngôn từ rất "chợ búa", bạo lực.

Trách người lớn khi mua sách cho trẻ không lựa chọn kỹ nội dung, song ông Thịnh không quên viết thư gửi đến NXD kiến nghị trước khi dịch và xuất bản một ấn phẩm "nhạy cảm" như truyện tranh dành cho thiếu nhi, nhà xuất bản phải kiểm duyệt kỹ nội dung, hình ảnh. Mỗi cuốn truyện ngoài yếu tố giải trí, còn phải có tác dụng giáo dục, giúp hình thành nhân cách cho trẻ thơ. Lẽ nào khi xuất bản bộ truyện tranh Tiểu Pudding, Nhà xuất bản Nhã Nam "quên" điều này?

Người Xây Dựng