Ai cũng một thời trẻ trai...

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:55, 13/10/2011

(HNM) - Thanh niên Điện Biên sống ở hai vùng khác biệt, vùng cao và vùng lòng chảo. Thanh niên vùng cao đa số là người dân tộc, học xong tiểu học hoặc THCS, nhiều người an phận ở nhà lấy vợ, ngày thì cặm cụi bên vạt nương gốc sắn, đêm về ngất ngư cạnh bếp lửa cùng bát rượu ngô.

Số thanh niên vùng lòng chảo chủ yếu ở huyện Điện Biên, ít người đi làm ăn xa, họ cũng sớm lấy vợ và bám trụ quê hương... Dù ở trên non cao, hay dưới lòng chảo, đa số thanh niên đều ước mơ được học hành, sẽ có một cuộc sống sung túc. Nhưng từ ước mơ đến hiện thực là cả quãng đường đầy thử thách, gian khó, nếu không thực sự có ý chí vươn lên, quyết tâm vượt khó, tất sẽ gục ngã và chẳng bao giờ tới được đích.

Sớm lấy vợ, làm cha... và an phận

Lò Văn Đương bản Pá Vạt xã Mường Luân - Điện Biên Đông năm nay mới 26 tuổi đã kịp là cha của 4 đứa trẻ. Học xong lớp 5, Đương nghỉ học ở nhà lấy vợ và bắt đầu cuộc sống của người trụ cột một gia đình. Anh xoay xở bao năm mới dựng được ngôi nhà để vợ chồng con cái có chỗ chui ra chui vào. Căn nhà thưng ván 2 gian lợp ngói prô xi măng và chiếc giường là nơi vợ chồng con cái anh nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc. Bốn đứa con anh trứng gà, trứng vịt thường bu bám ngoài cánh cửa mỗi khi thấy người lạ đến nhà.

Giàng A Của là học sinh Trường THCS Sá Tổng. Sau khi sơ kết học kỳ I, Của về thăm gia đình và tranh thủ "bắt" luôn cô vợ về nhà cho "chắc ăn" rồi lại đi học tiếp. Chẳng cứ gì thanh niên các dân tộc vùng cao, vùng sâu, ngay cả những thanh niên hiện đang sinh sống tại vùng lòng chảo trung tâm thành phố Điện Biên Phủ cũng tính bài không học hành, không nghề nghiệp, sớm lấy vợ cho xong... nghĩa vụ.

Trần Ngọc Điệp, đội 8, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, học hết THCS rồi về nhà lấy vợ từ năm 18 tuổi. Hỏi sao không học nữa mà lấy vợ sớm vậy? Điệp trả lời nhẹ không: "Học làm gì nhiều, biết đọc biết viết tên mình là được, cũng có đi được đâu mà học. Ở nhà lấy vợ cho xong".

Thanh niên nơi đây ý thức được trách nhiệm và bổn phận vai trò trụ cột trong gia đình, nhưng họ chưa thể tìm ra một hướng đi cho bản thân và gia đình để thoát nghèo... Anh Trần Văn Tới, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Yên cho biết: Độ tuổi lập gia đình của thanh niên trong xã khoảng từ 18 - 23, hơn 70% không có việc làm và thu nhập ổn định, anh Tới nhận định: "Thanh niên nông thôn ngoài 30 tuổi mà chưa làm được gì thì tuổi trẻ coi như đã hết, hoài bão ước mơ cũng sẽ vơi dần và không còn nhiệt huyết để thực hiện những ước mơ".

Hành trình của nhiều thanh niên nông thôn, vùng núi, đi từ cái chưa biết gì đến làm cha những đứa trẻ nhanh như một giấc ngủ trưa, như một cái phủi tay. Để rồi có những lúc ngồi hồi tưởng về hoài bão tuổi thanh xuân, ngoảnh mặt nhìn lại thì thôi, đã tàn một giấc mơ.

Nhọc nhằn biến ước mơ thành hiện thực

Bên cạnh những người sớm "xuôi tay" mặc cho số phận, nhiều thanh niên Điện Biên mải miết làm ăn, nhưng vẫn cứ quẩn quanh với cái nghèo. Nghèo không phải vì họ bê trễ công việc, không phải vì lô đề cờ bạc, ham mê uống rượu tối ngày, họ nghèo vì những rủi ro không lường trước được, vì sự học không đến đầu đến đũa.

Anh Lò Văn Hiêng ở bản Khá, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, học xong tiểu học ở nhà lấy vợ và đi làm thuê đủ thứ nghề, cuối cùng anh cũng chọn cho mình nghề bốc vác. Sáng nào cũng vậy, người ta đi làm là anh cùng đám thanh niên bản giắt cán xẻng sau gác - ba - ga xe đạp lên đường, ra trung tâm thành phố Điện Biên Phủ đứng chờ người mướn việc. Anh kể: "Bốc hàng sang xe giá từ 15 - 20 nghìn đồng một tấn, còn đào đất thì tùy theo chất đất mà lấy công. Đất đào được bằng xẻng là 80 nghìn đồng một khối, đào bằng xà beng 100 nghìn đồng một khối. Ngày có việc cũng kiếm được vài trăm nghìn, những ngày không có việc thì về tay không. Người dân bản chúng tôi đi làm việc này cũng đông, khoảng hơn chục. Nhưng cũng có người đi phụ xây, làm thợ xẻ... Chúng tôi làm bất cứ việc gì miễn ra tiền để nuôi vợ nuôi con".

Không chấp nhận số phận, anh Nguyễn Văn Hà xã Thanh Yên vay vốn về nuôi vịt siêu trứng, nhưng rồi dịch cúm gia cầm ập đến, đàn vịt của anh đã bị tiêu hủy hồi đầu tháng giêng. Bây giờ anh đi làm thợ xây lấy tiền trả nợ. Cái đói nghèo đã khiến khuôn mặt chàng trai ngoài 30 trở nên nhàu nhĩ, khắc khổ. Anh tính đi xây một thời gian nữa, trả hết nợ sẽ lại tiếp tục vay vốn chăn nuôi. "Cứ nghe tiếng vịt của nhà hàng xóm kêu ngoài máng là tôi lại giật mình nhớ đến món nợ. Thật khổ... - chị vợ chặc lưỡi - ông giời sao phụ công người thế không biết".

Vợ chồng Giàng A Thống ở bản Đề Dê, xã Sá Tổng thì lại ước mơ có một con trâu để cày nương, Thống kể: "Mình đi xẻ gỗ thuê, không biết bao vụ nương mới đủ tiền mua được con nghé, ấy thế mà vụ rét đậm rét hại năm ngoái nó bị chết rồi. Mình tiếc nó quá! Chưa kịp vực cày được buổi nương nào". Biết rằng đã được nhà nước hỗ trợ thiệt hại, nhưng họ vẫn buồn. Không buồn sao được, khi mà giấc mơ làm giàu của nhiều thanh niên miền núi chập chờn trong vận rủi may vì ở một số nơi, họ khó tiếp cận những kiến thức khoa học công nghệ, nguồn vốn, chưa được học nghề và hướng dẫn cách làm ăn...

Mấy ngày nay gia đình ông Bùi Văn Đắc đội 20, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên tất tả lo tiền xin việc cho con. Bùi Trung Dũng con trai ông đã tốt nghiệp cao đẳng công nghiệp điện, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh hơn năm nay vẫn chưa xin được việc làm, Dũng đi làm thuê đủ thứ nghề mong kiếm được việc làm ổn định, làm ra tiền rồi mới tính đến chuyện lấy vợ. "Đận này tôi tính sẽ bán đàn lợn, vay thêm ngân hàng để xin việc cho nó. Cữ này mà bán thóc thì rẻ quá, chờ đến giáp Tết giá thóc cao hơn chút tôi sẽ bán để trả nợ sau, cứ để nó lông bông không biết đến khi nào nó mới chịu lấy vợ. Tôi già rồi, cũng gắng lo cho nó" - ông Đắc mặt nhăn nhúm như trái táo mèo khô thốt lên rầu rĩ.

Phải đâu trong đục cũng đầy...

Trong khi nhiều bạn cùng trang lứa an phận gia đình, chấp nhận cảnh nghèo khó thì anh Đinh Văn Thọ, đội 4, xã Thanh Yên đã biến ước mơ làm giàu của mình thành hiện thực từ vài chục con vịt, rồi đến vài trăm con, anh gây dựng dần, sau nhiều lần thất bại do dịch cúm. Mỗi lần thất bại là một lần anh có thêm kinh nghiệm chăn nuôi. Thọ quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của gia đình mình. "Chị xem, nhờ chăn nuôi mà tôi làm được nhà, lo cho các con ăn học. Trời không cho ai cái gì tất cả, cũng không lấy đi của ai cái gì bao giờ. Phải không chị?" - Anh Thọ cười, hớn hở khoe với tôi trong niềm vui ở tuổi ngoài 30 đã có cơ ngơi là một trang trại 2.000 con gà và 1.000 con vịt đang đẻ trứng lứa đầu, mỗi ngày anh thu từ 1.500 đến 2.000 quả trứng. Trong xã còn có Tạ Văn Đức, trang trại của anh cũng đã vực dậy sau nhiều lần đại dịch. Hiện anh nuôi 1.000 con vịt đẻ, mỗi năm xuất 4-5 tấn cá thịt. Ở Thanh Yên còn có nhiều gia đình thanh niên cũng làm được như thế...

Trong những tấm gương vượt khó, nỗ lực vươn lên biến ước mơ thành hiện thực còn phải kể đến Và A Lử, dân tộc Mông, sinh năm 1983, quê ở xã Na Ư, huyện Điện Biên - một điểm "nóng" về ma túy. A Lử đã vượt qua mọi thử thách, tận dụng tốt nguồn vốn vay 10 triệu đồng để thành lập trang trại chăn nuôi. Lúc đầu chỉ có 5 con bò cái, 5 con trâu cái và 4 con dê, sau 4 năm, đàn gia súc của Và A Lử đã tăng lên 120 con bò, 20 con trâu, 30 con dê, cho thu nhập bình quân 430 triệu đồng/năm, trừ các chi phí tiêm phòng, thuê nhân công, thức ăn, Và A Lử thu về 200-300 triệu đồng/năm. Với những thành quả đã gặt hái được, Và A Lử vinh dự được tỉnh Điện Biên tặng bằng khen do thành tích làm kinh tế giỏi. Hay như anh Nguyễn Công Hải - sinh năm 1981, Giám đốc Công ty Xây dựng Điện Biên thành lập doanh nghiệp ban đầu gần như với hai bàn tay trắng, nhưng sau 5 năm đã trở thành một doanh nhân thành đạt với số vốn hàng chục tỷ đồng. Khởi nghiệp bằng cách làm thuê, trong đầu lúc nào cũng nung nấu khát vọng làm giàu, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng Nguyễn Công Hải đã thành lập công ty riêng của mình. Chia sẻ khát vọng làm giàu, anh Hải cho biết: Trong kinh doanh có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn, nhưng điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh, xử lý tình huống thấu đáo để vượt qua thử thách.

Có câu hát rằng: Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình... Phải đâu may nhờ, rủi chịu; Phải đâu trong đục cũng đầy... Bạn trẻ nào cũng mang trong mình những mơ ước. Nhưng chỉ những ai có bản lĩnh, không chịu khuất phục trước gian khó, luôn tìm cách học hỏi, vươn lên... mới đi được tới đích.

Trần Thị Hương