Cần tăng khung hình phạt, xử lý nghiêm
Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 13/10/2011
Xử lý một trường hợp vi phạm luật giao thông, chống người thi hành công vụ. |
Bà Vũ Phương Thảo (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai): Xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ
Thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, thì số vụ chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, thậm chí ngày càng có mức độ nghiêm trọng, coi thường pháp luật, gây mất trật tự xã hội. Phần lớn các trường hợp tấn công lực lượng chức năng rơi vào nhóm thanh niên hung hăng, coi thường pháp luật. Theo tôi, các đối tượng chống người thi hành công vụ cần phải được xử lý nghiêm minh, áp dụng khung hình phạt nặng nhất, nhằm lập lại kỷ cương, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Bà Phạm Minh Tâm (Văn phòng Luật sư Triệu Dũng và Cộng sự): Điều chỉnh chế tài bảo đảm tính răn đe...
Điều 257 Bộ luật Hình sự quy định rõ tội "Chống người thi hành công vụ", với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm thì khung hình phạt tù thấp nhất cũng chỉ 2 năm và cao nhất là 7 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vụ chống người thi hành công vụ thường chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính; chỉ có những vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ mới bị xử lý hình sự. Do việc xử lý đối tượng chống người thi hành công vụ vẫn chưa bảo đảm tính răn đe, dẫn đến số lượng các vụ vi phạm ngày càng gia tăng, với hành vi ngông cuồng hơn. Tôi cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm những vụ chống người thi hành công vụ, Nhà nước cần điều chỉnh chế tài theo hướng tăng khung hình phạt, bảo đảm tính răn đe tội phạm của hệ thống pháp luật.
Ông Nguyễn Tiến Hải (Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng): Cần xây dựng Quỹ hậu đãi...
Theo thống kê, trong năm 2010 chỉ riêng thành phố Hà Nội đã có 254 vụ tấn công người thi hành công vụ, làm bị thương 59 cán bộ, chiến sĩ. Những hành vi chống đối người thi hành công vụ đa phần xuất phát do sự thiếu kiểm soát về hành vi cá nhân, bảo vệ sự sai trái cá nhân và sẵn sàng kháng cự lại lực lượng thi hành công vụ bằng mọi cách. Không chỉ chống người thi hành công vụ, qua theo dõi báo chí, tôi còn thấy một thực trạng rất đáng báo động: Không ít các va chạm, xô xát nhỏ trên đường, bên bàn nhậu là nguyên nhân dẫn đến án mạng, đâm chém, trả thù... Nhiều đối tượng có bản chất liều lĩnh, manh động, coi thường pháp luật, sẵn sàng chống lại lực lượng thực thi pháp luật bằng vũ khí, nhằm trốn tránh pháp luật. Thế nhưng, những chính sách của Nhà nước về hậu đãi, mở rộng quyền lợi cho những người thi hành công vụ vẫn còn hạn chế. Song, họ vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ dù có khó khăn, nguy hiểm đang rình rập. Nhiều chiến sĩ công an, nhất là lực lượng hình sự đã bị thương tích, thậm chí hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Theo tôi, bên cạnh sự động viên của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương, chúng ta nên xây dựng Quỹ hậu đãi, ủng hộ các chiến sĩ vì dân, vì nước để thăm hỏi, động viên hay trích thưởng đối với những người có công...