Thừa văn bản, thiếu thực tiễn
Giáo dục - Ngày đăng : 06:37, 13/10/2011
Đằng sau niềm vui đến trường của học sinh là nỗi lo những khoản thu đầu năm học của nhiều bậc phụ huynh. Ảnh: NHẬT NAM
Đừng bắt thầy, cô thu hộ
Có một thực tế là, khi nhắc đến chuyện thu nhiều, thu sai, dư luận thường gán "tội" cho nhà trường, hiệu trưởng, hay cụ thể hơn là giáo viên (GV) chủ nhiệm. Ít người hiểu rằng có những nơi, trong danh sách mười mấy khoản mà phụ huynh cần nộp, có đến dăm bảy khoản là nhà trường đứng ra thu hộ. Nào là thu hộ quỹ Đoàn, quỹ Đội, thu hộ cả bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, thu hộ quỹ khuyến học, tiền chữ thập đỏ, thậm chí có nơi còn giao cho GV chủ nhiệm thu hộ luôn cả quỹ phụ huynh.
Chưa có quy định nào buộc GV phải trực tiếp thu các khoản tiền này. Thế nhưng, để tiện cho quản lý, thường thì hiệu trưởng đề nghị GV chủ nhiệm các lớp đứng ra thu luôn một thể cho gọn. Sự mập mờ, không rạch ròi giữa các khoản thu quy định, thu theo thỏa thuận, thu hộ và cách làm chỉ để tiện cho mình của không ít cơ sở là căn nguyên chính dẫn đến sự ì xèo. Hầu hết thầy, cô giáo làm công tác chủ nhiệm đều tâm sự rằng chẳng ai muốn hiệu trưởng "điểm mặt chỉ tên", nên phải cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Ai cũng thấy rõ, khi đã trực tiếp đứng ra thu tiền trường thì dù muốn hay không, dưới con mắt của phụ huynh, HS, hình ảnh của họ ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong khi ấy, áp lực từ "phía trên" khiến chẳng GV nào dám từ chối "nhiệm vụ" thu tiền.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: các cấp quản lý đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thu chi với các quy định cụ thể, song vẫn còn nhiều sai phạm tại cơ sở. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đồng tình với đề xuất của Hà Nội rằng không nên để các nhà trường đứng ra thu hộ bất cứ khoản nào khác ngoài học phí và các khoản trong quy định. Đây không phải là quy định mới, nhưng diễn biến thực tế cho thấy không dễ thực hiện quy định bởi trong vô vàn lý do, có sự hấp dẫn của cái khoản mang tên "hoa hồng". Trong khi ấy, danh sách các khoản thu hộ trong trường ngày càng nhiều lên bởi sự "chung tay" của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc giáo dục HS, mà "sốt" nhất hiện nay là chương trình giáo dục kỹ năng sống. Ông Lê Tiến Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT) dẫn chứng: tổng hợp số tiền thu của HS để học chương trình kỹ năng sống ở một trường nọ, trừ phí quản lý, lương GV và các khoản chi phí khác, mỗi tháng thu lại tới 70% (ước tính khoảng 58 triệu đồng). Hiệu quả giáo dục chưa thấy đâu, song chuyện ai lời, ai thiệt là điều thấy rõ.
Không quản được thì cấm?
Đây là năm học đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng quy định về việc sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện (BĐD) cha mẹ HS với kỳ vọng phần nào chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Theo văn bản số 5584/BGDĐT-KHTC do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký ban hành ngày 23-8-2011, có hai nội dung không được sử dụng từ nguồn quỹ này, gồm hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục; khen thưởng cán bộ, GV, nhân viên nhà trường. Ý kiến của hầu hết cán bộ quản lý nhà trường đều cho rằng quy định này không phù hợp thực tế, thậm chí có người còn thẳng thắn thừa nhận: Cách làm không quản được thì cấm ấy chỉ khiến các cơ sở phải tìm cách dối quanh để hợp thức hóa các khoản chi vốn là hợp lý (hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục) trong nhà trường. Quy định không dùng quỹ phụ huynh để khen thưởng cán bộ, GV, nhân viên của Bộ GD-ĐT cũng không nhận được sự đồng thuận của cơ sở. Việc ghi nhận, động viên, khích lệ GV trong những dịp đặc biệt trong năm vốn là điều nên làm, không thể chỉ vì cách làm chưa đúng ở một vài nơi mà áp đặt triệt để trong toàn ngành.
Trong khi ấy, Điều lệ BĐD cha mẹ HS do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2008 lại ghi rõ: BĐD cha mẹ HS lớp có nhiệm vụ "bồi dưỡng, khuyến khích HS giỏi; giúp đỡ HS yếu kém…; phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho HS…" .
Để hạn chế tình trạng lợi dụng danh nghĩa tự nguyện để thu nhiều, thu sai, tại dự thảo Điều lệ BĐD cha mẹ HS đang được công bố để lấy ý kiến góp ý của dư luận, Bộ GD-ĐT còn quy định cụ thể hơn nữa những khoản không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học, gồm: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ, GV, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, GV và nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Qua phản ánh, quy định này không chỉ khiến các nhà trường, mà cả phụ huynh bức xúc, cho rằng như bị "trói tay". Thực tế cho thấy không thể áp đặt những quy định cứng nhắc để cản trở sự đồng hành của phụ huynh với nhà trường trong các hoạt động giáo dục HS.
Vấn đề cơ bản vẫn là ở cách thực hiện, thái độ nghiêm túc và sự minh bạch.