Trạch hỏa cách
Sách - Ngày đăng : 06:34, 13/10/2011
Hình vẽ có một con hổ đang rình mồi bên khe núi, nếu đi sai đường sẽ bị nguy hiểm. Một người đẩy xe xuống dốc là sự dịch chuyển tất yếu, thay đổi vị trí nhanh chóng. Một người cầm ký hiệu hướng dẫn chỉ đường cho xe đi đường chính, tránh sa xuống vực. Cách tức là cải cách, thay đổi, là quá trình cải tiến cái cũ, sáng tạo cái mới như cách tân, cách mạng. Đây là đạo giải quyết các mâu thuẫn kiềm chế nhau. Tuy sẽ gặp rắc rối, hỗn loạn nhưng cần giữ vững mục đích, chính nghĩa vì đây là sự biến cách, mang giá trị tích cực.
Theo Thuyết văn, Cách là bộ da thú đựơc cạo lông, trong Kim văn là loại trừ, cải biến, rèn trong lửa để loại bỏ tạp chất. Đó là ngụ ý thép tốt nhờ sự luyện rèn mà thành. Anh hùng nhờ sự gian khó mà nên. Sử ký Tư Mã Thiên có chép: “Văn Vương bị giam nên diễn giải Chu Dịch, Trọng Ni gặp nạn làm kinh Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi nên ngâm Li Tao, Tả Khâu bị mù nên có Quốc Ngữ; Tôn Tẫn bị chặt chân mà viết Binh pháp... Triệu của quẻ này là hạn miêu đắc vũ (hạn lâu được mưa rào). Màu sắc của Cách là tím - đỏ tạo ra động lực lớn, vận động và xoay chuyển. Cải cách là hy vọng to lớn của các thế hệ nho giáo thời xưa. Nó tạo ra sự thay đổi cơ bản đối với xã hội và đời sống con người vì đổi mới để phát triển, đổi mới để hoàn thiện hơn. Trong quá trình cải cách
cần biết:
1. Dù đánh giá dưới góc độ nào, thực chất cải cách cũng là hành động thay đổi khác bình thường. Vì thế, cần phải nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ cả về lý thuyết lẫn lực lượng, nếu không chỉ tạo nên một cuộc gây rối loạn mà thôi. Sử chép, sau 257 năm tồn tại, thời Chiến quốc, đến khi Tần Hiếu Công phá được thế kiềm giữ để vươn lên xưng bá, đó là công rất lớn của Thương Ưởng. Lúc đầu chạy từ nước Vệ sang Tần, lần đầu gặp mặt Ưởng để bàn về Đế đạo mà Hiếu Công chỉ ngáp dài. Lần hai nói về Vương đạo thì Hiếu Công tuy hứng thú nhưng không muốn áp dụng. Lần ba nói về bá đạo thì Hiếu Công thực sự quan tâm. Sau đó, Hiếu Công cho tổ chức tranh luận về cải cách đất nước với các đại thần khác rồi mới tiến hành làm biến pháp tổ chức làng xã, đóng thuế, phân đất, phong tước vị, luật hình pháp. Để cho mọi người tin theo biến pháp, Thương Ưởng cho dựng một cái cọc cao ba trượng ở cửa Nam thành và tuyên bố ai chuyển được sang cửa Bắc sẽ được thưởng 50 cân vàng, quả nhiên sau có người chuyển được, lĩnh thưởng. Từ đó, Thương Ưởng mới phổ biến cải cách tư pháp. Sau 10 năm thực hiện, nước Tần no đủ, dân chúng an cư lạc nghiệp, trị an rất tốt, thanh niên hăng hái đăng lính. Đó chính là cơ sở nền tảng để về sau Tần thống nhất Trung Hoa.
2. Hành động hay kế hoạch cải cách phải phục vụ cho mục đích và lợi ích chung của số đông thì mới tập hợp được lực lượng và sự ủng hộ của dân chúng, nếu không sẽ thất bại. Thời Xuân Thu, công tử Bào nước Tống mưu đoạt ngôi vua nên ông đã đem toàn bộ của cải phát cho dân chúng. Ông còn quy định người già trên 70 tuổi hàng tháng được phát một tấm vải bông. Người nào có tài nghệ đều được thu nạp để sắp xếp công ăn việc làm. Năm mất mùa đói kém, ông lấy thóc gạo trong kho cứu tế dân nghèo. Mẹ ông cũng dùng của cải riêng để giúp đỡ nhân dân, vì thế dân chúng ai cũng muốn ông lên làm vua để mọi người được no ấm. Nhân cơ hội Tống Chiêu Công đi săn bắn xa, công tử Bào thoái ngôi vua. Vua nước Tần lúc đó đang đứng đầu chư hầu đã bất bình đem liên quân năm nước sang đánh Tống nhưng khi thấy dân chúng hết lòng ủng hộ ông nên đành phải công nhận ông là vua chính thức của nước Tống.
3. Kế hoạch tiến hành cải cách bao gồm các yếu tố quan trọng như sau:
- Người lãnh đạo phải có ý chí kiên cường, có kinh nghiệm sống phong phú thích ứng với vai trò lịch sử, giành được uy tín cao.
- Cần lựa chọn thời điểm và điều kiện thích hợp.
- Chuẩn bị đầy đủ lực lượng và vật chất để tiến hành cải cách.
Năm 1945, cuộc cách mạng Tháng Tám ở nước ta đã nổ ra và thắng lợi hoàn toàn. Nhờ uy tín lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, chúng ta đã tổ chức lực lượng rộng khắp, bao gồm các tầng lớp nhân dân công nông binh trí thức nhất tề đứng lên theo lời hiệu triệu của Việt Minh. Khi Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh, Việt Minh đã kêu gọi nhân dân giành thời cơ cướp kho thóc và tiến hành khởi nghĩa toàn quốc chỉ trong hơn 10 ngày.
4. Muốn tiến hành thay đổi, cải biến phải có chỗ dựa về tinh thần và lực lượng. Nếu không có thực quyền và thực lực thì khó thể thành công. Đó là chưa nói đến năng lực của người đứng đầu. Năm 1643, khi Thành Thái Tông bị bệnh qua đời chưa kịp xác định người nối ngôi, nên gây ra cuộc tranh đấu trong nội bộ gay gắt, một bên là Đa Nhĩ Cổn, một bên là con trưởng của Thái Tông là Hào Cách. Các đại thần chia phe phái không ai chịu ai, người ủng hộ Cổn lên làm vua, người ủng hộ Cách lên ngôi. Trước tình thế đó, Nhĩ Cổn tán thành ý kiến của Hiếu Trang hoàng hậu lập Phúc Lâm con thứ 9 của Thái Tông lên làm Hoàng đế lúc đó mới có 6 tuổi, để ông ta phò chính. Như vậy là, trên thực tế ông ta vẫn nắm quyền đế vương, các vấn đề trọng đại của triều đình đều do Nhĩ Cổn quyết hết. Tháng 6 năm 1644, Đa Nhĩ Cổn tuyên bố xây dựng Kinh đô ở Bắc Kinh để mưu đồ tiến chiếm toàn quốc vì: Yếu kinh chính là vùng đất quý báu, hà cớ gì lại không xây dựng Kinh đô? Quả nhiên sau đó, Đa Nhĩ Cổn đã thống nhất được toàn quốc. Như vậy, sự cải biến của ông ta thành công, điều duy nhất chưa thực hiện được là chưa chính danh hoàng đế mà thôi.
5. Những nhân vật đứng đầu được lựa chọn trong các cuộc biến cách cần phải hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa và có tài năng cống hiến thực sự mới tập hợp được ủng hộ triệt để của tầng lớp lãnh đạo và xã hội. Đại Việt sử ký toàn thư chép, sau khi vua Lê Ngọa Triều chết, quan chi hậu Đào Cam Mộc và quốc sư Vạn Hạnh đã bàn nhau đưa tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Họ nói với Công Uẩn rằng: Ông là người công minh dung thứ, khoan hồng nhân từ, thu phục được lòng người. Hiện nay trăm họ khốn khổ, dân không chịu nổi, ông nhân thế lấy nhân đức mà vỗ về, thì người ta sẽ tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp, ai có thể ngăn lại được. Rồi họp các quan trong triều lại, Cam Mộc nói rằng: Hiện nay dân chúng khác lòng, trên dưới lìa ý, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc, bạo ngược, đều có lòng suy tôn quan Thân vệ. Bọn ta không nhân lúc này cùng nhau tôn phù thân vệ làm thiên tử, nếu xảy ra tai biến, chúng ta có thể giữ được đầu không? Rồi tất cả cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm thiên tử lên ngôi. Trăm quan đều lạy rạp ở dưới sân, trong ngoài hô vạn tuế vang dậy cả trong triều. Đại xá cho thiên hạ, lấy năm sau làm niên hiệu Thuận Thiên (theo ý trời) năm thứ nhất. Rồi mùa thu, tháng bảy năm 1010, vua rời đô từ Hoa Lư sang Đại La, đổi thành Thăng Long...
6. Cuộc cách mạng thành công chỉ là bước đầu vì giành dễ, giữ khó. Vì vậy nếu thỏa hiệp, tự mãn thì thành quả sẽ mau chóng sụp đổ. Tháng 10 năm 1911, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc bắt đầu bằng khởi nghĩa Vũ Xương (Hồ Bắc). Tổ chức Đồng Minh Hội của Tôn Trung Sơn đã lãnh đạo khởi nghĩa toàn quốc thắng lợi, quân Mãn Thanh đầu hàng. Tháng 12-1911, Quốc dân đại hội bầu Tôn Trung Sơn làm Tổng thống. Nhưng sau đó, một số phần tử lãnh đạo của Đồng minh hội vốn là quan lại, địa chủ đã tìm cách phá sự phát triển của cuộc cách mạng và thỏa hiệp với phong kiến, lại thêm các nước đế quốc gây sức ép khiến Tôn Trung Sơn buộc phải từ chức. Một đại thần của triều đình phong kiến là Viên Thế Khải lên làm Tổng thống. Cuộc cách mạng coi như chấm dứt, các thế lực phong kiến quay lại nắm quyền. Nguyên nhân thất bại của cuộc cách mạng chính là không có đường lối rõ rệt, Chính phủ lâm thời yếu ớt, gồm nhiều phe phái chính trị, tự gây mâu thuẫn nội bộ bằng khẩu hiệu lập Dân quốc - đuổi Mãn Thanh, chia ruộng đất cho dân cày, mà ruộng đất chủ yếu lại nằm trong tay của những người lãnh đạo cách mạng?