Mỹ - Hàn thắt chặt quan hệ

Thế giới - Ngày đăng : 15:48, 12/10/2011

Vấn đề thương mại song phương và kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là trọng tâm chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã lên đường thăm Mỹ nhằm thắt chặt quan hệ với đồng minh số một của mình. Trong bối cảnh hiện nay, nhà lãnh đạo Hàn Quốc muốn tìm kiếm sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía chính quyền Washington, cả trong vấn đề thương mại song phương và các kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc và vợ tại sân bay Seongnam trước khi lên đường thăm Mỹ (Ảnh: Reuters)

Chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak diễn ra trong bối cảnh tương lai Hiệp định tự do thương mại giữa 2 nước ngày càng sáng rõ. Vì thế, đây là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn.

Hiệp định tự do thương mại (gọi tắt là FTA) giữa Mỹ và Hàn Quốc trên thực tế được 2 chính phủ ký kết từ năm 2007, song không thể có hiệu lực vì Quốc hội 2 bên vẫn chưa phê chuẩn văn bản này. Giờ đây, vấn đề bế tắc xem ra đã tìm được lối thoát, khi ngày 5/10 vừa qua, Ủy ban Thuế và an sinh Xã hội của Hạ viện Mỹ đã chấp thuận thông qua FTA với Hàn Quốc và Hiệp định này sắp được đưa ra bỏ phiếu tại lưỡng viện Mỹ.

Rõ ràng, sự hiện diện của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tại Mỹ vào lúc này nhằm cố gắng tạo một “cú huých” để con đường tới đích của FTA Mỹ - Hàn trở nên trơn tru hơn.

Có thể nói rằng, mục tiêu số một của bất cứ quốc gia nào không riêng gì Mỹ và Hàn Quốc trong giai đoạn hiện nay là “xốc” lại nền kinh tế bị đình trệ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Do đó, các kế hoạch mà trước đây người ta không “mặn mà” lắm, giờ được “lục lại” nếu đằng sau nó lóe lên chút hy vọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm. Dư luận còn nhớ những năm trước, rắc rối liên quan đến các điều khoản về xe hơi đã chặn bước thỏa thuận giữa Mỹ và Hàn Quốc về việc xây dựng một thị trường tự do, nơi dỡ bỏ tới 95% thuế đối với hàng hóa xuất -nhập khẩu giữa hai nền kinh tế.

Cái lợi đối với kinh tế Mỹ thấy rõ khi Chính quyền Obama nhận định FTA Mỹ -Hàn sẽ hỗ trợ 70.000 việc làm tại Mỹ và giúp tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Hàn Quốc trong 5 năm tới. Song về phía Hàn Quốc, các nghị sĩ thuộc đảng đối lập thì vẫn đang do dự vì cho rằng, cán cân lợi ích đang nghiêng về phía Mỹ. Chính vì vậy, chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Lee Myung-bak còn mang mục đích “củng cố niềm tin” với đối tác Mỹ. Điều đó có thể xem như một sự “hứa ngầm” của nhà lãnh đạo Hàn Quốc rằng, nước này sẽ nối gót khi Quốc hội Mỹ chấp thuận “bước trước” trong vấn đề tự do thương mại.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đối với chính quyền Seoul, sẽ là không đơn giản trong việc tìm kiếm sự gật đầu của Quốc hội Hàn Quốc nhằm thực hiện hoài bão trở thành quốc gia duy nhất có các thỏa thuận thương mại tự do với ba khối kinh tế lớn nhất là, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Ngoài kinh tế, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng là nội dung mà các nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn bàn thảo, bởi nó liên quan sát sườn tới lợi ích của Hàn Quốc, cũng như lợi ích của Mỹ ở Đông Á. Cả hai nước đang lo ngại CHDCND Triều Tiên có thể thử nghiệm hạt nhân lần 3 nếu đàm phán 6 bên không được nối lại và Triều Tiên không nhận được viện trợ từ Mỹ và Hàn Quốc.

Trong bối cảnh bầu cử tổng thống sẽ diễn ra ở Mỹ và ở Hàn Quốc vào năm tới, không chính quyền nào muốn đẩy căng tình hình bán đảo Triều Tiên, song dư luận vẫn phải chờ đợi một “sự chuyển ý” từ 2 đồng minh Mỹ - Hàn. Trong khi CHDCND Triều Tiên đã chấp thuận nối lại đàm phán vô điều kiện thì Mỹ và Hàn Quốc lại đưa ra yêu cầu tiên quyết là CHDCND Triều Tiên phải ngừng các chương trình hạt nhân trước khi đàm phán. Như vậy, “trái bóng” đang ở phần sân của Mỹ và Hàn Quốc.

Hy vọng, sau những cân nhắc tại cuộc gặp cấp cao Mỹ - Hàn trong chuyến thăm lần này, 2 nước sẽ có những điều chỉnh phù hợp để cuộc đàm phán 6 bên được nối lại.

Theo VOVNEWS