Bài cuối: Chủ động phòng ngừa, giải pháp đồng bộ

Xã hội - Ngày đăng : 07:15, 12/10/2011

(HNM) - Các nhà khoa học, nhà quản lý đều khẳng định, với BĐKH chúng ta chỉ có thể chủ động phòng ngừa, đó là biện pháp tốt nhất để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại.


Những tác động của BĐKH ở Việt Nam là mối đe dọa với việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo cũng như các mục tiêu thiên niên kỷ khác. Thời gian qua, dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng đã gây nhiều tổn thất về người và tài sản, các cơ sở hạ tầng và tác động xấu tới môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chỉ trong 10 năm (2001-2010), các loại thiên tai đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm…


Lũ lụt thường xuyên là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu.

Theo tính toán của các nhà khoa học, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta sẽ tăng 2-3 độ C. Tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm. Ở các khu vực khác nhau lại có thể xuất hiện những ngày mưa dị thường với lượng mưa gấp đôi so với kỷ lục hiện nay. Mực nước biển có thể dâng khoảng 30cm vào giữa thế kỷ XXI, đến cuối thế kỷ có thể dâng cao 75cm-1m so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Nếu nước biển dâng 1m, có khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng, hơn 2,5% diện tích các tỉnh miền Trung và hơn 20% diện tích TP Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập; hơn 4% hệ thống đường sắt, hơn 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam bị ảnh hưởng.

Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

TS Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong chiến lược quốc gia về BĐKH (đang trình Chính phủ phê duyệt), một loạt nhiệm vụ chiến lược đã được đề cập tới. Trong đó, nhiệm vụ số 1 là tập trung xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống giám sát BĐKH và nước biển dâng, phấn đấu hoàn thành vào năm 2015. Đến năm 2020 phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn có mật độ trạm tương đương với các nước phát triển và tự động hóa hơn 90% số trạm; tăng cường các hệ thống đo đạc từ xa, bảo đảm theo dõi liên tục các biến động về thời tiết, khí hậu, tài nguyên nước…

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các giải pháp chiến lược mang tầm quốc gia thì mỗi địa phương cần triển khai các giải pháp phù hợp và mang tính lâu dài. Trước mắt, chúng ta phải trồng rừng, bảo vệ rừng, làm tốt việc bảo vệ môi trường. Với các thành phố, khu vực trung tâm đang phát triển đô thị mạnh mẽ cần có phương án giảm bớt nhu cầu sử dụng năng lượng gây phát thải khí nhà kính. Theo tính toán của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, đối với các dự án khách sạn, tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cứ mỗi dự án xây dựng 10.000m2 sàn thì mỗi năm tổng điện năng tiêu thụ có thể đạt 1,5-2 triệu kWh, trong đó điện năng dùng cho điều hòa nhiệt độ chiếm 40-50%. Đây chính là những "cỗ máy" tiêu thụ năng lượng khổng lồ, là một trong những nguồn gây phát thải khí nhà kính… Các nhà khoa học kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Đây là một trong những lựa chọn cho sự phát triển bền vững ở một số đô thị trên thế giới. Với vị trí địa lý gần xích đạo, điều kiện tự nhiên của Việt Nam rất thuận lợi cho sự phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời.

TS Nguyễn Văn Thắng, Viện Khí tượng thủy văn và Môi trường cho rằng, việc xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH không nhất thiết phải tiến hành đại trà ở quy mô thế kỷ, mà cần có sự phân kỳ thực hiện; xác định được mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn, nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất. Việc sử dụng kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam trong đánh giá tác động và xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH cần được xem xét và lựa chọn phù hợp với từng lĩnh vực và địa phương, dựa trên các tiêu chí về tính đặc thù, đa mục tiêu, hiệu quả nhiều mặt, tính bền vững, khả thi, khả năng lồng ghép với các chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng phó với BĐKH, Việt Nam đang có 21 chương trình, dự án tài trợ đa phương và song phương của các quốc gia (Đan Mạch, Pháp, Nhật Bản, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada…), các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Liên hợp quốc) và các quỹ liên quan đến BĐKH giúp đỡ, với tổng kinh phí khoảng 1,28 tỷ USD. Dự kiến, 5 năm tới sẽ huy động thêm khoảng 5 tỷ USD nữa để phục vụ ứng phó với BĐKH.

Tuấn Lương