Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống

Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 12/10/2011

(HNM) - Tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ hàng phân phối qua kênh hiện đại (siêu thị) chiếm khoảng 30%, kênh truyền thống (chợ) chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, trong khi các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị BigC, Co.opMart có tỷ lệ hàng Việt lên đến 80-90% thì ở các chợ truyền thống, lượng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc vẫn gần như… áp đảo! Để đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng hơn, TP đang tổ chức "Tuần lễ  bán hàng Việt" diễn ra từ ngày 10 đến 15-10.

Giám đốc cũng… ra chợ

Gian hàng quần áo của Công ty Kim Hoàng Anh nằm ở phía cửa tây chợ Bến Thành sáng ngày 10-10 tấp nập người mua. Dù chỉ là một quầy hàng nhỏ, số lượng hàng hóa không nhiều bằng các quầy hàng khác nhưng do nằm ở vị trí, thuận lợi và niêm yết giá đầy đủ nên vẫn thu hút nhiều người xem và mua hàng. Người đàn ông bán hàng tên Tâm vừa giới thiệu, vừa giải thích, tư vấn cặn kẽ cho người mua với thái độ nhã nhặn, lịch sự. Có điều, không mấy người biết rằng người bán hàng này chính là Giám đốc của Công ty TNHH TM-SX May mặc Kim Hoàng Anh. Bà con đi chợ cũng xúm lại trước gian hàng bán cây lau nhà của Công ty Hạnh Doanh ở khu vực cổng chính chợ Bến Thành, thích thú xem người bán hàng "biểu diễn" các động tác lắp ráp, sử dụng bộ lau nhà đa năng. Không chỉ Hạnh Doanh, các quầy hàng bên cạnh bán quần áo, giày dép, thiết bị dùng trong nhà… cũng thu hút khá nhiều người xem bởi được trang trí đẹp và nhân viên bán hàng nhã nhặn, lịch sự.

Chợ Bến Thành hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt bán hàng Việt”.

Không chỉ chợ Bến Thành, chợ Tân Định, Thái Bình (quận 1) cũng như "lột xác" bởi sự xuất hiện của các gian hàng Việt và vô số băng rôn quảng bá chương trình bán hàng Việt. Đây là một trong những chương trình hành động của TP nhằm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", do UBND quận 1 và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cùng phối hợp tổ chức tại 3 chợ Bến Thành, Tân Định và Thái Bình, với mục đích đưa hàng Việt tiếp cận nhiều hơn với kênh phân phối quan trọng này.

Ông Đinh Hoàng Thanh, Phòng Xúc tiến thương mại của ITPC cho biết, tuần lễ bán hàng Việt tập trung vào 3 ngành hàng chính là hóa mỹ phẩm, may mặc và hàng gia dụng. Có 17 doanh nghiệp tham gia đưa hàng vào chợ Bến Thành, gồm các doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và các DN bán hàng bình ổn giá như Công ty Ba Huân, Hoa Bếp, Đại Hải, Win Mart, Ri Pha….

Theo cung cấp của ông Lê Quang Thiện, Trưởng ban Quản lý chợ Bến Thành, Ban quản lý chợ đã dành 6 gian hàng (diện tích 4m2/gian) ngay mặt tiền chợ cho các DN Việt tham gia chương trình. Các gian hàng còn lại bên trong chợ có diện tích nhỏ hơn vì mặt bằng đã kín. Không chỉ có vậy, chợ Bến Thành còn hỗ trợ toàn bộ các chi phí liên quan như băng rôn quảng bá, điện, nước… các DN chỉ việc mang hàng về bán. Trước đó một tuần, Ban quản lý chợ đã họp, xin ý kiến tiểu thương về việc hỗ trợ các DN mang hàng Việt về chợ này. Ban đầu cũng có nhiều ý kiến phản đối sự ưu ái đối với các DN hàng Việt Nam, nhưng sau khi nghe Ban quản lý giải thích, vận động thì các tiểu thương đã thuận tình, ủng hộ. Thực tế thì tháng 9, tháng 10 hằng năm luôn là thời điểm vắng khách nên chương trình bán hàng Việt với nhiều hình thức quảng bá hấp dẫn đã tạo hiệu ứng thu hút khách đến chợ nhiều hơn. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các gian hàng bán hàng chất lượng, giá cả mềm đã khiến các tiểu thương cũng phải "nhìn nhau", có lợi cho người tiêu dùng hơn.

Nâng "độ phủ" của hàng Việt

Ông Trương Đức Vinh (Công ty Hạnh Doanh), cho biết, từ trước đến nay công ty chưa bán hàng ở chợ mà chỉ phân phối tại hệ thống siêu thị Co.opMart, BigC và một số siêu thị khác. Tham gia tuần lễ bán hàng Việt, công ty không đặt nặng doanh thu, mà chỉ muốn giới thiệu sản phẩm hàng Việt chất lượng tốt, giá cả hợp lý với người tiêu dùng. Còn theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Công ty Kim Hoàng Anh, mục đích tham gia chương trình là để quảng bá chất lượng hàng Việt và tìm kiếm, mở rộng hệ thống phân phối đến các chợ, vốn vẫn là kênh mua sắm "áp đảo" so với hệ thống phân phối hiện đại. Ông Tâm cho biết, chỉ trong ngày 10-10 đã có nhiều tiểu thương trong chợ đến đặt vấn đề làm đại lý cho công ty. Trước đó, trong chương trình "Tuần lễ kết nối thương hiệu Việt" do Sở Công thương và ITPC thực hiện tại các chợ Xóm Chiếu (quận 4), Bình Tây, Phú Lâm (quận 6), các DN như Công ty Ri Pha, Ba Huân… cũng có thêm được nhiều đại lý.

Theo xu hướng phát triển, các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích sẽ được lựa chọn nhiều hơn chợ truyền thống. Mặc dù vậy, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò là kênh phân phối quan trọng để các DN, nhà sản xuất đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, thời gian tới TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện chương trình bán hàng Việt, "Kết nối thương hiệu Việt" ở các chợ truyền thống nhằm nâng cao độ phủ của hàng Việt Nam trên thị trường nội địa.

Đặng Loan