Xây dựng đề án VPF: Phải vì lợi ích chung

Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 12/10/2011

(HNM) - Sau những cuộc làm việc giữa LĐBĐ Việt Nam (VFF) với đại diện các CLB bóng đá đã cho ra kết quả đáng chú ý đầu tiên, là VPF sẽ trở thành tổ chức thành viên của VFF, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ VH-TT&DL và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hai vấn đề nóng nhất là nhân sự Công ty VPF và bản quyền truyền hình (BQTH) vẫn chưa được bàn đến. Rõ ràng, việc tìm kiếm sự thống nhất không dễ dàng bởi sự khác biệt giữa hai bên không nhỏ.

Sự ra đời của VPF để điều hành V.League được số đông nhất trí cao. Ảnh: V.S.I

Chuyến tham quan J.League (Nhật Bản) đã mang đến cho các quan chức VFF khá nhiều thông tin hữu ích. Từ những kinh nghiệm của Nhật Bản, đề án sơ thảo của PCT VFF Phạm Ngọc Viễn đã nhận được sự đồng tình của đại diện các CLB bóng đá - ông Nguyễn Đức Kiên. Theo đó, việc quản lý đội ngũ giám sát, trọng tài sẽ được giao lại cho VFF chứ không phải VPF như dự thảo ban đầu. Bên cạnh đó, 10 CLB hạng Nhất cũng sẽ được góp vốn vào VPF, nâng tổng số CLB nằm trong công ty này lên tới con số 24. Tuy nhiên, tỷ lệ góp vốn 35,6% của VFF vẫn không thay đổi, đủ để duy trì quyền phủ quyết của tổ chức này.

Tuy vậy, người ta vẫn lo ngại về vấn đề BQTH, bởi quan điểm của VFF là "bản hợp đồng với AVG là vấn đề lịch sử để lại, nên VPF sẽ có trách nhiệm tiếp tục thực hiện". Trong khi đó, nhóm đại diện CLB gồm các ông Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Nguyên Đức lại muốn rút lại BQTH về cho VPF, bởi đây là một trong những nguồn thu chính để nuôi VPF sau này. Các ông bầu cũng có lý khi đưa ra chuyện này bởi chính các quan chức VFF cũng "choáng" khi biết tiền BQTH của J.League năm 2009 lên tới hơn 1.500 tỷ đồng (quy ra tiền Việt Nam), chiếm hơn 50% tổng thu của J.League.

Bản hợp đồng mà VFF đã ký với AVG có thời hạn 20 năm, tổng giá trị năm đầu chỉ là 6 tỷ đồng, có lũy tiến 10% sau mỗi năm. Điều đó có nghĩa là cho đến năm cuối cùng của bản hợp đồng - năm 2030, số tiền BQTH cũng chưa vượt con số 40 tỷ đồng. Hơn nữa, số tiền này đã bao gồm toàn bộ BQTH của tất cả các giải đấu do VFF tổ chức (V.League, giải hạng Nhất, Cúp QG, VFF Cup…). Trong khi đó, con số 1.500 tỷ đồng của bóng đá Nhật Bản chỉ bao gồm tiền bản quyền ở J.League và không rõ đến năm 2030 thì số tiền này sẽ còn tăng thêm bao nhiêu lần.

Bóng đá Nhật Bản ở trình độ khác xa so với ta, nhưng rõ ràng, chỉ cần nhìn vào tỷ trọng số tiền BQTH trong tổng thu của J.League đã cho thấy bản hợp đồng mà VFF đã ký có ảnh hưởng lâu dài đến BĐVN như thế nào. Thế nên, rất khó đòi hỏi các ông bầu "ngoan ngoãn" tuân theo chỉ thị của VFF là tiếp tục hợp đồng với AVG dù bản đề cương mới đã xác định VPF là tổ chức thành viên của VFF.

Ngoài chuyện bản quyền, vấn đề nhân sự cũng có thể tạo sự khác biệt về quan điểm giữa hai bên khi VFF muốn đưa người của mình nắm giữ các vị trí chủ chốt của VPF. Ở Nhật Bản, các quan chức Liên đoàn đều nắm những vị trí chủ chốt ở J.League, nhưng đặt vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, nếu VFF đưa toàn bộ người của mình vào nắm các chức giám đốc điều hành, phó giám đốc điều hành và trưởng các ban chủ chốt thì nhiều khả năng họ sẽ bị các đội bóng và dư luận phản đối. Bởi lẽ ai cũng rõ năng lực điều hành của bộ máy VFF không tốt, chính vì sự kém cỏi này mà các ông bầu mới phải làm "cách mạng" để đòi quyền tổ chức về phía mình. Nếu VFF làm theo đúng mô hình của J.League thì chẳng khác nào "bình mới, rượu cũ" và chưa chắc những vấn đề còn tồn tại trong nhiều mùa giải qua sẽ được giải quyết rốt ráo.

Thế nên, để đề án VPF thành công đòi hỏi các phía phải biết đặt lợi ích chung của bóng đá Việt Nam lên trên để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

Huy Hoàng