Cải, nhưng chưa... tiến!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:48, 12/10/2011

(HNM) - Có một thực tế là hằng năm, các trường ĐH, CĐ đào tạo cung cấp cho xã hội hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp, nhưng những sinh viên đó đi đâu, làm gì, ai có việc làm, ai còn thất nghiệp... thì hầu như chẳng trường nào nắm được.


Với nhà trường, công cuộc... giáo dục đào tạo những "sản phẩm" đặc biệt (vốn là nguồn nhân lực cho xã hội) đến đó là kết thúc. Trong khi đó, trên thực tế có những ngành nghề mà thị trường lao động đang cần thì đỏ mắt tìm không ra nhân lực có chất lượng vì "nhà cung cấp" là các trường lại không biết hoặc không quan tâm đến điều đó. Chính vì vậy, ngành GD-ĐT thời gian qua luôn nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Không biết có phải để cụ thể hóa mục tiêu đó không mà hàng loạt trường ĐH, CĐ ra đời cùng hàng loạt ngành nghề đào tạo mới xuất hiện. Tuy nhiên đến hết ngày 10-10, tức là hạn cuối để các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng (NV) 3 thì mới thấy một chuyện rằng, việc đào tạo hiện nay thực sự là ganh đua giữa các nhà trường, chứ không phải căn cứ vào nhu cầu xã hội. Xin lấy ví dụ, hiện ĐH Huế mới nhận được 421 hồ sơ so với gần 2.000 chỉ tiêu NV3, trong đó có hàng chục ngành đào tạo chỉ tuyển được vài thí sinh; Trường ĐH Đà Lạt đến hết ngày 10-10 vẫn còn 6 ngành "trắng" hồ sơ, có gần 20 ngành nhận được dưới 10 hồ sơ; Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Đồng Tháp phải tuyên bố đóng cửa 4 ngành vì lượng hồ sơ quá ít so với chỉ tiêu cần tuyển; ĐH Thái Nguyên - một trong những trường có tổng chỉ tiêu xét tuyển NV3 nhiều nhất của cả nước khi các trường thành viên cần tuyển gần 1.800 chỉ tiêu nhưng đến nay mới nhận được chưa tới 150 hồ sơ; ĐH Sao Đỏ chỉ nhận được 69 hồ sơ hệ ĐH và 108 hồ sơ hệ CĐ trong khi tổng chỉ tiêu NV3 của hai hệ đào tạo là 2.460...

Tại sao các trường "thất bát" trong việc tuyển sinh NV3 đến như vậy? Thứ nhất là một số ngành nghề đào tạo được mở ra chưa có "lực hút" đối với thí sinh, không lẽ mất công dùi mài mấy năm đèn sách và tốn thêm không ít tiền của để rồi vẫn trở thành những người vô công dồi nghề trong xã hội? Thứ hai, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn còn quá nhiều bất cập. Sau đợt trúng tuyển NV1, đến NV2, hầu như các ngành, các trường ĐH công lập đều lấy điểm xét tuyển là điểm sàn. Vậy thì còn đâu nguồn để các trường vét lên "chuyến tàu cuối" cho NV3? Những chuyện đó cùng với việc bùng nổ số lượng các trường ĐH, CĐ trong thời gian qua thì kết cục không tuyển sinh được đủ chỉ tiêu NV3 hoặc buộc phải "đóng cửa" một số ngành học là tất yếu. Thực trạng này chắc sẽ còn kéo theo nhiều hệ lụy.

Ngày hôm qua, theo điều tra của một tờ báo, một trường ĐH trên địa bàn Hà Nội chỉ trong hai đợt tuyển sinh năm 2009 và năm 2010 đã tiếp nhận hàng trăm thí sinh không thi, bỏ thi, khác khối, dưới điểm sàn, dưới điểm chuẩn vào hệ đại học. Thực hư thế nào, chắc chắn cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Song cứ theo cái thói thường tình mà suy hễ ế ẩm, thất bát trong tuyển sinh khi đã trót đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị mà không có người theo học thì việc phá rào, vượt rào cũng rất dễ xảy ra.

Ngành GD-ĐT của Việt Nam đối với bậc ĐH, CĐ nói riêng cũng như toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông nói chung hiện đang nỗ lực cải cách để theo kịp với thời cuộc và nhìn xa hơn nữa là bắt nhịp với khu vực và thế giới. Nhưng xem ra có những chuyện cải mãi mà chưa thấy tiến, ấy là không muốn nói... đang lùi!

Hoàng Thu Vân