Dự án phát triển GTĐT Hà Nội: Điều chỉnh vì... khó thực hiện
Kinh tế - Ngày đăng : 18:39, 11/10/2011
(HNMO) – Sáng 11/10, UBND TP Hà Nội và các sở, ban, ngành đã họp bàn để xem xét việc điều chỉnh, bổ sung Dự án phát triển giao thông đô thị (GTĐT) Hà Nội và tiểu dự án xây dựng khu tái định cư CT1, CT5 để thực hiện dự án.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Đức Vũ – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Dự án phát triển GTĐT Hà Nội đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định đầu tư số 1837/QĐ –UBND ngày 10/5/2007. Đến nay, trải qua 4 năm, nhiều yếu tố để thực hiện dự án đã nhiều thay đổi và gặp nhiều khó khăn, cần điều chỉnh, bổ sung và tái cấu trúc lại dự án. Đó cũng là dự án vay vốn của Ngân hàng thế giới (WB) nên cũng cần ý kiến đánh giá lại của WB. Đến nay, UBND TP đã đồng ý về chủ trương về việc điều chỉnh dự án, nhưng cũng cần bàn thảo cụ thể lại.
Báo cáo về nội dung rà soát, điều chỉnh phục vụ tái cơ cấu dự án, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo nội dung điểu chỉnh trong tái cơ cấu, sẽ thực hiện điểu chỉnh hướng tuyến BRT số 1: điểm đầu từ Kim Mã – Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài đến nút giao Lê Trọng Tấn, theo đường Lê Trọng Tấn giao đường Quang Trung (QL6) và theo QL6 đến Ba La – Yên Nghĩa. Theo đó, Sở đề nghị: UBND TP bổ sung Khu đất gần bến xe Yên Nghĩa làm đề pô thay cho ga Vĩnh Quỳnh; điều chỉnh thiết kế trạm trung chuyển bến xe Kim Mã; điều chỉnh thiết kết cấu mặt đường đoạn BRT đoạn Kim Mã – Giảng Võ; không thực hiện 2 hầm chui tại Giảng Võ và Hà Đông; đối với nhà chờ, trạm trung chuyển điểu chỉnh số lượng, vị trí cho phù hợp với thực tế triển khai đảm bảo thuận tiện, an toàn và tổ chức giao thông hợp lý...
Đối với hợp phần xây dựng đường: điều chỉnh sơ đồ nhịp nút giao Cầu Giấy từ sơ đồ nhịp 350m sang sơ đồ nhịp 266m; đối với sơ đồ nhịp nút giao Bưởi từ sơ đồ nhịp 295m sang sơ đồ nhịp 205m; điểu chỉnh chỉ giới đường đỏ nút giao thông Đào Tấn từ điều chỉnh sơ đồ nhịp từ 36m sang sơ đồ nhịp 96,08m; ngoài ra xây dựng hoàn chỉnh nút giao thông Bưởi vì phần nút giao này không nằm trong Hiệp định vay vốn thực hiện dự án, dự kiến sẽ sử dụng vốn trong nước. Sở GTVT cũng kiến nghị điều chỉnh dự án theo mốc chỉ giới giao đất tại Quyết định số 670 ngày 18/2/2008. Bên cạnh đó, xây dựng đường nối từ nút Bưởi đến đường Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê cũng không thực hiện theo dự án này và tách thành dự án khác để triển khai xây dựng sau. Riêng đoạn đường từ Hoàng Quốc Việt kéo dài đến Khu công nghiệp Nam Thăng Long tách ra khỏi dự án và đã được UBND TP giao cho UBND huyện Từ Liêm làm chủ đầu tư.
Mặt khác, đối với khu tái định cư CT5 nằm trong dự án đầu tư xây dựng khu Tái định cư CT1, CT5 được phê duyệt theo Quyết định số 755 ngày 22/2/2007 của UBND TP, đã được UBND TP chuyển chủ đầu tư sang Liên danh Công ty XNK và xây dựng nông lâm nghiệp và Công ty CP đầu tư xây dựng nhà đất làm chủ đầu tư theo Quyết định số 5081 ngày 23/11/2010.
Bên cạnh đó, về hợp phần tăng cường thể chế, SGVT kiến nghị không thực hiện gói thầu mua sắm thiết bị cho 3 trạm quan trắc không khí (do vướng mắc về công tác chuẩn bị địa điểm để xây dựng 3 trạm quan trắc không khí, Sở QHKT đã có văn bản giới thiệu địa điểm: Núi Tản Viên – Ba Vì; Nút giao Vành đai 3 với Pháp Vân Cầu Giẽ; Vườn hoa Phùng Hưng). Tuy dự án được duyệt, nhưng không có chi phí GPMB nên khó triển khai), vì vậy, Sở GTVT đề nghị UBND TP giao cho Sở TNMT làm chủ đầu tư. Tiếp đó, với hợp phần này còn điều chỉnh tách, gộp một số gói thầu cho phù hợp với việc triển khai thực tế.
Tại cuộc họp, Sở Xây dựng cũng có ý kiến về việc bố trí người dân tái định cư tại nhà CT1, CT5; trong khi chờ quỹ nhà này có thể bố trí quỹ nhà tạm cư, dự kiến là nhà NO1 233 và nhà NO2 215 sẽ hoàn thành vào quý 3/2012, thuộc khu Tây Nam Đại học Thương mại, quận Cầu Giấy.
Được sự ủy quyền của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Văn Khôi, phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Trần Đức Vũ giao cho chủ dự án – Sở GTVT, Ban QLDA phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, xem xét sửa đổi dự án; hoàn thành trình UBND TP Hà Nội, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho phép chủ trương thực hiện. Riêng với quỹ nhà tạm cư và tái định cư, chủ đầu tư dự án cần có kế hoạch chi tiết về việc triển khai để Sở Xây dựng, Ban chỉ đạo GPMB có kế hoạch thực hiện. Mặt khác, để đẩy nhanh tiến độ dự án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn tư vấn trong nước cả về phần thiết kế và lập dự án. Ngoài ra, Sở GTVT cần lập lại tiến độ công việc phù hợp với tiến độ giải ngân, báo cáo nhanh lên UBND TP Hà Nội.