Tuyên truyền tìm hiểu Luật Người khuyết tật: Sao lại thờ ơ?

Đời sống - Ngày đăng : 07:37, 11/10/2011

(HNM) - Ngày 1-1-2011, Luật Người khuyết tật (NKT) chính thức có hiệu lực. Nhằm tuyên truyền, phổ biến luật tới mọi tầng lớp nhân dân, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Nội đã phát động cuộc thi tìm hiểu Luật NKT. Sau hơn 3 tháng phát động, có quận, huyện hưởng ứng nhiệt tình; có quận, huyện lại rất thờ ơ. Câu hỏi đặt ra, sự thờ ơ đó có phải là sự xem nhẹ việc phổ biến Luật NKT?

Luật NKT ra đời là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa đầy đủ và toàn diện hơn các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về NKT nhằm tạo môi trường pháp lý, điều kiện, cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với NKT theo hướng xây dựng các chính sách đối với NKT trên cơ sở tiếp cận và bảo đảm quyền của NKT; quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc xóa bỏ rào cản và bảo đảm các điều kiện để NKT hòa nhập xã hội như những người bình thường khác.

Người khuyết tật cần được tạo việc làm phù hợp với sức khỏe để hòa nhập cộng đồng.


Luật NKT khẳng định các quyền của NKT và quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện các quyền đó. Vì vậy, có thể nói, việc ban hành và thi hành Luật NKT là một chính sách phù hợp, bảo đảm cho NKT phát huy, phát triển mọi khả năng có thể, để họ được bình đẳng trong cơ hội việc làm, học tập và hoạt động xã hội. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống phải có sự cảm thông của xã hội và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan công quyền... Trước thực tế này, với mong muốn phổ biến tới mọi tầng lớp nhân dân về Luật NKT; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về vấn đề khuyết tật; giúp NKT hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Nội phát động cuộc thi tìm hiểu Luật NKT dành cho mọi tổ chức, cá nhân.

Sau hơn 3 tháng phát động (từ ngày 5-7 đến 7-10), Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 21.927 bài dự thi, trong đó các quận gửi bài nhiều nhất là Hoàn Kiếm 7.675 bài, Thanh Oai 6.366 bài, Mỹ Đức 2.580 bài, Đan Phượng 1.356 bài, Cầu Giấy 1.503 bài, Thạch Thất 537 bài, Thường Tín 268 bài, Ứng Hòa 171 bài, Tây Hồ 146 bài, Hội Người mù Hà Nội 1.071 bài... Người cao tuổi nhất gửi bài dự thi là ông Nguyễn Hữu Hoàng, 83 tuổi, ở quận Cầu Giấy; trẻ tuổi nhất là cháu Dương Thị Huyền, 7 tuổi, ở Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa. Ông Nguyễn Công Cương, 68 tuổi, ở thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, người dày công nghiên cứu Luật NKT và công phu làm bài dự thi viết tay 57 trang cùng nhiều ảnh minh họa cho biết: "Cuộc thi giúp tôi nhận thức đúng đắn hơn về NKT, thấy quý trọng và khâm phục họ hơn. Tôi suy nghĩ từ đây phải có những lời nói, việc làm vì NKT hơn, có ý thức tuyên truyền luật để mọi người cùng chung tay giúp đỡ NKT".

Bà Xuân Thị Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hà Nội cho biết, ngay sau khi phát động cuộc thi, hội đã gửi công văn tới tất cả các quận, huyện của thành phố đề nghị tham gia. Bên cạnh những đơn vị, cá nhân hưởng ứng nhiệt tình, điều đáng buồn là cho đến giờ khi cuộc thi đã gần hết thời hạn, hội vẫn chưa nhận được một bài nào tham dự cuộc thi của 17 quận, huyện: Hà Đông, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Chương Mỹ, Ba Vì, Hoài Đức, Phú Xuyên, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Từ Liêm, Mê Linh và thị xã Sơn Tây. "Cuộc thi rất hữu ích và cần thiết để đưa Luật NKT đi vào cuộc sống. Đây là cách phổ biến Luật NKT tới mọi tầng lớp nhân dân và giúp NKT hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình... Thực tế rất nhiều người khuyết tật do không nắm được quyền của mình nên trong cuộc sống chịu rất nhiều thiệt thòi", bà Lan nhấn mạnh.

Mong muốn của Ban tổ chức cuộc thi là Luật NKT được phổ biến rộng rãi, để các tổ chức, cá nhân thấy được trách nhiệm của mình đối với NKT. Tuy nhiên, để thực hiện được, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là lời giải đáp thỏa đáng nhất đối với sự băn khoăn, trăn trở của NKT: "Luật được ban hành nhưng có thực sự đi vào cuộc sống?".

Quỳnh Anh