Giảm tải cho đôi vai học trò
Giáo dục - Ngày đăng : 07:35, 11/10/2011
Được biết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo điều chỉnh giảm tải chương trình một cách đồng bộ trong toàn ngành. 1,5 triệu học sinh (HS ) của Thủ đô đã bước vào năm học mới 2011- 2012, song chỉ cần nhìn chiếc "ba lô" trĩu nặng trên đôi vai các cháu, chúng ta có thể hiểu được rằng chương trình học hiện nay vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể.
HS Trường Tiểu học Yên Sở (Hoàng Mai) đến lớp. |
Chiếc ba lô học trò đã được nói đến rất nhiều, bởi nó quá nặng so với cơ thể của các em HS nên một số trường đã bàn với phụ huynh học sinh (PHHS) mua hai bộ SGK cho con mình, một bộ để trên lớp, một bộ để học ở nhà. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có đủ điều kiện kinh tế để làm việc này. Năm học này, nghe nói giảm tải, nhiều người nghĩ đã tìm ra "thuốc" để chiếc ba lô kia bớt nặng. Nếu HS chỉ được giảm lượng kiến thức mà lượng sách vở, tài liệu học tập không hề giảm thì giảm cũng chưa thật hiệu quả. Học sinh THCS, THPT dù sao các em cũng đã lớn, đủ sức đeo chiếc ba lô nặng gần chục cân đến trường đi học. Chỉ xin bàn chiếc ba lô của các cháu tiểu học, lứa tuổi từ 7 đến 11. Chị Nguyễn Lâm Bình, nhà ở khu chung cư 7,2ha phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, vui mừng đưa con gái đến Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám vào lớp 1. Nhìn con đeo trên lưng chiếc ba lô to đùng che lấp cả vai, chị than thở: "Hôm nào cháu cũng phải mang cả bộ sách giáo khoa (SGK) và vở ghi gồm 5-6 quyển.
Còn tùy theo thời khóa biểu từng hôm, cháu phải mang theo sách vở các môn phụ như: mỹ thuật, tiếng Anh, đạo đức, tin học, thủ công, tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh của người Hà Nội; lỉnh kỉnh đồ dùng học tập nào bút viết, bút chì, bút chì màu, thước kẻ, kéo, giấy vẽ, giấy cắt thủ công…". Anh Minh, có con trai học lớp 2 ở một trường tiểu học của quận Hà Đông. Nhìn cu cậu đeo chiếc ba lô quá tải lũn cũn, người hơi gập về phía trước, bước chậm chạp theo chân các bạn vào lớp, xót xa: "Từng đó quyển sách, cộng với chiếc ba lô thiết kế bằng chất liệu vải dầy, nhiều ngăn, nhiều khóa, tôi cân vừa đủ 5 ký, ấy là chưa kể chai nước uống 0,5 lít và chiếc bánh mỳ mua trên đường đưa cháu đến trường...".
Vài ba chục năm trước, học trò các cấp đến trường thường chỉ đựng sách vở, đồ dùng học tập trong một chiếc cặp, hoặc một chiếc túi xách tay nhẹ nhàng. Thời đó, mỗi môn học chỉ có một cuốn vở chép bài. Học sinh tiểu học, số vở ghi chép còn ít hơn. SGK là tài liệu chuẩn các thầy cô giảng dạy theo phương châm "tinh giảm, vững chắc", giúp HS hiểu bài ngay trên lớp. Điều đó chứng tỏ việc giảm tải không phải bây giờ mới thực hiện mà nhiều năm trước, mỗi thầy, cô giáo - người nắm vững chương trình SGK đã có ý thức truyền đạt cho học trò những kiến thức cơ bản nhất. Theo đó, thầy cô hướng dẫn HS cách làm bài để các em có thể tự ôn luyện, không phải "làm đi làm lại" nhiều bài cả ở trong SGK lẫn vở bài tập.
Chương trình giảm tải quy định HS tiểu học không học quá 7 tiết văn hóa/ngày nhưng thấy lượng sách và vở ghi chép, làm bài tập các môn văn hóa vẫn dài dằng dặc. Ngoài SGK, học trò còn có sách bài tập in, sách nâng cao. Các cuốn vở ghi chép cũng nhiều hơn bởi đi học 2 buổi/ngày phải mang vở buổi sáng, vở buổi chiều, vở kiểm tra... Hậu quả, chỉ nói riêng về sức khỏe thì chiếc ba lô đè còng lưng các cháu sẽ làm ảnh hưởng đến cột sống bị cong vẹo, chiều cao chậm phát triển… Những căn bệnh phát sinh do cách quản lý thiếu khoa học từ học đường mà học trò là nạn nhân sẽ không bao giờ thuyên giảm.
Để giảm tải trở thành một khâu đột phá trong nâng cao chất lượng giáo dục, cần có thời gian xem xét và thu thập ý kiến phản hồi từ những thầy cô trực tiếp giảng dạy. Ngoài việc giảm tải nội dung chương trình, những người làm quản lý giáo dục cần có sự chỉ đạo đồng bộ để các em HS không còn phải "cõng" những chiếc ba lô to đùng tới lớp.