Syria: Trong thời điểm cam go

Thế giới - Ngày đăng : 07:06, 11/10/2011

(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria được cho là sẽ vượt tầm kiểm soát nếu các lực lượng bản địa và cộng đồng quốc tế không có một giải pháp toàn diện và hữu hiệu.

Trong nước, bạo lực tiếp tục bùng phát giữa lực lượng an ninh Syria và người biểu tình. Trong một diễn biến mới, ngày 8-10, cảnh sát Syria đã trấn áp đoàn người tham dự đám tang một trong những thủ lĩnh đối lập có ảnh hưởng nhất ở nước này ông Mashaal Tammo, vừa bị bắn chết trước đó một ngày. Đám tang biến thành cuộc tuần hành của khoảng 50 nghìn người đã diễu qua nhiều đường phố ở Qamishli kêu gọi Tổng thống Bashar Al Assad từ chức. Ngay sau cuộc trấn áp, phe đối lập ở Syria cho rằng, hành động này sẽ khiến cho người biểu tình càng quyết tâm hơn. Trước đó, ngày 6-10, trong cuộc họp diễn ra tại Halbuon, cách thủ đô Damascus khoảng 30km, 80 nhân vật đối lập đã ra tuyên bố chung nhằm lật đổ chế độ hiện hành; đồng thời hoan nghênh Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) vừa được thành lập tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và coi đây là bước đi để thống nhất phe đối lập ở trong và ngoài Syria.

Thực tế, chính quyền của Tổng thống B.A.Assad đã có những nỗ lực trong việc cải cách chính trị. Nhưng tình hình quốc gia này vẫn diễn tiến theo chiều hướng xấu, ngày càng khó kiểm soát. Người đứng đầu Damascus đã chỉ rõ, đó là do sự can thiệp từ phương Tây, ép Syria vào tình thế phải trả giá cho lập trường chống lại các kế hoạch của họ. Dư luận khu vực cho rằng sự can dự sâu vào nội bộ Syria của các thế lực vì lợi ích riêng đang cổ vũ cho hoạt động của các thành phần chống chính phủ ở quốc gia Trung Đông này. Trong một tuyên bố công khai, ngày 7-10, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã lên án việc giết hại nhà lãnh đạo đối lập người Kurd, ông Mashaal Tammo, cũng như vụ một nhà hoạt động nổi tiếng của Syria bị hành hung và rằng điều này chứng tỏ cam kết của chế độ Assad về đối thoại và cải cách là giả dối. Nhà Trắng đã kêu gọi Tổng thống B.A.Assad từ chức. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố, việc chế độ của Tổng thống B.A.Assad bị lật đổ bằng một cuộc nổi dậy của quần chúng chỉ còn là "vấn đề thời gian"...

Đáp lại, trong một trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống B.A.Assad cảnh báo sẽ tấn công Israel nếu bị Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sử dụng vũ lực. Damascus cần không quá 6 giờ để triển khai hàng trăm tên lửa trên Cao nguyên Golan và bắn thẳng vào Tel Aviv. Cùng với đó, một liên minh mới sẽ hình thành bên Syria. Người ta cho rằng, đó sẽ là phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah, Iran… Nếu vậy, thế giới sẽ trải qua thời kỳ đầy nguy hiểm. Thùng thuốc súng Trung Đông một lần nữa đang trước nguy cơ bùng nổ và không ai muốn điều này xảy ra.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Syria cũng đã nhận được nhiều động thái tích cực của các nước lớn, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Mátxcơva tiếp tục có những hành động kiên quyết. Ngày 7-10, Tổng thống Dmitry Medvedev tuyên bố, Nga phản đối mọi âm mưu thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm hợp pháp hóa các hành động cấm vận hoặc trừng phạt đơn phương với mục đích lật đổ những chính phủ đối địch với các cường quốc phương Tây. Trước đó, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết của Liên hợp quốc trừng phạt Syria do Pháp, Anh, Đức và Bồ Đào Nha soạn thảo, trong đó đe dọa sẽ hành động nếu lãnh đạo Syria không chấm dứt các vụ bạo lực ở nước này.

Dư luận cho rằng, Syria đang ở ngã ba đường và cần những bước đi thích hợp mới mong giải quyết được tình hình. Sử dụng bạo lực trấn áp người biểu tình (theo LHQ đã khiến 2.700 người thiệt mạng) không phải là một sự lựa chọn sáng suốt. Trong một đề cập mới nhất vào cuối tuần qua, Tổng thống Nga D.Medvedev cho rằng, Tổng thống B.A.Assad sẽ phải từ bỏ quyền lực nếu không có khả năng tiến hành cải cách và chính nhân dân Syria mới là người đưa ra quyết định liên quan.

Trung Hiếu