Cảnh giác mất cân bằng giới tính
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:50, 11/10/2011
Tình trạng mất cân bằng giới tính đang diễn ra với tốc độ rất nhanh là một trong những mâu thuẫn đó. Trước và song cùng với chúng ta, nhiều nước khác nhất là các nước ở khu vực châu Á thực hiện chặt chẽ kế hoạch hóa dân số như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Grudia… cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Theo điều tra của Bộ Y tế, từ năm 2004, nước ta bắt đầu xuất hiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, số bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái. Tỷ lệ này không đều theo vùng lãnh thổ, dân tộc, nhóm xã hội nhưng đều có một điểm chung là sự mất cân đối này rất nhanh, có nhiều năm chênh lệch giới tính khi sinh tăng từ 1% đến trên 1%. Năm 2000, tỷ lệ chênh lệch nam/nữ khi sinh ở Việt Nam mới 106 nam/100 nữ thì năm 2008 đã lên tới 112 nam/100 nữ và năm 2011 đã tới 116 nam/ 100 nữ, có nhiều địa phương tỷ lệ này là 120 nam/100 nữ, một tỷ lệ có thể coi là mất cân bằng nghiêm trọng về giới tính khi sinh trên thế giới.
Một đặc điểm nổi bật của tình trạng này là càng ở những nơi đời sống phát triển, có khả năng tiếp xúc thường xuyên với khoa học - công nghệ và trong các tầng lớp trí thức, người giàu có tỷ lệ nam và nữ khi sinh càng chênh lệch. Theo sự phát triển của kinh tế và đời sống ở một số vùng miền chủ yếu, lần lượt có các tỷ lệ chênh lệch nam/nữ: Đồng bằng Bắc bộ 117,1%; ĐBSCL 113,3%; Trung du và miền núi phía Bắc 112,4%; Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ hơn 111% và Tây Nguyên là 107,1%. Qua đây, có thể thấy càng những nơi có đời sống phát triển, tiếp xúc nhiều với khoa học - công nghệ, tỷ lệ nam khi sinh càng nhiều hơn. Một đặc điểm nữa cần lưu ý trong khi tại các vùng nông thôn phía Bắc, tình trạng mất cân đối nam/nữ khi sinh cao hơn ở thành phố thì ở các tỉnh phía Nam, tỷ lệ này ngược lại, mất cân đối giới tính ở thành phố rõ rệt hơn vùng nông thôn.
Đây cũng là một vấn đề cần được nghiên cứu sâu để điều chỉnh hợp lý.
Tuy đã được giáo dục tích cực và thường xuyên và tuy tình trạng mất cân bằng giới tính còn thấp so với vùng nông thôn nhưng tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở Hà Nội cũng rất đáng báo động, nhất là từ 2008, Hà Nội được mở rộng. Trong khi yêu cầu tỷ lệ giới tính khi sinh bình quân ở Hà Nội trong giai đoạn trước mắt là 110 nam/100 nữ thì ở một số địa phương ngoại thành, tỷ lệ này là 117,4 đến 120 nam/100 nữ. Nếu tình trạng trên kéo dài, thành phố sẽ rất khó khăn về nhiều mặt, trước mắt là nhà ở, chăm sóc y tế…
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là tư tưởng "trọng nam khinh nữ" còn phổ biến, tư tưởng dòng tộc ngày càng được đề cao và việc quản lý các cơ sở siêu âm bào thai chưa chặt chẽ, cơ chế răn đe chưa đủ mạnh. Thời gian tới, phải coi đó là một hoạt động trọng tâm, thường xuyên như đối với các mục tiêu chiến lược khác của địa phương.