Tạo dựng nền tảng

Giáo dục - Ngày đăng : 07:05, 10/10/2011

(HNM) - Dịp kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn năm tuổi (10-10-2010) cũng là lúc bộ tài liệu


Đó là phần việc thiết thực nhằm triển khai một trong 9 chương trình công tác trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ TP Hà Nội, đó là "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".


Nếp sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội cần được giữ gìn, phát huy từ thế hệ trẻ. Ảnh: Linh Tâm

Để không mai một giá trị truyền thống

Phải khẳng định giá trị văn hóa truyền thống là niềm tự hào của Hà Nội nghìn năm văn hiến, đặc biệt là lối ứng xử, giao tiếp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại, được đề cập nhiều hiện nay là nét đẹp truyền thống ấy đang bị mai một bởi những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Theo GS Lê Văn Lan, dân số Hà Nội hiện đã tăng gấp 10 lần so với năm 1954, quá trình đô thị hóa thu hút nhiều người nhập cư, tất yếu dẫn đến quá trình dung nạp những thị dân mới "non kém" về nhiều mặt. "Cơn lốc" kinh tế thị trường, ngoài việc tạo dựng điều kiện tốt để phát triển đời sống xã hội, con người, tạo nét tươi mới cho bộ mặt đô thị, còn tạo hệ lụy xấu, ảnh hưởng nhất định tới việc duy trì và phát triển giá trị văn hóa truyền thống.

Không ít người đã đặt câu hỏi: Đâu là tiêu chí chuẩn của người Hà Nội thanh lịch, văn minh? Trong phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ sáu, BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Chúng ta đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để nghiên cứu, trao đổi về nội dung này. Phải chăng những tiêu chuẩn, tiêu chí đó chính là tổng hợp những nét tiêu biểu nhất về văn hóa, đạo đức, lối sống, ứng xử, thể hiện trong ngôn ngữ, phong tục, tập quán, ăn mặc, giao tiếp... của người Việt Nam ở các vùng miền khác nhau được hội tụ, kết tinh ở người Hà Nội.

Khi nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người được xác định là trọng tâm và cần phải thực hiện thường xuyên, lâu dài thì việc lựa chọn giáo dục cho HS Thủ đô về nếp sống thanh lịch, văn minh của ngành GD-ĐT là hết sức cần thiết. Đây chính là "gốc" của việc giáo dục đạo đức cho HS. Chỉ khi nào công tác giáo dục được tổ chức thực hiện có hệ thống, khoa học và cụ thể thì các thế hệ học trò mới có thể tiếp nhận đầy đủ tinh hoa truyền thống, lề lối ứng xử chuẩn mực của người Hà Nội vốn được chắt lọc qua nhiều thế hệ. Theo từng độ tuổi, ở từng cấp học, những biểu hiện, hành vi thanh lịch, văn minh được giảng dạy với những mức độ khác nhau, dễ hiểu và gần gũi cuộc sống hiện đại, làm sao để mỗi công dân Hà Nội thấu hiểu lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội, biết tự hào về truyền thống và ý thức rõ ràng nhiệm vụ tiếp nối.

Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất

Như thường lệ, tiết học về "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" của lớp 4B - Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Hà Đông) luôn được HS cả lớp chờ đón. Cô giáo Vũ Minh Ánh bắt đầu bài học "Chia sẻ với ông bà, cha mẹ" bằng một tiểu phẩm do chính HS thể hiện. Với ngôn từ chuẩn mực, cách biểu đạt cảm xúc và thái độ, hành động cụ thể của các nhân vật trong tiểu phẩm, cô giáo Ánh muốn truyền đạt cho học trò đặc trưng của nét thanh lịch, văn minh qua cách thưa gửi, ứng xử với ông bà, cha mẹ và người lớn. Có lẽ, bằng phương pháp truyền đạt nhẹ nhàng, hấp dẫn, không giáo điều mà những định hướng, lời khuyên khiến các em hứng thú và hầu hết đều cố gắng thu nhận điều tốt đẹp. Em Nguyễn Hoàn Trung, HS lớp 4B cho biết, qua mỗi giờ học, em và các bạn trong lớp đều nhận thấy mình phải nỗ lực hơn nhiều. Bản thân em đã tự điều chỉnh để có những hành vi đúng, đẹp ngay khi học tập và giao tiếp với bạn bè.

Từng nghe nói nhiều về nét thanh lịch, văn minh của người Thủ đô, nay được trực tiếp dạy- học và thực hành, cô và trò Trường THCS Quất Động (huyện Thường Tín) rất phấn khởi. Với những hành vi được hướng dẫn cụ thể, từ nay, cô và trò đã có một chuẩn mực để cùng nhau "soi" vào, cùng phấn đấu hoàn thiện mình.

Để có được bộ tài liệu rõ tính sư phạm, khoa học, không gây quá tải, có cách tiếp cận vấn đề sát với yêu cầu giáo dục hiện nay, hội đồng biên soạn đã thu thập ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, PGS-TS Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm Khoa Sử ĐH Quốc gia Hà Nội, GS-TS-Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Bính - Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, PGS-TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục… Trước khi đưa vào dạy chính thức, 18 trường đại diện cho ba cấp học ở Hà Nội đã được chọn tham gia thí điểm. Qua các tiết dạy thí điểm, nhiều nội dung đã được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thời gian, mức độ tiếp nhận, phương pháp giảng dạy và mục tiêu từng bài giảng. Như với HS tiểu học thì tập trung hướng dẫn hành vi, cử chỉ cơ bản về ăn, mặc, nghe, nói bằng cách nêu hiện tượng đúng - sai để HS nhận thức. Cùng là những nội dung ấy, song cách truyền thụ và kiến thức đề cập ở cấp THCS có mức độ cao hơn. Đến cấp THPT, HS có được kiến thức tổng thể từ khái niệm đến cách thể hiện hành vi giao tiếp, ứng xử văn minh, thanh lịch trong nhiều hoàn cảnh: ở gia đình, nhà trường, nơi công cộng, với thiên nhiên, môi trường… và cả trong giao tiếp với người nước ngoài.

"Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

Nét thanh lịch xưa đang được lưu giữ và lan tỏa trong các thế hệ học trò Thủ đô qua những giờ học hằng ngày. Đó là cách xây dựng nền tảng, hy vọng mở ra chương mới cho giáo dục Thủ đô.

Hồng Hạnh