Về Đồng Trữ nghe hát ca trù

Xã hội - Ngày đăng : 07:56, 09/10/2011

(HNM) - Thời buổi kinh tế thị trường, nhiều môn nghệ thuật truyền thống ở Hà Nội dần mai một. Ấy vậy mà ở thôn Đồng Trữ, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) một lớp người ở tuổi


Nức tiếng một thời
Đồng Trữ một ngày mưa tầm tã, nhưng các thành viên trong CLB ca trù Đồng Trữ vẫn chăm chỉ tập hợp luyện đàn, luyện hát chuẩn bị dự Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 tổ chức tại Viện Âm nhạc Hà Nội (từ ngày 13 đến 16-10 tới). Chủ nhiệm CLB Nguyễn Đức Luống vừa ốm dậy vẫn nhiệt tình chỉ đạo các thành viên tập luyện. Ông bảo: "Anh em thông cảm, gấp quá, chỉ còn mấy ngày nữa là đi thi rồi nên cả đoàn phải tập luyện". Trong câu chuyện với ông và các cụ cao niên trong làng, chúng tôi hiểu thêm về tình yêu ca trù của người dân nơi đây và những thăng trầm của môn nghệ thuật độc đáo này.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Luống, Chủ nhiệm CLB ca trù Đồng Trữ.


Bên ấm trà nóng, ông Luống hồi tưởng lại quá khứ: Ca trù xuất hiện ở Đồng Trữ cách đây khoảng hai trăm năm và nức tiếng khắp vùng. Tuy nhiên, giai đoạn thịnh vượng nhất của ca trù Đồng Trữ phải kể đến thời cụ Trần Bá Dinh, người có công phát triển và truyền dạy ca trù cho dân làng. Những năm 1930 trở về trước, gia đình cụ Dinh gồm con trai, con gái, cháu, con dâu, con rể... đã hình thành một gánh hát ca trù đi biểu diễn phục vụ hội làng, lên ngôi, lên lão... ở khắp các địa phương trong vùng. Đến những năm 1940, ngoài đi hát đình môn (diễn khoán tại các cửa đình hoặc diễn tại các buổi lễ mừng thọ, lên chức) gánh hát nhà cụ Dinh đã tách thành 4 đoàn ra khu vực Ba La, Hà Đông mở quán hát phục vụ du khách. Đây là thời điểm ca trù phát triển mạnh nhất. Tuy nhiên, đến những năm 1950, Thực dân Pháp đánh phá ác liệt, các gánh hát ca trù ở Hà Đông đã giải nghệ, mỗi người một nơi; đói ăn, kép đàn, rồi đào nương đều bỏ quê, tìm kiếm việc làm. Ít đi biểu diễn, nhu cầu thưởng thức môn nghệ thuật ca trù giảm dần đã kéo theo ca trù Đồng Trữ mai một từ đó.

Vực dậy nghề

Mãi đến năm 2005, bằng sự nỗ lực khôi phục của những người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của cha ông, tiếng hát ca trù Đồng Trữ lại vang xa, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân khi lễ tết, xuân về... Người có công lớn nhất trong việc hồi phục nghệ thuật ca trù ở Đồng Trữ không ai khác chính là ông Nguyễn Đức Luống, Chủ nhiệm CLB ca trù Đồng Trữ.

Trước khi CLB ra mắt, ông đã tìm hiểu kỹ về ca trù, trao đổi với những "nghệ nhân" ca trù còn sống, còn hát được trong làng, trong đó có cụ Trần Thị Bổng và cụ Trần Thị Gái. Hai cụ còn minh mẫn, còn nhớ các bài ca trù, biết gõ nhịp phách, đánh đàn Đáy và hứa sẽ giúp khôi phục ca trù tiếp thêm cho ông sức mạnh. Rồi ông đi gõ cửa từng nhà, vận động người yêu văn nghệ và các cháu có giọng hát hay vào CLB. Làm tốt nhiệm vụ tổ chức, sưu tầm tất cả các điệu hát ca trù cổ cho ca nương tập luyện, ông Luống còn giữ một chân trống chầu trong đội. Theo ông, khó nhất khi khôi phục điệu hát ca trù là tìm ca nương. Hiện, thôn còn một vài ca nương xưa, nhưng các cụ đều ở tuổi quá cao (trên 80 tuổi), những ca nương hát được sau nhiều năm tập luyện nay cũng bước sang tuổi 60-70. Ông bộc bạch: Thế hệ trẻ bây giờ nhiều người tài, cũng hát được ca trù nhưng vì nhiều lý do, phải học tập, phải làm kinh tế... nên số cháu đến với ca trù rất ít. Mới đó mà nay, CLB ca trù Đồng Trữ đã sinh hoạt được gần 7 năm, các thành viên trong CLB đã biểu diễn ở nhiều cuộc liên hoan, hội diễn ca trù toàn quốc, thành phố. Nói về tương lai của ca trù, ông Luống lộ rõ vẻ buồn: Mai đây, những ca nương, nhạc công và cả những "nghệ nhân" cuối cùng của điệu hát ca trù nức tiếng một thời ra đi, ai sẽ là người thay thế khi mà thế hệ trẻ không mấy mặn mà với ca trù? Theo ông Luống, để phát triển ca trù, cần sự chung tay, góp sức không chỉ của nhân dân mà cần có cơ chế khuyến khích các loại hình văn hóa, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Đỗ Hà