Văn học giả tưởng Việt Nam: Một lối vào hiện thực
Văn hóa - Ngày đăng : 07:31, 09/10/2011
Tác phẩm “Những đôi mắt lạnh” của cây bút Phan Hồn Nhiên. Ảnh: Minh Nguyễn |
1. Những chuyển động
Bộ ba tác phẩm fantasy của Phan Hồn Nhiên là "Những đôi mắt lạnh" "Chuỗi hạt" và "Xuyên thấm" thuộc Tủ sách Teen thế kỷ XXI của Hoa Học trò, nghĩa là khá khu biệt đối tượng bạn đọc. Buổi ra mắt "Xuyên thấm" vào cuối tháng 7 vừa qua ở cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng thu hút chủ yếu học sinh, sinh viên. Phố sách Đinh Lễ "hết hàng", nghĩa là cũng có độ "nóng" nhất định. Nhưng công bằng thì sự lan tỏa chủ yếu nằm trong giới tuổi hoa, mà chưa tạo được một kiểu sự kiện trong đời sống văn học như "ra mắt tiểu thuyết trinh thám Việt Nam"… Thế nhưng, cùng với Phan Hồn Nhiên, trong thời gian vừa qua, cũng có khá nhiều cây bút trẻ hội về với dòng fantasy như "Thiên Mã" của Hà Thủy Nguyên, "Lục địa MU" của Tô Đức Quỳnh… Và gần đây nhất, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhắc đến một trường hợp "thần đồng tiểu thuyết" N.B (viết tắt tên riêng) đang học lớp 5 ở một trường tiểu học của Hà Nội đã hoàn thành bản thảo tiểu thuyết dày 200 trang "Cuộc chiến với hành tinh Fantom"…
Những chuyển động này không hẳn ngẫu nhiên. Để định nghĩa rõ ràng về văn học fantasy ở Việt Nam thì nhiều nhà phê bình cũng… lúng túng. Có thể nó chưa đủ hấp dẫn để thu hút họ. Thậm chí, có nhà văn khẳng định, Việt Nam chưa có dòng văn học giả tưởng. Thôi thì nhìn ở những điểm chung, văn học giả tưởng cho dù sử dụng trí tưởng tượng để mở rộng tối đa biên độ phản ánh thì cũng là để quay lại nói về hiện thực cuộc sống. Ở đó có tình bạn, tình yêu, quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cuộc đấu tranh giữa thiện và ác… Nhưng theo nhà thơ, cây bút viết phê bình miên di (viết thường) - đại biểu dự Hội nghị văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII vừa qua, thì fantasy không phải là cổ tích, truyền thuyết và nó cũng khác với dòng văn học hiện thực huyền ảo. "SBC là săn bắt chuột" cuốn tiểu thuyết mới nhất của Hồ Anh Thái sử dụng rất nhiều yếu tố huyền ảo, nhưng nó vẫn dày đặc những sự kiện, câu chuyện hiện thực, một dạng hiện thực huyền ảo.
Fantasy và hiện thực huyền ảo không phải là một, nhưng rõ ràng sự xuất hiện những tác phẩm thuộc hai dòng này ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy yếu tố giả tưởng, huyền ảo được sử dụng trong văn học như một phương thức hữu hiệu phản ánh hiện thực. Cũng theo cây bút miên di, văn học hiện thực huyền ảo tạo ra một vùng cảm thức mới trong xã hội đương đại. Và sự xuất hiện nhiều hơn của fantasy gần đây cũng là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi của xã hội. Khoa học công nghệ phát triển, cuộc sống, suy nghĩ… của con người cũng có những ảnh hưởng. Và rõ ràng cuộc sống phát sinh cái gì thì văn học sẽ có ngôn ngữ để theo kịp, phản ánh nó.
2. Fantasy Việt Nam
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII đại ý rằng, văn chương là biển chứa tài năng vô tận, điều quan trọng là người viết có đủ sức trở thành một lĩnh xướng tài hoa hay không. Có cảm giác rằng dòng fantasy có thể mở ra cho nhiều cây bút Việt Nam một lối đi "cũ người mới ta", mang đến cảm hứng mới, phù hợp với những sáng tạo, tưởng tượng của tuổi trẻ, tận dụng được nhiều kiến thức khoa học công nghệ thời kỳ mới. Thậm chí là một nẻo đường đến với văn chương. Tô Đức Quỳnh sinh năm 1988 (tác giả của "Huyền thoại lục địa MU" chia sẻ với Hànộimới: "Tôi chỉ mới tốt nghiệp THPT, vì gia đình quá nghèo nên không có tiền đi thi, đi học. Tôi bắt đầu tự lập từ đó, vừa làm vừa dành thời gian sáng tác nuôi ước mơ vào đại học. Tôi đọc sách hằng ngày và đã viết về lục địa MU (một lục địa biến mất cách đây 200.000 năm) trong suốt 6 năm ròng. Nhưng vì viết về giả tưởng thời châu Âu cổ đại nên việc thẩm định rất lâu. Qua sự giới thiệu của VTV6, sự giúp đỡ của biên tập viên Hường Lý (NXB Kim Đồng) từ chương III, tôi đã để nhân vật Quỳnh bước vào tiểu thuyết, tạo nên một dấu ấn riêng, cũng là một sự khẳng định tác quyền".
Sự hội ngộ giữa bộ ba tác phẩm fantasy của Phan Hồn Nhiên với những bức tranh thể loại này của họa sĩ Phan Vũ Linh cũng là một ví dụ. Phan Vũ Linh thích văn học giả tưởng và cũng đã vẽ nhiều tranh fantasy. Vẽ cho Phan Hồn Nhiên vì thích tác phẩm và vì là bạn bè của nhau. Linh cho rằng dòng tranh fantasy cũng như văn học, cũng có những nhánh nhỏ như kinh dị (horor), giả tưởng (sci fi)…Ở trường mà Linh học tại Mỹ cũng có riêng chuyên ngành đào tạo họa sĩ dòng fantasy.
Một vài ví dụ nêu trên cũng giống như những chuyển động nhỏ của cả một dòng văn học. Ngay trong bộ ba tác phẩm của Phan Hồn Nhiên, cũng có nhận xét rằng, cuốn sau cùng chặt chẽ hơn hai cuốn trước, và 3 tác phẩm này vẫn có thể hay hơn so với khả năng viết của Nhiên. "Huyền thoại lục địa MU" của Quỳnh, bên cạnh khả năng tưởng tượng phong phú thì giọng văn… còn khá "trẻ con". Không khó hiểu với những hạn chế này vì Việt Nam rõ ràng chưa có bề dày với thể loại fantasy. Phan Vũ Linh rất có lý khi cho rằng, mỗi tác phẩm thành công đều phải tạo ra một "theory" (lý thuyết) của riêng nó. Nếu vẫn còn phải dựa trên, hoặc lặp lại những "lý thuyết" mà thế giới đã có, thì chưa thể gây ấn tượng mạnh được...
Trong khuôn khổ một bài viết, khó có thể phác đầy đủ diện mạo văn học fantasy Việt Nam. Biết chắc rằng, còn một nhánh văn học giả tưởng mà một số nhà văn Việt Nam đã viết cũng thuộc fantasy nhưng chưa được nói đến. Vì vậy, xin xem như đây là những gợi mở để những người quan tâm đến văn học giả tưởng của nước nhà có thể tiếp tục trao đổi sâu hơn.