Quan hệ Nga - Mỹ: Nguy cơ chệch hướng

Thế giới - Ngày đăng : 07:20, 09/10/2011

(HNM) - Căng thẳng giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng về hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ ở châu Âu vừa tiếp tục leo lên một nấc thang mới, làm gia tăng nguy cơ chệch hướng lộ trình


NMD - "thùng thuốc súng" - trong quan hệ Nga - Mỹ bấy nay được tra thêm ngòi nổ mới khi trong tuần này, Washington và Madrid đạt được thỏa thuận đưa Tây Ban Nha trở thành một "mắt xích" trong hệ thống NMD của Mỹ. Cụ thể, từ nay đến năm 2013, Lầu Năm góc sẽ triển khai 4 tàu chiến trang bị hệ thống tên lửa Aegis tại căn cứ hải quân Rota, phía Nam Tây Ban Nha.

Mỹ sẽ triển khai tàu chiến trang bị hệ thống tên lửa Aegis tới bờ biển phía Nam Tây Ban Nha trong vòng hai năm tới.


Ngay lập tức Nga đã phản ứng dữ dội khi cho rằng Washington đã không tính đến lập trường của các bên liên quan và rằng đây là một quyết định "qua mặt", ảnh hưởng đến an ninh và ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Mátxcơva từng cảnh báo sẽ rút khỏi thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ bằng tên lửa tại Hội nghị Cấp cao Hội đồng Nga - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Lisbon (Bồ Đào Nha) cuối năm 2010 nếu Mỹ tiếp tục có những hành động đơn phương trong lĩnh vực NMD. Theo quan điểm của Điện Kremlin, Mỹ không chỉ không sẵn sàng đưa ra bảo đảm pháp lý về NMD sẽ không nhằm vào lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, mà ngược lại, Washington ngày càng thúc đẩy để các tên lửa đánh chặn của Mỹ được đặt gần biên giới của Nga như ở Ba Lan và Romania.

Trên thực tế, sự gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới đã được dự báo ngay sau khi hai bên ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn mới (START mới) mà không đạt được tiến bộ nào liên quan tới NMD - một chướng ngại lớn nhất trong quan hệ Nga - Mỹ. Các cuộc thảo luận lâm vào bế tắc khi hai bên kiên quyết bảo vệ lập trường của mình. Nga muốn thành lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung, đặt trên cả lãnh thổ Nga theo nguyên tắc bình đẳng, phối hợp phân tích các nguy cơ, cùng xác định những địa điểm bố trí tên lửa đánh chặn và thành lập cơ cấu hạ tầng chung về quân sự - kỹ thuật. Trong khi đó, Mỹ và NATO kiên trì với ý tưởng cần thiết lập hai hệ thống phòng thủ độc lập và trao đổi thông tin.

Sau 3 năm không thể tìm tiếng nói chung, nguy cơ tuột dần các cơ hội hợp tác ngày càng tăng khi hai "nhà thiết kế" của chương trình "cài đặt lại" quan hệ Nga - Mỹ là Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đang bước vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ. Dù cuộc bầu cử tại xứ Cờ hoa cuối năm sau mới diễn ra, song, những chỉ số tín nhiệm gần đây cho thấy ông chủ da màu đầu tiên của Nhà Trắng khó có thể giành phần thắng trong cuộc đua sắp tới. Hoặc giả sử có đi tiếp thêm một nhiệm kỳ nữa thì "đối tác" của Tổng thống B.Obama lúc đó không còn là Tổng thống D.Medvedev mà sẽ là nhà lãnh đạo Vladimir Putin.

Mặc dù kế hoạch hoán đổi vị trí sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 3-2012 nhằm mang lại sự ổn định kinh tế và chính trị cho nước Nga nhưng đây không phải là kịch bản mà phương Tây mong đợi. Ý nghĩ sẽ phải làm việc với một cựu quan chức của Cơ quan tình báo Nga (KGB), tác giả của nhiều chính sách cứng rắn khiến phương Tây chẳng mấy dễ chịu. Quan trọng hơn, vị chính khách này chưa bao giờ thật sự tin tưởng vào "ông bạn" phía bên kia Đại Tây Dương. Gần đây, Thủ tướng V.Putin còn cáo buộc "chú Sam" là kẻ châm ngòi cái gọi là cuộc Cách mạng mùa xuân Arab bằng chiến lược truyền thông bóp méo sự thật. Ngoài ra, chính trị gia được ưa chuộng nhất tại nước Nga còn tỏ rõ ý muốn đánh bại vai trò dự trữ số 1 thế giới của đồng USD.

Mọi trục trặc trong lộ trình "cài đặt lại" quan hệ Nga - Mỹ đều tiềm ẩn nguy cơ đưa hai nước trở lại thời Chiến tranh lạnh, nhất là khi mới đây, Mátxcơva đã nói đến một hệ thống lá chắn tên lửa riêng ở trên biển nhằm đáp trả NMD ở châu Âu. Một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai quốc gia đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định toàn cầu là điều nhân loại không mong đợi. Nhất là trong bối cảnh thế giới cần hiệp lực để vượt qua rất nhiều thách thức như hiện nay.

Quỳnh Chi