Bài 2: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Đời sống - Ngày đăng : 06:03, 08/10/2011

(HNM) - Trước đây, thành phố Hà Nội đã đi đầu cả nước trong việc quy định hạn chế phương tiện cá nhân, bằng cách không cho đăng ký mới xe máy tại các quận nội thành. Đáng tiếc, sau đó vì một số lý do, thành phố đã bãi bỏ quy định này.

Nhìn lại mới thấy, có thể thời điểm đó áp lực về giao thông đô thị chưa lớn như hiện tại. Chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lần này dường như đã đúng thời điểm và nhận được sự hưởng ứng tích cực.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo: Các cơ quan chức năng phải nghiên cứu thấu đáo, vì lợi ích chung của xã hội. Các căn cứ, lập luận để thực hiện chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân phải chính đáng và thuyết phục, nhất quyết không phải "không quản được thì cấm". Ý kiến chỉ đạo đó là hoàn toàn xác đáng, bởi một chủ trương chỉ thực sự thành công khi nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân, vì lợi ích nhân dân. Xét cho cùng, phương tiện cá nhân là một trong những "thủ phạm" chính gây ùn tắc đô thị, nhưng lỗi không phải ở người dân.

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng (Trường Đại học GTVT) tán đồng với chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng theo ông, cần tăng năng lực vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Bộ GTVT được Chính phủ giao chủ trì cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ đang xây dựng đề án, dự kiến trong quý IV-2011 sẽ hoàn thành để xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân; dự kiến quý I-2012, sẽ hoàn thiện trình Chính phủ. Ông khẳng định, trong đề án sẽ đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể. Việc hạn chế phương tiện cá nhân đã thực sự cấp bách, phải thực hiện sớm. Không thể chờ có hệ thống vận tải công cộng hiện đại mới hạn chế phương tiện cá nhân mà phải thực hiện song song, đồng bộ các giải pháp, trong đó có nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức hội thảo nâng cao dịch vụ vận tải bằng xe buýt.

Rõ ràng đây là bài toán khó cho các đô thị lớn. Như đã phân tích, với thói quen, tập quán sinh hoạt cộng với hệ thống vận tải công cộng yếu kém hiện nay, không thể duy ý chí, áp đặt lệnh cấm ngay lập tức. Nhưng nếu chờ đợi có hệ thống vận tải công cộng hoàn chỉnh mới hạn chế phương tiện cá nhân, người dân sẽ không có đường để… đi. Ùn tắc giao thông không chỉ gây khó chịu cho người tham gia giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại cho nền kinh tế. Để giải quyết tận gốc vấn đề, chắc chắn cần quỹ thời gian không nhỏ, trong đó phải xem xét, điều chỉnh quy hoạch giao thông, khu dân cư theo tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của nhân dân.

Trong lúc chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để hạn chế phương tiện cá nhân, cần thiết phải có biện pháp xử lý tình thế để bảo đảm giao thông thông suốt. Một số giải pháp đã được Hà Nội thực hiện, đạt kết quả nhất định như: thu nhỏ vỉa hè, dải phân cách để tăng diện tích lòng đường, đóng mở linh hoạt ngã tư… Mới đây, thành phố đã tổ chức thí điểm tách làn phương tiện trên một số tuyến phố. Mục đích chính đặt ra là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Vẫn còn một số điều phải điều chỉnh, nhưng rõ ràng việc tách mô tô, xe máy sang đi làn riêng đã giảm đáng kể "xung đột", nguy cơ va chạm giữa các phương tiện. Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hoàng Văn Mạnh cho biết, việc các phương tiện đi đúng làn, tuyến không chỉ giúp các tuyến văn minh, trật tự hơn mà còn giảm khả năng gây ùn tắc do sự hỗn loạn phương tiện.

Trên cơ sở kết quả đạt được từ việc thí điểm tách làn trên một số tuyến phố, mới đây UBND thành phố đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với công an thành phố, đơn vị liên quan xây dựng phương án tách làn hợp lý trên tất cả các tuyến phố, trình UBND thành phố trước ngày 5-10. Dù không tác động trực tiếp, nhưng biện pháp này ít nhiều đã có tác dụng gián tiếp trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy lưu thông lộn xộn gây ùn tắc, mất an toàn.

Một giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đưa ra tại cuộc họp báo mới đây là vận động cán bộ, nhân viên mỗi tuần dành một ngày sử dụng xe buýt. Dù không đem lại hiệu quả tức thì, nhưng nếu tất cả các cơ quan, công sở gương mẫu đi trước thực hiện đúng như vậy cũng sẽ gây hiệu ứng tích cực với xã hội trong việc từng bước thay đổi thói quen.

Dư luận đang rất mong chờ đề án hạn chế phương tiện của cơ quan chức năng sẽ được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn, từ đó có cách tiếp cận, xử lý vấn đề hợp lý.

Nguyễn Đức