10 năm - cuộc chiến vẫn chưa qua
Thế giới - Ngày đăng : 05:36, 08/10/2011
Với sức mạnh vượt trội, chiến dịch "Tự do bền vững" mà Mỹ và liên quân thực hiện chỉ mất vài tuần để lật đổ chế độ Taliban (từ ngày 7-10 đến 13-11-2001). Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) nhanh chóng được triển khai sau đó để hỗ trợ tiến trình quá độ với chính phủ tạm thời tại Afghanistan do ông Hamid Karzai đứng đầu. Chiến thắng nhanh chóng ban đầu đã làm dư luận hy vọng quốc gia Nam Á này sẽ sớm ổn định và phát triển.
10 năm sau cuộc chiến, người dân Afganistan vẫn luôn sống trong cảnh nghèo đói và tính mạng bị đe dọa. |
Thế nhưng, 10 năm sau, những gì đang diễn ra tại quốc gia này khiến ngay cả những nước tham chiến không khỏi hoài nghi về một nền hòa bình thật sự tại đây. Bạo lực liên tục gia tăng và ngày một dữ dội. Nếu như trong năm 2001, số binh sĩ Mỹ và liên quân thiệt mạng chỉ là 12 người thì các năm sau đó, con số này không ngừng tăng. Đặc biệt là từ năm 2007, khi tàn quân Taliban trỗi dậy mạnh mẽ thì số binh sĩ Mỹ và liên quân thiệt mạng tăng rõ rệt: 232 năm 2007, 295 năm 2008, 521 năm 2009, 711 năm 2010 và 472 năm 2011 (tính đến tháng 9-2011). Hai tháng trở lại đây, các vụ tấn công của Taliban khiến dư luận ngỡ ngàng. Đầu tiên là vụ Taliban gài bẫy và bắn hạ chiếc trực thăng Chinook (ngày 8-8) làm 30 lính Mỹ thiệt mạng. Tiếp đó, Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan và trụ sở ISAF bị tấn công (ngày 13-9). Với vụ ám sát Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Afghanistan, ông Rabbani (20-9), Taliban đã giáng một đòn chí tử vào nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Chính phủ Kabul với chính tàn quân Taliban. Mới đây nhất, ngày 5-10, Bộ Nội vụ Afghanistan tuyên bố đập tan vụ mưu sát Tổng thống Hamid Karzai... Thực tế đang diễn ra đã khẳng định chiến lược quân sự của Mỹ và đồng minh tại Afghanistan đã không phát huy hiệu quả như mong muốn; tàn quân Taliban đang lấy lại ưu thế về quân sự và mở rộng ảnh hưởng bằng chiến thuật của chiến tranh du kích.
Sau 10 năm, thành quả mà Mỹ và liên quân ở quốc gia Nam Á này là gì đang là một câu hỏi lớn. Thật khó tìm được câu trả lời đầy đủ dù chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban đã bị lật đổ và Osama bin Laden - kẻ thù số 1 của nước Mỹ - đã bị tiêu diệt. Đổi lại, một Afghanistan bất an vẫn hiển hiện. Thêm vào đó, chi phí quá lớn cho một thành quả không cân xứng đã làm suy yếu cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và châu Âu với gánh nợ công phình lớn đang đe dọa nhấn chìm cả nền kinh tế toàn cầu. Hàng nghìn tỷ USD đã được đổ vào cuộc chiến tại Afghanistan. Trong đó Mỹ đóng góp khoảng 450 tỷ USD. Những khoản chi phí cho cuộc chiến là một gánh nặng cho người dân Mỹ và phương Tây. Hẳn không ai muốn tiền đóng thuế của họ đổ vào chiếc "thùng không đáy" như vậy. Về phương diện con người, đến nay đã có gần 2.800 binh sĩ Mỹ và liên quân thiệt mạng; trong đó riêng binh sĩ Mỹ là 1.800 người. Bởi vậy, một lộ trình rút quân đã được chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama lựa chọn và thực hiện. Theo đó, Washington đang rút dần 100.000 binh lính khỏi Afghanistan; đồng thời liên minh quân sự quốc tế cũng bắt đầu bàn giao trách nhiệm an ninh cho các lực lượng Afghanistan mới được đào tạo nhằm đạt mục tiêu rút toàn bộ binh sĩ nước ngoài khỏi nơi đây vào cuối năm 2014.
Còn cuộc sống người dân Afghanistan thì sao? Sau 10 năm, mặc dù quốc gia này đã có một số kết quả như thông qua Hiến pháp (năm 2004), nỗ lực khôi phục hệ thống giáo dục, y tế và thương mại... nhưng với đa số dân chúng thì chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Sau 10 năm đứng dưới ô an ninh của Mỹ và ISAF, chính quyền Afghanistan vẫn chưa thể thành lập được lực lượng quân đội, an ninh đủ mạnh để tự bảo đảm an ninh cho đất nước. Thêm vào đó, chiến lược đàm phán với Taliban của ông H. Kazai gần như đã thất bại. Taliban đang có nhiều lợi thế nên không mấy mặn mà bước vào bàn đàm phán. Trong khi đó, nạn tham nhũng tràn lan đang làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư, cộng đồng quốc tế vào đất nước này. Hệ lụy tất yếu được dự báo là cam kết viện trợ quốc tế vì thế mà suy giảm, nhất là sau năm 2014, khi không còn bóng dáng binh sĩ nước ngoài tại đây.
Sau 10 năm chiến tranh vẫn chưa qua đi trên đất nước Afghanisstan là điều không có gì phải nghi ngờ. Sự kiện quân Mỹ và đồng minh triệt thoát hoàn toàn khỏi Afghanistan vào năm 2014 sẽ càng đặt đất nước Afghanistan vào một tương lai bất định. Một cuộc nội chiến kéo dài tại quốc gia có tầm địa-chiến lược quan trọng khiến các cường quốc không ngừng muốn gây ảnh hưởng dường như là một kịch bản khó tránh.