“Người khổng lồ” của ngành giáo dục

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:30, 08/10/2011

(HNM) - Ngày 11-10-1951, Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ký Nghị định số 276/NĐ về việc thành lập Trường Sư phạm cao cấp, tiền thân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) ngày nay.

Từ đó đến nay, đã tròn một hoa giáp 60 năm, ĐHSPHN luôn giữ vị trí, vị thế là trường trọng điểm, đầu ngành với phương châm mô phạm, sáng tạo. Vị thế ấy đòi hỏi ĐHSPHN không ngừng năng động, phát triển. Đào tạo sau đại học (SĐH) là một trong những mũi nhọn phát triển ấy.

GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐHSPHN trao bằng cho tiến sĩ tân khoa.
Mở lối

Sau ngày Thủ đô giải phóng, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp giáo dục đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển. Nhu cầu của sự nghiệp dựng xây đất nước và nhu cầu tự thân của đội ngũ giảng viên ĐHSPHN đòi hỏi nhà trường phải vươn lên trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học, mỗi giảng viên phải trở thành một nhà khoa học. Có thể nói ĐHSPHN là nơi khởi nguồn đào tạo SĐH trong cả nước. Người khai phá con đường nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên là Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn, giảng viên Khoa Toán Lý, khi đó còn là khoa chung cho cả ĐHSP và Đại học Tổng hợp (ĐHTH). Kiên trì tự nghiên cứu, được Giáo sư Chủ nhiệm khoa Lê Văn Thiêm khuyến khích, cuối năm 1956, Nguyễn Cảnh Toàn đã trình bày những kết quả nghiên cứu của mình trước khoa. Ngày 24-6-1958, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô cũ) với đề tài: "Đường và mặt bậc hai trong các không gian phi Euclite"; đây là một trong những luận án phó tiến sĩ đầu tiên của người Việt Nam bảo vệ ở nước ngoài. Năm 1963, Nguyễn Cảnh Toàn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài "Lý thuyết đối hợp bộ n" cũng ở Liên Xô cũ.

Từ năm học 1958-1959, Khoa Toán của ĐHSPHN đã tổ chức bồi dưỡng cán bộ giảng dạy đại học theo hai cấp I và II (tiền thân của bậc thạc sĩ và tiến sĩ ngày nay) theo phương châm tự bồi dưỡng là chính, có luân phiên thuyết trình trước tập thể. Phong trào ngày càng hiệu quả, lan rộng, trở thành nền nếp ở các khoa toàn trường, được cả ngành giáo dục đại học thừa nhận. Ngày 23-4-1970 ghi nhận sự kiện quan trọng trong đào tạo tiến sĩ không chỉ của ĐHSPHN mà là của cả nước: Các giảng viên Khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp (nay là Khoa Sinh học) Phan Nguyên Hồng (đề tài "Đặc điểm phân bố sinh thái thảm thực vật ven biển miền Bắc Việt Nam"), Phan Cự Nhân (đề tài "Sự di truyền và tính chất biến dị các chỉ tiêu sinh hóa protein huyết thanh, sữa kiểu hemoglobin ở bò lang trắng đen Bắc Kinh, lai Sind và lai Hà - Ấn F1, F2, F3 nuôi tại nông trường Ba Vì"), Lê Quang Long (đề tài "Một số dẫn liệu bước đầu về sinh lý - sinh thái của cá rô phi thuần hóa Việt Nam"), đã lần đầu tiên ở Việt Nam bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ngay tại hội trường đơn sơ của ĐHSPHN . Tiếp theo là những luận án phó tiến sĩ của không ít giảng viên các chuyên ngành khác bảo vệ thành công ở ĐHSPHN... Đó là cơ sở nhân lực và trí lực để Bộ giao nhiệm vụ cho ĐHSPHN đào tạo tiến sĩ từ năm 1976, phát triển chính quy hệ đào tạo cao học từ năm học 1976-1977, đào tạo thạc sĩ từ năm 1991. Đội ngũ các nhà khoa học của ĐHSPHN thật sự có uy tín lớn trong giới nghiên cứu cả nước.

Dẫn đường và lan tỏa

Lễ trao 76 bằng tiến sĩ năm 2011 và 1.287 bằng thạc sĩ khóa 18, tổ chức tại Hội trường ĐHSPHN ngày 9-9 thật đông vui với nhiều cung bậc cảm xúc của những người trong cuộc và bạn bè, người chứng kiến. 76 vị tiến sĩ tân khoa, người cao niên nhất ở vào tuổi "tri thiên mệnh", trẻ nhất vừa chớm tuổi "tam thập nhi lập". Họ từ nhiều miền đất nước về, đủ giọng nói Bắc, Trung, Nam. Trong số ấy có nhiều NCS quốc tế. Xúng xính trong bộ áo thụng tím nẹp đỏ, mũ bình thiên vuông tua vàng, tân khoa tiến sĩ Khamsoulin Chanthavong, sinh năm 1959, giảng viên Trường Cao đẳng Bách khoa Vientian (Lào) cho hay, anh tốt nghiệp đại học năm 1978, làm thạc sĩ năm 2006 và nay hoàn thành chương trình tiến sĩ với đề tài "Dạy học phần từ trường và cảm ứng điện từ theo hướng phát huy tính tích cực và sáng tạo của sinh viên trường cao đẳng kỹ thuật ở Lào". Trong hai năm nghiên cứu, anh được Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Xuân Quế và các thầy Khoa Vật lý tận tình hướng dẫn nên đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Với kết quả này, Chanthavong có điều kiện cống hiến được nhiều hơn cho đất nước mình, góp thêm một dấu son cho tình đoàn kết Việt - Lào. Còn nữ tiến sĩ tân khoa Chu Cẩm Thơ thì thật trẻ, sinh năm 1981, nét mặt, ánh mắt thông minh vẫn còn những nét tinh nghịch của thời học trò. Cô giảng viên Khoa Toán chọn đề tài "Vận dụng các phương pháp kích thích tư duy cho học sinh trong dạy học môn toán ở trường trung học phổ thông" thuộc chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy môn toán để làm luận văn. Nữ tiến sĩ quê Hoài Đức, Hà Nội cho hay, mặc dù lương giảng viên trẻ như cô chỉ được trên dưới 3 triệu đồng một tháng, nhưng vì niềm say mê nghiên cứu khoa học, vì lòng yêu nghề và danh dự gia đình, dòng tộc nên cô quyết tâm "vượt vũ môn".

Từ năm 1976, với hệ đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ SĐH, ĐHSPHN đã đào tạo nhiều cán bộ, giảng viên cho chính mình và cho các ĐH, CĐSP, các sở GD-ĐT, cơ quan Bộ GD-ĐT, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông khác. Nhà trường còn có vai trò quan trọng trong việc đào tạo trình độ thạc sĩ ở Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Viện Vật lý, Học viện Quản lý giáo dục… Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ định ĐHSPHN thẩm định các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ lý luận và phương pháp dạy học Toán của ĐH Tây Bắc, các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ các chuyên ngành Ngôn ngữ học, Lịch sử Việt Nam, Giáo dục tiểu học, Chính trị và Lý luận và phương pháp dạy học Toán của ĐH Đồng Tháp; thẩm định chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục của Học viện Chính trị quân sự. Hiện nay trường có 49 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ ở hầu hết các ngành, các khoa đào tạo trong toàn trường, 42 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, đang chuẩn bị đề án mở một mã ngành đào tạo tiến sĩ mới - giáo dục mầm non.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, ĐHSPHN đã liên kết với Cộng hòa Pháp và Viện Toán học Việt Nam đào tạo thạc sĩ toán trình độ quốc tế, hợp tác với Vương quốc Bỉ đào tạo tiến sĩ ngành hóa học, hợp tác đào tạo NCS với Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…; đồng thời đã đào tạo không ít thạc sĩ, tiến sĩ cho các nước bạn. Chỉ từ năm 2007 đến nay, trường đã đào tạo cho Lào 4 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, Trung Quốc 1 tiến sĩ, Hàn Quốc 3 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, mở một lớp bồi dưỡng SĐH cho nước bạn Campuchia...

Với những thành tựu trong 60 năm xây dựng và phát riển, trong đó có thành tựu của lĩnh vực đào tạo SĐH, ĐHSPHN thực sự là "người khổng lồ" trong hệ thống đào tạo của ngành giáo dục. Trường đang phấn đấu trở thành đại học nghiên cứu, đa ngành và trọng điểm - sư phạm, hội nhập sâu với khu vực và thế giới.

Năng Lực