Cần thiết và phải có lộ trình

Đời sống - Ngày đăng : 07:18, 07/10/2011

(HNM) - Đề án hạn chế phương tiện cá nhân (PTCN) do Chính phủ yêu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chuẩn bị thực hiện lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt. Hànộimới xin ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Chị Nguyễn Hương Giang (tổ 11 phường Khương Thượng, quận Đống Đa): Phạt thật nặng, thật nghiêm các trường hợp vi phạm

Nhà tôi ở phố Tôn Thất Tùng, ngày nào cũng đưa con đi học qua phố Chùa Bộc, Tây Sơn và ngày nào cũng diễn ra cảnh sáng tắc, chiều tắc, giữa trưa phương tiện cũng bị ùn ứ cả chục mét tại các điểm giao cắt. Những ngày mưa vừa qua, khi lượng ô tô cá nhân tăng vọt thì chuyện phải chôn chân hàng giờ đồng hồ dưới trời mưa là chuyện thường. Thực tế là mỗi khi lòng đường vừa có hiện tượng ùn ứ, hàng chục xe máy lập tức chen lấn, lao lên vỉa hè, đi sang làn đường dành cho xe ngược chiều. Chỉ sau vài phút cả tuyến đường lập tức bị tắc nghẽn. Rõ ràng nếu người điều khiển PTCN có ý thức đi đúng làn đường, kiên nhẫn chờ tín hiệu đèn hay theo hiệu lệnh của người điều khiển thì chắc chắn sẽ giảm bớt được tình trạng tắc đường. Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là việc cần làm ngay nhưng chắc chắn không thể làm được trong một sớm một chiều. Vấn đề thay đổi các quy định trong việc lưu hành, quản lý PTCN cần được song song tiến hành với tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông, phạt thật nặng, thật nghiêm những trường hợp vi phạm.

Ông Trần Mai Lâm (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm): Phương tiện công cộng tốt sẽ hạn chế được phương tiện cá nhân

Hiện nay hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội chưa đủ mạnh để "cõng" được nhu cầu đi lại của người dân. Nhìn những chuyến xe buýt giờ tan tầm có thể thấy nỗi khổ của hành khách lẫn người vận hành xe. Làm sao lái xe có thể lấy thêm khách khi trên xe đã chật ních người, nếu dừng lại cho khách xuống mà hạn chế khách lên sẽ bị la ó, phản đối... Các dự án cầu vượt, đường sắt trên cao triển khai quá chậm và những công trình dở dang này cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Vì vậy, bên cạnh những biện pháp mạnh để hạn chế PTCN như thu phí lưu thông trên đường, phí trông giữ cao, hạn chế số lượng một người sở hữu nhiều PTCN... Chính phủ và các cơ quan chức năng cần giúp Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển hạ tầng giao thông công cộng.

Anh Nguyễn Văn Tùng (B6 Đầm Trấu, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng): Phải xây dựng lộ trình cụ thể

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị "chậm hạn chế phương tiện cá nhân sẽ gây lãng phí cho xã hội". Có thể thấy hầu như gia đình nào cũng có ít nhất 1- 2 chiếc xe máy. Thậm chí nhiều gia đình khá giả, hai vợ chồng đi hai ô tô nhưng vẫn có một chiếc xe máy "dự phòng". Rõ ràng, sự bùng nổ PTCN, tốc độ tăng dân số cơ học trong điều kiện đường sá chưa được cải thiện, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân… là những nguyên nhân chính gây ra vấn nạn ùn tắc giao thông. Lẽ ra việc hạn chế PTCN phải được các cơ quan chức năng thực hiện từ nhiều năm trước chứ không phải bây giờ mới đem ra bàn bạc. Song, với một chủ trương lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân, Bộ GTVT cần phải rất thận trọng. Để hạn chế PTCN, việc đầu tiên là phải làm yên lòng người dân bằng cách bảo đảm cho họ đi lại thuận tiện bằng các phương tiện giao thông công cộng. Để tránh xáo trộn trong xã hội, trước hết Bộ GTVT cần xây dựng lộ trình cụ thể, công khai để tất cả người dân được biết và góp ý, nhằm đưa ra một phương án tối ưu. Ví dụ, cần phải xác định chính xác thời gian nào sẽ bắt đầu hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng? Thời điểm nào bắt đầu cấm PTCN? Bắt đầu cấm tại một số tuyến phố trước hay sẽ cấm đồng loạt trên tất cả các tuyến đường? Sau khi cấm, việc mua sắm phương tiện của người dân sẽ được siết chặt ra sao… Nếu không chuẩn bị sẵn sàng cho người dân cả về tâm lý và điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng, thì e rằng việc hạn chế PTCN sẽ chỉ được thực hiện trên… giấy!

Anh Nguyễn Duy Anh  (Phố  Kim Giang - Thanh Xuân): Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Muốn hạn chế PTCN, cần phải có những giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, phải bảo đảm được nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân bằng phương tiện giao thông công cộng. Muốn làm được điều đó, thành phố phải nhanh chóng xây dựng được mạng lưới xe buýt rộng khắp, đồng thời triển khai ngay việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… Để phát triển mạng lưới xe buýt, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để bố trí loại hình xe buýt phù hợp với từng tuyến phố, đường vành đai. Ví dụ, tại các tuyến phố cổ, khu vực nội đô, không nên bố trí những xe lớn, mà chỉ nên "cơ động" bằng các loại xe nhỏ, 16 chỗ ngồi. Các tuyến buýt chạy trên đường vành đai có thể sử dụng loại xe nhiều chỗ ngồi hơn. Thứ hai, cần quy hoạch lại số lượng và bắt buộc ta xi phải đón khách tại các điểm dừng, đỗ theo quy định. Bởi ta xi không phải là loại hình phương tiện giao thông công cộng, song hiện nay đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Không những thế, việc đi lại của ta xi hiện nay rất lộn xộn, góp phần không nhỏ vào việc gây rối loạn TTGT. Thứ ba, thành phố cần nhanh chóng triển khai việc chuyển địa điểm một số trường ĐH, bệnh viện lớn ra ngoại thành, chỉ nên giữ lại một số điểm cấp cứu tại chỗ để phục vụ kịp thời nhu cầu KCB của người dân. Thứ tư, cần có kế hoạch cụ thể, dài hơi cho việc phát triển, mở rộng hạ tầng giao thông đô thị. Cuối cùng, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông, khuyến khích người dân tập thói quen đi bộ trên những quãng đường ngắn… Nếu không hạn chế ngay việc phát triển PTCN từ bây giờ, e rằng chỉ vài ba năm nữa thôi, giao thông Hà Nội sẽ hoàn toàn bị tê liệt.

Nga - Thủy