Bài 16: Nguyên vẹn một tình yêu
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:54, 07/10/2011
Nhà Tư Thắng có cái vườn rộng, cây xanh mướt, rất thú cho người đã hưu. Thềm nhà ông làm rộng, kê bàn nước, đặt cái võng ngả lưng. Bữa nay, bà nhà, bà Huỳnh Biên Thùy, đi học nghị quyết. Ông vừa học xong nên mới có thời gian ở nhà cho khách gặp. Nhà Tư Thắng rộng nhưng vắng hoe. Hai người con trai ở riêng kế bên, cô con gái ở cách đó một quãng. Tư Thắng năm nay đã bảy mươi bảy, nét mặt dường như lúc nào cũng thăm thẳm buồn. Lẽ thường, ở tuổi ấy, cháu chắt phải đầy nhà, đằng này... Hai người con trai Tư Thắng - anh đầu sinh ra ở rừng - lấy vợ đã lâu mà không có con. Ông Tư trầm buồn: - Đấy là di họa của chất độc da cam tôi bị nhiễm trong hai chuyến vượt Trường Sơn các năm 67, 68. May là cháu gái sinh được hai đứa khỏe mạnh, kháu lắm.
Ông Tư Thắng kể về những ngày chiến đấu ở đường Hồ Chí Minh trên biển. |
Ông Tư Thắng quê Long Trị, Long Mỹ, Cần Thơ. Thuở bé, đã mê đi bộ đội lắm, 12 tuổi ông "nhập ngũ", làm liên lạc, dò thám, nắm tình hình cho các chú, các anh huyện đội. Mười chín tuổi, ông tập kết ra Bắc, phiên chế Trung đoàn 2, Sư đoàn 320, mấy năm sau đi học sĩ quan hải quân đến tháng 5-1963 thì về 759 - đoàn tàu không số. Tháng 7, đi chuyến tàu đầu tiên, làm thuyền phó tàu 43, ông Tư Thắng nhớ mãi: - Suốt mấy năm sống trên đất bắc, nay được chở vũ khí chi viện cho chiến sĩ miền Nam tôi sướng lắm. Chúng tôi xuất phát từ K20, bến Bính (Hải Phòng) vòng qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) xuống Trường Sa nhà mình rồi hướng về Cà Mau. Vừa thực hiện nhiệm vụ mình vừa rưng rưng nghĩ đến ngày gặp lại bà con, đồng chí đang ngày đêm gian khổ, chiến đấu.
Ngày ấy, trang thiết bị không có. Nếu không bám được gần bờ thì chiến sĩ tàu không số phải trông thiên văn để tính tọa độ. Với kinh nghiệm của người đi biển cộng kiến thức được đào tạo bài bản, chuyến đầu tiên của Tư Thắng đã cập bến thành công.
Tháng 9-1964, Tư Thắng chuyển qua tàu 56, làm thuyền phó, đi chuyến thứ 3, chở hàng vào cửa Kiến Vàng. Tàu cập ụ ngụy trang, Tư Thắng và đồng đội lên tham gia liên hoan văn nghệ với nữ chiến sĩ giải phóng đoàn 962. Trên biển, chuyến đi đầy sóng gió. Gặp 6 trận bão liên tiếp, tàu phải vòng vào đảo Hải Nam để tránh. Nhưng trên bờ thì duyên số lại mỉm cười. Đêm đó, Tư Thắng gặp Sáu Thùy. Trước đây, năm 1954, Sáu Thùy đã tiễn đưa bộ đội tập kết. Ở lực lượng giao liên, xinh đẹp, lại hát hay, Sáu Thùy được chọn vào văn công phục vụ bộ đội và nhân dân tại sông Đốc. Sau đó, Sáu Thùy trở về xã đội và hội phụ nữ xã, vận động chị em tham gia phong trào đấu tranh chính trị và làm giao liên cho Huyện ủy Cái Nước, Cà Mau. Năm 1963, trong một lần đi thư mật cho huyện ủy, Sáu Thùy bị địch bắt, đưa về giam ở chi khu Cái Nước. Địch dùng mọi thủ đoạn tra tấn nhưng chị một mực không khai báo. Bất lực, chúng đưa chị đi biệt giam ở bót Lò Heo, thị xã Cà Mau suốt năm rưỡi. Tại đây, chúng tiếp tục vừa tra tấn, vừa mua chuộc, dụ dỗ nhưng không xong. Địch buộc phải trả tự do cho chị. Sau đó, Sáu Thùy lại bị bắt giam lần nữa khi vận động quần chúng chở tử thi đi đấu tranh.
Cuộc đời Sáu Thùy có những biến cố đặc biệt nhưng có lẽ cũng bình thường trong thời chiến. Đấy là khi tên chi khu trưởng Cái Nước bắt người anh thứ tư của Sáu Thùy đang làm cán bộ huyện đoàn. Hắn ra điều kiện nếu Sáu Thùy quy hàng thì thả người anh. Điều kiện ấy không được đáp ứng, tay chi khu trưởng chĩa súng vào người anh Sáu Thùy nhả đạn.
Những câu chuyện của Sáu Thùy làm Tư Thắng cảm động... Ngày ấy, làm nhiệm vụ đặc biệt, chuyện yêu đương là điều cấm. Nhưng trước tình cảm chính đáng của hai người, tổ chức bến và tàu đã đứng ra làm lễ ăn hỏi cho họ. Sau lễ ăn hỏi, Tư Thắng lên tàu ra Bắc. Anh báo cáo với đơn vị. Đơn vị tổ chức kiểm tra. Nhân thân Sáu Thùy tốt, Tư Thắng chỉ chờ dịp vào Cà Mau để tổ chức đám cưới.
Trong chuyến đưa hàng năm 1968, bốn tàu 165, 235, 56, 43 - Tư Thắng đi tàu 43 - đều bị địch phát hiện, bao vây. Nhiều đồng chí đã hy sinh. Hay tin, Sáu Thùy trong tâm trạng bồn chồn, nghĩ Tư Thắng nằm trong số đó. Nảy ra ý tưởng táo bạo, Sáu Thùy xin đi theo tiểu đoàn bộ binh của 962 để đi tìm Tư Thắng. Chị lên lộ Vòng Cung chiến đấu tìm cách vượt qua lộ Cái Sắn (Cần Thơ - An Giang), từ đó dấn lên miền Đông, tìm tới Trường Sơn ra Bắc, nhưng bị hãm lại ở lộ Cái Sắn gần một năm. Thời gian đó, mảnh đất này vô cùng ác liệt. Một lần, B52 rải thảm sập hầm, hai đồng chí cùng hầm hy sinh, Sáu Thùy tưởng chết, xác đã để cùng đồng đội. Đến khi anh em định đưa đi chôn thì Sáu Thùy hộc ra ngụm máu, y tá kề tai nghe thấy tim vẫn đập mới kề miệng hút máu ra và hô hấp nhân tạo. Sáu Thùy tỉnh lại và được đưa về trạm xá. Sức khỏe dần dần khá, chị trở lại chiến đấu.
Sáu Thùy đang chiến đấu ở lộ vòng Cung thì một người quen báo tin dữ: Tư Thắng đã hy sinh. Mọi hy vọng tắt hẳn. Sáu Thùy đội khăn tang, lên xin chính ủy về 962 làm lễ truy điệu Tư Thắng...
Những câu chuyện mỗi lúc một cởi mở dần. Trước khi tôi đến gặp Tư Thắng, một đồng đội của ông đã cười rất hóm bảo: - Tư Thắng có cảm tình với Đặng Thùy Trâm đó. - Cảm tình là thế nào? Trả nhời: - Tình cảm nam nữ đó.
Thời điểm tàu 43 bị bao vây, anh em phải cho nổ tàu ở Quảng Ngãi, có 3 anh em hy sinh, Tư Thắng cùng đồng đội, hầu hết bị thương, đã cho hủy tàu, chạy lên bờ và được đưa lên rừng Ba Tơ, điều trị trong trạm xá của chị Đặng Thùy Trâm. Hơn một tháng giữa rừng đã để lại trong lòng mọi người, không chỉ chiến sĩ tàu không số mà cả các y tá, bác sĩ ở đây nhiều kỷ niệm, tình cảm. Trong nhật ký của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm có ghi lại: "10-4-68. Vậy là chiều nay các anh lên đường, để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: Những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương". Không biết Tư Thắng có tình cảm gì thực với Đặng Thùy Trâm hay không, ông chỉ kể lại bà Trâm có nhờ ông mang lá thư về cho bố. Ra đến Hà Nội, vì yêu cầu bí mật, ông không dám đến tận nơi mà nhờ người mua tem gửi. Mãi sau này gia đình bà Trâm mới biết. Tôi đánh bạo hỏi thực hư chuyện "cảm tình". Ông bảo: - Tầm bậy! Lúc đó tôi có người yêu rồi, đã ăn hỏi rồi. Tôi thương bà ấy lắm. Không có chuyện đó đâu! Tôi thì nghĩ bụng, trong hoàn cảnh ấy, ông Tư Thắng có rung động trước một người con gái như Đặng Thùy Trâm cũng là lẽ thường.
Tính ra, từ thời điểm năm 68, Tư Thắng và Sáu Thùy đã xa nhau bốn năm.
Đầu năm 1972, Tư Thắng lúc này là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Đoàn 125 bất ngờ được điều động về chỗ anh Tư Mau (Đoàn S950, QK9). Cùng đi có Năm Trầm, Bảy Nam, Hai Hoàng, Tư Kỷ... Đây cũng là đơn vị bí mật, lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 5 đóng ở Hải Phòng. Tư Thắng nhận nhiệm vụ đặc biệt, tiếp tục vận chuyển vũ khí vào Nam nhưng bằng phương thức hoàn toàn khác và hết sức táo bạo: Chở công khai. Anh em được chọn đều người Nam tập kết hoặc từng tham gia trên các con tàu không số từ năm 1961 và một số khác. Phương tiện lúc này là tàu hai đáy, cải dạng với giấy tờ tàu, thẻ căn cước giả.. Anh em cải dạng tàu cho giống tàu đánh cá của ngư dân miền Nam, chỉ có điểm khác là đáy tàu hai lớp, giữa hai lớp chứa đầy súng đạn.
Anh em phải tập luyện cử chỉ, động tác sao cho thật giống với ngư dân ở trong. Riêng Tư Thắng tập mất 3 tháng. Tuy là lính hải quân nhưng so với ngư dân, Tư Thắng nom dáng vẫn có vẻ nhàn nhã quá. Hàng ngày, Tư Thắng cởi trần, mặc quần cụt ngồi rang nắng, phóng xuống biển ngâm mình rồi lại phi lên bờ rang nắng đến khi da đen cháy. Để bàn tay thêm gân guốc, Tư Thắng suốt ngày vuốt sợi chão to tướng. Hai bàn tay phồng rộp lên, bật máu. Cứ thế, lớp chai này đùn lớp chai khác. Rồi học đánh lưới, vá lưới... Nhưng khó khăn nhất là những năm ở miền Bắc, giọng nói, cử chỉ, tác phong của anh em đã thay đổi đi nhiều... Tất cả đều gắng sức mong sau một thời gian dài đoàn tàu sắt bị hạm đội 7 của Mỹ phát hiện, địch phong tỏa gắt gao, con đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ sớm được nối lại.
Trong một chuyến công tác đặc biệt tháng 7-1972, Sáu Thùy gặp lại Tư Thắng nhờ sự chu đáo của Tư Mau.
Một hôm, Tư Mau gọi Tư Thắng lên hỏi: - Tao hỏi thật mày nhé, mày và Sáu Thùy còn gắn bó nhau không? Hay mất liên lạc hơn 8 năm, đã gặp cô nào ở Hà Nội hay Hải Phòng rồi?
Trong hồi ký vừa mới viết, ông cũng "thừa nhận": Đời lính, nhiệm vụ là trên hết, tính mạng lại chả biết thế nào. Vả lại, là hải quân, nay đây mai đó. Có lúc, Tư Thắng tính bụng "gửi gắm cuộc đời ở đâu đó". Nhưng rồi chiến tranh quá khốc liệt, ông chỉ biết đến nhiệm vụ. Lúc Tư Mau hỏi, Tư Thắng thú thật chẳng còn mấy hy vọng gặp lại Sáu Thùy dù hình ảnh cô vẫn còn nguyên vẹn. Tư Mau mới cười và quyết định cùng với Hai Địa (Bông Văn Dĩa) bố trí cho hai người gặp nhau. Sau đó đám cưới được tổ chức. Đơn vị bố trí cho hai người một chòi hạnh phúc.
Trên tường nhà Tư Thắng có treo bức ảnh hồi Sáu Thùy để tang ông, dưới bức ảnh có dòng chữ: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở... Nhưng ông bà vẫn sống với nhau hạnh phúc, có mấy mặt con. Tư Thắng bảo ông sống được, có ngày hôm nay là nhờ vào sự cưu mang, giúp đỡ của đồng bào Đức Phổ, của bà Đặng Thùy Trâm. Hồi kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, ông có ra Hà Nội, đến nhà thắp cho bà Trâm nén nhang. Còn giờ, ông chỉ ao ước quay trở lại Đức Phổ.