Quá nhiều cái thiếu

Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 06/10/2011

(HNM) - Chưa hấp dẫn người học, cơ chế, phương pháp còn xa thực tiễn, vừa làm vừa mày mò… đó là ý kiến nhận xét của các cán bộ thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Ngày 29-11-2009, đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (Đề án) với mục tiêu hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn được Chính phủ ký Quyết định số 1956 phê duyệt và được triển khai thực hiện ở các địa phương. Tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), ông Nguyễn Đình Khiêm, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện đã thẳng thắn cho biết những kết quả đạt được trong năm đầu tiên thực hiện Đề án của huyện là chưa cao. Đề án được triển khai năm 2010 nhưng đến tháng 5-2011 thành phố mới ban hành danh mục các ngành nghề và cuối tháng 7 thành phố mới ban hành quyết định chỉ định các đơn vị dạy nghề. Văn bản hướng dẫn đến các địa phương chậm đã làm giảm tiến độ thực hiện đề án. Chỉ tiêu cấp kinh phí hỗ trợ học nghề lại lệch nhau, không đồng nhất. Theo Đề án với lao động nông thôn hộ nghèo sẽ được hỗ trợ kinh phí 3 triệu đồng/người/khóa học; hộ cận nghèo được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/khóa học; lao động nông thôn nói chung được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/khóa học. Nhưng trong Quyết định số 1983 của UBND TP Hà Nội ban hành chi tiết mức hỗ trợ kinh phí cho 36 ngành nghề, với mức từ 1,7 triệu đến 2,4 triệu đồng, giao cho liên sở LĐ-TB&XH - Tài chính - Kế hoạch Đầu tư lên văn bản chi tiết. Tuy nhiên, tại huyện Ứng Hòa cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được văn bản nào từ liên sở. Trong khi đó, không thể không hỗ trợ kinh phí cho các lớp học nghề nên huyện cứ chiểu theo Quyết định 1983 của thành phố để thực hiện. Văn bản là như vậy khiến cán bộ LĐ-TB&XH không trả lời được câu hỏi của người học liệu có được hưởng số tiền chênh lệch không?

Dạy nghề may cho nông dân huyện Gia Lâm. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, áp lực về chỉ tiêu phải có 80% học viên sau học nghề có việc làm ổn định trong 12 tháng cũng gây khó cho huyện bởi lẽ huyện là địa phương thuần nông và là vành đai xanh theo quy hoạch của thành phố nên không có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vì vậy khi học xong người lao động không có được cơ hội việc làm, phải tìm việc ở địa phương khác. Công tác tuyên truyền vận động, thiết lập hồ sơ từ cơ sở chưa sâu rộng làm chậm tiến độ thực hiện đề án. Khi thông tin đào tạo nghề về các thôn, xã thì có 16 chủ tịch UBND xã làm tờ trình xin UBND huyện cho mở các lớp dạy nghề. Người đăng ký học nghề theo Đề án phải có đơn xin học, ảnh và chỉ được học một lần (học chăn nuôi thì không được học trồng trọt, hay thủy sản nữa…) đã khiến họ băn khoăn, khó lựa chọn nghề vì nhiều hộ vừa có ruộng trồng lúa, ruộng trồng hoa màu, ao nuôi cá, thậm chí có cả chuồng để chăn nuôi dẫn đến nhiều người không tham gia các khóa học. Một khó khăn nữa là tâm lý người nông dân thường học theo phong trào: trong số hơn 11.700 người mà có tới 250 ngành nghề được đăng ký học. Không thể đáp ứng nhu cầu trên nên từ năm 2010 đến nay, huyện Ứng Hòa mới mở được 15 lớp dạy nghề với 1.090 học viên.

Huyện Từ Liêm là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nên việc triển khai thực hiện Đề án vừa là thách thức, vừa là cơ hội để người dân có việc làm. Cũng như nhiều địa phương khác, nông dân Từ Liêm tham gia học nghề chưa nhiều do khâu điều tra, tuyên truyền và chỉ đạo của cấp xã chưa tốt. Lâu nay có một quan niệm sai lầm là làm nghề nông không cần phải học. Trong khi đó muốn làm giàu từ nông nghiệp phải gắn với sản xuất hàng hóa, nếu không có kiến thức thì khó có sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao. Thực tế có những người được tham gia học, nhưng không có khả năng về vốn, đất đai… để sử dụng kiến thức đã học vào sản xuất, rồi do lâu ngày lại… quên. Một thực tế nữa là hiện nay hầu hết thanh niên thường rời quê đi làm ăn xa. Người trực tiếp làm nông nghiệp có độ tuổi tương đối cao, do đó, học nghề khó tiếp thu kiến thức. Nông dân hiện vẫn làm nông nghiệp theo kinh nghiệm, thói quen, họ chỉ hăng hái tham gia khóa học 1-2 buổi, còn học 2-3 tháng cho từng nghề rất ít người tham gia.

Tại hội thảo "Thực trạng, thách thức và giải pháp trong đào tạo nghề cho nông dân ở Việt Nam" cuối tháng 9-2011, các đại biểu chỉ ra nhiều hạn chế trong đào tạo nghề cho nông dân hiện nay là chưa có giải pháp hữu hiệu để thay đổi thói quen; Thiếu giáo viên dạy nghề nông nghiệp vừa tâm huyết, vừa có phương pháp giảng dạy phù hợp cho nông dân, đặc biệt thiếu người có thể vừa dạy lý thuyết vừa hướng dẫn thực hành; Đào tạo nghề chưa có chiến lược theo từng hướng phát triển để tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động nông thôn tương lai.

Còn nhiều điểm chưa hợp lý trong Đề án như chỉ tiêu phải đào tạo nghề cho 1 triệu nông dân/năm là cách để đẩy việc thực hiện đề án theo kiểu phong trào để "tròn vai" với chính sách. Mỗi cơ quan đều thực hiện theo cách riêng, không đồng bộ, thiếu đánh giá nhu cầu của các nhóm đối tượng nông dân và cán bộ địa phương theo các tiểu vùng sinh thái và địa lý hành chính khác nhau. Do vậy đã dẫn đến tình trạng đào tạo không địa chỉ, cuối cùng người được đào tạo nghề hoặc là không kiếm được việc làm hoặc là kiếm được việc làm nhưng không đúng theo chuyên môn được đào tạo. Trừ một số địa phương có nghề truyền thống, còn ở nhiều nơi nông dân học xong không theo được nghề mới, nên lại quay về với công việc cũ.

Thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên dạy nghề chuyên nghiệp, chưa khảo sát nhu cầu nghề nghiệp cho lao động nông thôn, thiếu liên kết vùng… đó là những thiếu sót cần được khắc phục trong thực tiễn của Đề án 1956.

Kim Vũ