Thêm cơ hội việc làm từ thị trường Nhật Bản
Đời sống - Ngày đăng : 16:56, 05/10/2011
Tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc tại Nhật - Ảnh: Chinhphu.vn |
Nhu cầu tăng mạnh
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tổng số 60.530 người được đưa đi xuất khẩu lao động 8 tháng đầu năm 2011, Nhật Bản tiếp nhận 4.170 người, đứng thứ tư trong các thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất. Riêng tháng 8, 643 lao động đã đi Nhật.
Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật cho biết thêm, sau thảm họa động đất, sóng thần, Nhật Bản đang cần lượng lớn tu nghiệp sinh trong các nhà máy, công trường xây dựng, nông nghiệp. Trong chính sách tài khóa năm 2011, Nhật cũng có chủ trương tăng lao động nước ngoài sang Nhật làm việc.
Thực tế, phía chủ sử dụng lao động đánh giá rất cao lao động Việt Nam sẵn sàng ở lại khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chủ động sang Nhật xúc tiến ký kết các hợp đồng.
Hiện tại, ngoài các ngành may, chế biến thực phẩm, hàn hồ quang, nề, lắp đặt đường ống, lắp giàn giáo, mạ, đúc, thép kết cấu… đối tác Nhật Bản đang yêu cầu cung ứng tu nghiệp sinh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tu nghiệp sinh khi làm trong các ngành chăn nuôi, trồng rau quả…đều có thời hạn hợp đồng là 3 năm và thu nhập khá tốt. Mức lương cơ bản tháng thứ nhất là 60.000 - 75.000 yên (tương đương với 15 - 18 triệu đồng/ tháng); từ tháng thứ 2 trở đi là 120.000 - 130.000 yên/ tháng (tương đương 30 - 32 triệu đồng/ tháng).
Điều thuận lợi cho các ứng viên là lĩnh vực nông nghiệp không yêu cầu trình độ quá cao như các ngành khác. Theo chương trình tu nghiệp sinh, người lao động không phải đóng góp các khoản chi phí đặt cọc hay thế chấp mà chỉ phải chịu các chi phí: làm hộ chiếu, lệ phí visa, chi phí khám sức khỏe, chi phí ăn, ở, đi lại trong quá trình đào tạo tiếng Nhật, rèn luyện thể lực và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trong thời gian từ 3 đến 6 tháng trước khi đi.
Chuyên nghiệp hóa để giữ thị trường
Trước bài học từ thị trường Hàn Quốc, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cho rằng, để giữ vững và phát huy hiệu quả của thị trường Nhật Bản, không chỉ người lao động mà các doanh nghiệp cũng phải chuyên nghiệp trong việc tuyển chọn, đào tạo người lao động.
Khi chọn đối tác cung ứng lao động, phía Nhật Bản thực hiện khá khắt khe, nhất là việc thẩm định năng lực đối tác. Họ sẽ sang tận nơi kiểm tra từ cơ sở vật chất, năng lực cán bộ làm việc, nếu không đạt yêu cầu sẽ không được chấp nhận.
Thực tế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động vào thị trường Nhật Bản nhưng chỉ khoảng 20 doanh nghiệp mỗi năm đưa được khoảng 100 lao động sang Nhật. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần chú trọng đến đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu của đối tác.
Bên cạnh đó, tu nghiệp sinh cần nhận thức đầy đủ về việc học tiếng Nhật, tránh tư tưởng học để qua kỳ thi. Bởi lẽ, khi sang Nhật làm việc sẽ phải áp dụng tiếng hàng ngày, nếu không thành thạo, thu nhập sẽ thấp, thậm chí bị trả về nước.
Một vấn đề quan trọng nữa là ý thức người lao động trong việc chấp hành luật pháp nước sở tại, không được bỏ trốn khi hết hạn hợp đồng. Nhiều giải pháp đã được các doanh nghiệp áp dụng nên những năm gần đây tình trạng tu nghiệp sinh bỏ trốn đã được hạn chế.
Theo kinh nghiệm đưa tu nghiệp sinh sang Nhật của Hiệp hội Phát triển Nhân lực Quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật (IMM Japan), tu nghiệp sinh sau khi hoàn thành đúng hợp đồng về nước sẽ được nhận một khoản tiền tương đương 6.000 USD hỗ trợ giúp đỡ lập nghiệp. Hoặc tương tự có thể thỏa thuận giữa các bên như trích lại 10%-15% lương tháng của tu nghiệp sinh để tiết kiệm sau 36 tháng, họ sẽ có một khoản tiền mang theo về nước.
Sau khi kết thúc 3 năm làm việc tại Nhật, các tu nghiệp sinh cũng đã có trình độ, kỹ năng làm việc tốt cho nên doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho tu nghiệp sinh bằng cách kết nối với các doanh nghiệp của Nhật đang hoạt động ở Việt Nam nhận các tu nghiệp sinh.