Mỹ Linh cùng Đức Tuấn có “Những ngày mộng mơ”
Văn hóa - Ngày đăng : 10:42, 05/10/2011
Mỹ Linh và Đức Tuấn cùng thực hiện liveshow bán cổ điển "Những ngày mộng mơ" |
“Những ngày mộng mơ” cũng là tên một bài hát nằm trong album “Chat với Mozart” của ca sỹ Mỹ Linh đã từng được rất nhiều khán giả yêu nhạc đón nhận và yêu mến cách đây vài năm.
Khi nói đến dòng nhạc bán cổ điển không thể không nhắc đến Mỹ Linh và gần đây là Đức Tuấn. Mỹ Linh là giọng ca vàng của nhạc nhẹ Việt Nam. Cô được công chúng yêu mené không chỉ bởi giọng hát đầy sức mê hoặc, mà còn bởi sự cống hiến miệt mài của cô cho nền âm nhạc Việt trong suốt gần 20 năm qua.
Mỹ Linh liên tục gây bất ngờ cho cộng đồng yêu nhạc bằng các album mang đậm phong cách nhạc acoustic như “Tóc ngắn”, “Made in Vietnam”, “Chat với Mozart”, “Để tình yêu hát”, và gần đây nhất là “Tóc ngắn Acoustic – Một ngày”. Trong đêm nhạc Những ngày mộng mơ, Mỹ Linh sẽ thể hiện tất cả các ca khúc mang phong cách bán cổ điển, kết hợp với các yếu tố âm nhạc đương đại và những ca khúc được làm mới lại theo phong cách này.
Mỹ Linh là giọng ca vàng của nhạc nhẹ Việt Nam |
Với Đức Tuấn, một giọng ca trẻ nhưng sớm thành công ở dòng nhạc bán cổ điển. Cách đây 5 năm, ca sỹ Đức Tuấn cho ra đời album đầu tay mang tên “Yêu trong ánh sáng” khiến tên tuổi của anh sớm được công chúng biết đến. Niềm đam mê dòng nhạc bán cổ điển được thể hiện rõ nét nhất khi Đức Tuấn ra album “Music of the Nights” (The Broadway Album), là tuyển tập của 11 bài hát được trích từ chín vở nhạc kịch nổi tiếng. Khi mới ra đời, album này khá lạ lẫm với công chúng yêu nhạc, nhưng sau đó thì chính nhờ nó mà ca sỹ Đức Tuấn trở thành một cái tên không thể quên khi nhắc đến dòng nhạc cổ điển giao thoa.
Sự kết hợp giữa Mỹ Linh và Đức Tuấn được giới chuyên môn rất kỳ vọng, bởi lẽ cả hai ca sỹ này đều có chất giọng kỹ thuật cao, phù hợp với những bản tình ca sâu lắng và nhẹ nhàng, nhưng khi bắt đầu sự nghiệp thì hai ca sỹ đi theo hai xu hướng khác nhau: Mỹ Linh thành công với nhạc Funk&Soul, còn Đức Tuấn đi theo phong cách nhạc tiền chiến trữ tình. Sau đó, hai ca sỹ trẻ này tự tìm thấy trong mình niềm đam mê với dòng nhạc bán cổ điển.
Trong “Những ngày mộng mơ”, hai giọng ca này sẽ được hòa quyện qua các ca khúc bất hủ của những giai điệu cổ điển,những giai điệu của các vở nhạc kich nổi tiếng thế giới và cả những giai điệu đã quen thuộc được làm mới lại bằng ngôn ngữ bán cổ điển. Không chỉ có thế, khán giả thủ đô sẽ còn được cảm nhận cả sự tách biệt trong yếu tố âm thanh và sự hài hòa đến hoàn hảo trong giai điệu giữa ban nhạc Anh Em và nhóm tứ tấu đàn dây gồm đàn violon, viola và đàn cello.
Một điểm khác biệt so với một số live show lần trước, để đảm bảo cho thành công của đêm nhạc đòi hỏi khá cao về sự tinh tế lần này, các nhạc công, nhạc sỹ, ca sỹ và đạo diễn âm nhạc Huy Tuấn đã đầu tư khá nhiều thời gian và công sức tập luyện và ghép nhạc cho tới khi tất cả các yếu tố kết hợp được hoàn chỉnh.
Đức Tuấn khi định hình phong cách bán cổ điển cũng gặt hái thành công |
Music on the Roof là chương trình âm nhạc do The Rooftop tổ chức với sự chỉ đạo nghệ thuật của nhạc sỹ Huy Tuấn cùng ban nhạc Anh Em. Trải qua mỗi số âm nhạc, chương trình muốn giới thiệu nhiều thể loại âm nhạc với sự góp mặt của những nghệ sỹ tiêu biểu cho những dòng nhạc đó.
Số đầu tiên là dòng nhạc tiền chiến với chủ đề “Riêng một góc trời” do ca sĩ Tuấn Ngọc thể hiện, tiếp theo là thể loại nhạc trữ tình với chủ đề “Vì ta cần nhau”với sự cống hiến của ca sĩ Hồng Nhung và Quang Dũng, dòng nhạc trẻ có chủ đề “Em & Tôi” do ca sĩ Thanh Lam cùng kết hợp với ca sĩ Hà Anh Tuấn trình diễn, nhạc R&B và Dance được thể hiện bởi hai tài năng đang rất nóng của làng âm nhạc Việt là ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Thanh Bùi với tên gọi “Khi ta yêu nhau”. Số gần đây nhất, và cũng là số gây tiếng vang lớn nhất là đêm nhạc World music “ Quê nhà ” của nghệ sỹ Nguyên Lê .
Âm nhạc bán cổ điển (semi-classical), hay tên gọi khác là nhạc cổ điển giao thoa (classical crossover) là sự kết hợp giữa những ca khúc cổ điển với những tiết tấu và hòa âm hiện đại để giúp cho nhạc cổ điển đến gần với công chúng yêu âm nhạc hơn. Các tác phẩm bán cổ điển này thường không quá phức tạp và có cấu trúc đơn giản hơn các bản nhạc cổ điển gốc. Sự pha trộn vẫn tiếp diễn, và tính đến nay, dòng nhạc này chiếm một thị phần âm nhạc khá lớn trên thế giới. |