Milan - khủng hoảng trên diện rộng

Thể thao - Ngày đăng : 07:50, 05/10/2011

Thất bại trước Juventus không chỉ là đòn nặng giáng vào niềm kiêu hãnh, mà còn chỉ ra hàng loạt vấn đề của nhà ĐKVĐ, đồng thời khiến danh sách thương binh của họ thêm dài.

Hệ thống phòng thủ có vấn đề

Tám bàn thua qua tám trận chính thức từ đầu mùa là con số thật sự đáng báo động cho sự sa sút của hệ thống phòng ngự Milan. Trong tám trận đó, chỉ có đúng hai lần thủ môn Abbiati không phải vào lưới nhặt bóng, là các trận thắng Viktoria Plenz 2-0 ở Champions League và trận thắng Cesena 1-0 tại Serie A. Nhưng ngay cả trong hai trận giữ sạch lưới hiếm hoi đó, Milan vẫn có biểu hiện mất tập trung, lúng túng từ đó hào phóng ban tặng cơ hội cho đối phương. Nếu không phải vì các tiền đạo của Plenz và Cesena dứt điểm quá kém, Milan có lẽ vẫn phải lĩnh vài bàn thua trong hai trận này.

Các hậu vệ của Milan thường xuyên để đối phương qua người dễ dàng hoặc rảnh chân dứt điểm, uy hiếp cầu môn của Abbiati.


Người duy nhất trong cả hệ thống đó chơi tốt là Thiago Silva, nhưng chỉ mình trung vệ người Brazil này tỏa sáng hết trận này qua trận khác vẫn không đủ đề bù đắp cho sự sa sút của các mắt xích còn lại. Người đá cặp với Thiago Silva là Nesta đã lớn tuổi và không thể chơi đều chân. Trừ màn trình diễn chói sáng trước Barca, lão tướng 36 tuổi này đều chơi rất mờ nhạt và thậm chí, còn bị chỉ mặt như là mát xích yếu nhất của Milan trong các trận hòa Lazio, thua Napoli và mới đây nhất là trận thua Juventus. Chịu trách nhiệm che chắn, hỗ trợ từ phía trước cho hàng tứ vệ, nhưng các tiền vệ phòng ngự của Milan như Nocerino, Van Bommel cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Van Bommel đã lớn tuổi, hay dính chấn thương. Nocerino thì chỉ chơi hay được vài trận và vẫn tỏ ra bỡ ngỡ khi được kỳ vọng sẽ thay thế tượng đài Gattuso.

Trận thua Juventus là minh chứng sống động hơn cả cho sự suy yếu của hệ thống phòng ngự -nơi từng là điểm tựa để Milan chinh phục scudetto mùa trước. Nếu không vì sự suy yếu của hệ thống đó, Juventus có lẽ sẽ khó tung ra tới 19 cú sút. Ngoài hai tình huống thành bàn với các cú dứt điểm của Marchisio về cuối trận và một tình huống khác bóng chạm xà ngang từ hiệp một, ở phần lớn trong số 16 cú sút còn lại, chỉ nhờ các chân sút của Juventus vô duyên một cách lạ kỳ hoặc phản xạ xuất thần của Abbiati, bóng mới không nằm gọn trong lưới Milan.

Hàng công nghèo nàn ý tưởng

Hàng thủ đánh mất sự vững chắc, khiến đội để mất điểm ở nhiều trận quan trọng, nhưng ngay cả trên hàng công, Milan cũng không giữ được hình ảnh bùng nổ, giàu cảm xúc như mùa trước. Việc Robinho, Pato và Ibrahimovic luân phiên dính chấn thương rõ ràng đã có những tác động tiêu cực nhất định, nhưng dứt khoát không thể là lý do để thầy trò HLV Allegri bào chữa cho sự nghèo nàn trên tuyến đầu. Trừ trận hòa oanh liệt trên sân Barca , nơi đội tận dụng triệt để số cơ hội của họ để ghi hai bàn, các trận còn lại, các chân sút của Milan đều hoang phí những tình huống thuận lợi. Điều đó lý giải vì sao Milan chỉ có thể ghi năm bàn thắng sau năm trận Serie A.

Khả năng tạo ra và tận dụng cơ hội của Milan thấp ở mức báo động.


Cassano - tiền đạo duy nhất lành lặn - chơi những trận hay nhất của anh từ khi về với Milan hồi đầu năm, nhưng sức sáng tạo từ mình anh vẫn không đủ để nâng bước cả tập thể. Bản thân Cassano cũng chỉ tỏa sáng trước các đối thủ nhỏ hơn Milan về tầm vóc, còn trước Napoli rồi Juventus, cầu thủ có biệt danh “FanAntonio” (Antonio kỳ ảo) cũng hoàn toàn “tắt điện”. Sự nghèo nàn về ý tưởng là điều dễ nhận thấy, vì Seedorf - động lực sáng tạo từ tuyến giữa - đã có dấu hiệu chùn chân mỏi gối ở tuổi 35 và không thể lúc nào cũng đem lại điều kỳ diệu như tình huống dứt điểm tinh thế, quyết định trận thắng trước Cesena. Tân binh Aquilani cũng có những đóng góp nhất định, nhưng rõ ràng vẫn kém xa so với yêu cầu cũng như chờ đợi của Milan.

Đâu rồi sự tinh tường của Allgeri?

Allegri, trong tiếng Italy, có nghĩa “vui vẻ”, nhưng đó chắc chắn không phải là trạng thái cảm xúc của HLV trưởng Milan hiện tại. Được ca tụng như là truyền nhân của Sacchi, Capello - hai HLV huyền thoại có xuất phát điểm khiêm tốn khi mới đến Milan, Allegri dường như không còn giữ được sự tỉnh táo, nhạy cảm và chính xác như khi đoạt scudetto mùa trước. Khả năng đọc trận đấu để đưa ra những thay đổi của HLV người Livorno này kém hiệu quả đi trông thấy. Trước Juventus, Allegri rút Cassano ở phút 61 để đưa vào sân Emanuelson - một tiền vệ phòng ngự. “Đồng ý là Milan cần gia cố tuyến giữa để chống chọi với sức ép lớn dần từ phía Juventus. Nhưng việc rút khỏi sân cầu thủ có khả năng tạo đột biến và làm xoay chuyển cục diện chỉ với một khoảnh khắc lóe sáng như Cassano khỏi sân vào thời điểm đó rõ ràng không phải là cách làm hợp lý và thể hiện khát khao chiến thắng”, tờ Mediaset (Italy) bình luận.

Milan, qua 5 trận đầu Serie A mùa này, cũng không tái hiện được những tình huống lên bóng bài bản và nhịp nhàng. Cảnh thưởng thấy trong cách chơi của họ hiện tại là sau khi có bóng, các hậu vệ chỉ chực chờ chuyền thật nhanh lên phía trên, nên kém hoặc thậm chí không hiệu quả. Đó là gì, nếu không phải là biểu hiện của sự thiếu tự tin và cảm giác âu lo ở mỗi cá nhân khi bóng đến chân? Cự ly đội hình và thể lực cũng không đảm bảo, khiến mỗi khi đối thủ tăng tốc, Milan ngay lập tức bị hụt hơi và để hàng thủ mong manh phơi mình trước nanh vuốt của những cầu thủ tấn công bên phía đối phương. Trong một mùa hè không có Euro hay World Cup và bản thân đội cũng không có quá nhiều cầu thủ Nam Mỹ phải về đá Copa America hồi tháng 7, sự sa sút về thể lực chỉ có thể được lý giải bằng một lập luận - khâu chuẩn bị trong hè của Milan chưa tốt.

Allegri chắc chắn có trách nhiệm trong sự sa sút chung của Milan.


Tâm lý thi đấu kém cũng thể hiện rõ qua việc Milan thường bị lấn lướt hoặc thậm chí át vía khi đối đầu với những đối thủ lớn. Mùa trước, tâm lý thi đấu ổn định ở những trận cầu lớn là một điểm mạnh, giúp đội gặt hái hàng loạt kết quả quan trọng và thẳng tiến tới scudetto lần đầu tiên sau bảy năm. Nhưng mùa này, trừ trận hạ Inter 2-1 ở Siêu Cup Italy và trận hòa Barca ở Champions League, Milan đều vào trận với tâm thế rất tồi khi gặp những đối thủ đồng hoặc gần bằng về đằng cấp như Lazio, Udinese, Napoli hay Juventus. Trong đó, các trận thua Napoli và Juventus để lại hậu quả nặng nề hơn cả, và có thể tác động tiêu cực đến kế hoạch và những mục tiêu mà Milan đặt ra cho cả mùa giải.
Trách nhiệm của bộ phận y tế

Rời sân ở phút 73 trận Juventus, Nesta trở thành cái tên mới nhất gia nhập danh sách bệnh binh của Milan vốn đã kéo dài dằng dặc với những Abate, Mexes, Robinho, Gattuso, Pato và Flamini. Kỳ nghỉ hai tuần để nhường chỗ cho vòng loại Euro 2012 và các trận giao hữu quốc tế đến rất đúng lúc và giúp Allegri nuôi hy vọng rằng ông sẽ có ít nhất ba trụ cột Robinho, Gattuso, Abate (và có thể cả Mexes, Nesta) bình phục khi khi Serie A trở lại vào giữa tháng 10. Nhưng điều đó không có nghĩa là trách nhiệm của bộ phận y tế bị xem nhẹ.

Bão chấn thương đang tàn phá Milan.


Milan tự hào với MilanLab, phòng thí nghiệm nổi tiếng khắp thế giới trong lĩnh vực đánh giá, điều trị các chấn thương và hiện đại tới mức có thể kéo dài "tuổi nghề" của các cầu thủ. Nhưng sau thế hệ Paolo Maldini, Costacurta, Cafu, Favalli, Serginho... - những cầu thủ gần nhất hồi xuân nhờ MilanLab, phòng thí nghiệm này có vẻ không còn tạo ra phép màu cho các cầu thủ Milan. Trước và xen kẽ với những Nesta, Pato…, Milan cũng có 5 cầu thủ khác dính chấn thương ở nhiều mức độ, gồm Ibrahimovic, Inzaghi, Ambrosini, Boateng và El Shaarawy, khiến đội bóng lâm vào cuộc khủng hoảng nhân sự trầm trọng.

Theo Vnexpress