Bắt đầu từ xây dựng văn hóa ứng xử

Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 05/10/2011

(HNM) - Khu phố cổ (KPC) Hà Nội nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được hình thành từ thời vua Lý Thái Tổ dời đô.

Hợp lòng dân

Không khó để nhận ra, cùng với sự phát triển của Thủ đô, KPC Hà Nội ngày nay có nhiều thay đổi. Người dân từ khắp nơi về làm ăn, sinh sống, công tác, học tập, khách du lịch đến tham quan, mua bán trong khi cơ sở hạ tầng chật chội, thiếu thốn đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan môi trường, thói quen trong sinh hoạt và cách ứng xử của người dân. Một bộ phận không nhỏ người dân sống thực dụng, ý thức chấp hành pháp luật kém, tùy tiện đổ rác, vứt rác ra ngoài đường phố, nơi công cộng, chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, có không ít người kinh doanh thiếu chữ tín… Do đó, việc xây dựng và triển khai đề án "Một số nét văn hóa ứng xử của người dân KPC" là đòi hỏi tất yếu khách quan.

Việc giữ gìn ANTT, vệ sinh môi trường ở các phố cổ sẽ góp phần tạo nên hình ảnh một Hà Nội đẹp trong lòng du khách quốc tế. Ảnh: Trung Kiên


Ông Đinh Hồng Phong, Trưởng phòng VH-TT quận Hoàn Kiếm cho biết: Sau khi lấy ý kiến của nhân dân sinh sống trên địa bàn, đề án đã được ban hành với 5 tiêu chí cơ bản: thực hiện tốt nghĩa vụ công dân bằng cách có ý thức tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội; giao tiếp, ứng xử có văn hóa thông qua việc giữ nền nếp, gia phong, kính trên nhường dưới, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; có ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường; trang phục phải gọn gàng, lịch sự; kinh doanh phải đúng pháp luật…

Để những tiêu chí trên ăn sâu vào ý thức, trở thành nếp nghĩ của người dân, quận Hoàn Kiếm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bằng cách in 250.000 tờ gấp phát đến từng hộ gia đình, các cửa hàng, cửa hiệu trên địa bàn; tổ chức ký cam kết với từng hộ yêu cầu thực hiện các nội dung của đề án. Việc xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử được bàn bạc sôi nổi trong các cuộc họp tổ dân phố, hội nghị đại biểu nhân dân hằng năm để giúp đề án thêm tính khả thi. Quận cũng coi kết quả triển khai đề án là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá, bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa. Phù hợp với thực tiễn và hợp lòng dân nên ngay sau khi ban hành vào cuối năm 2008, 100% hộ dân trên địa bàn cam kết thực hiện đề án.

Giảm "số" để nâng "lượng"

Nhìn lại gần 3 năm triển khai đề án, ông Đinh Hồng Phong đánh giá, "Một số nét văn hóa ứng xử của người dân KPC đã đi vào từng nội dung cụ thể, tới từng gia đình”. Chẳng hạn, gia đình nào không thường xuyên tham gia tổng vệ sinh môi trường vào thứ bảy hằng tuần, không họp tổ dân phố, không treo cờ Tổ quốc vào dịp lễ, tết thì gia đình đó không đủ tiêu chuẩn để đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Hay như, việc ký cam kết với các hộ dân được quận căn cứ vào từng hành vi vi phạm: gia đình nào hay đun than tổ ong dưới gốc cây thì yêu cầu ký cam kết không đun than nữa, gia đình nào hay cho chó chạy dông thì yêu cầu ký cam kết không thả chó…

Đối với "căn bệnh" cố hữu ở các khu phố chật hẹp, người đông đúc là vi phạm trật tự đô thị, vứt rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường, quận Hoàn Kiếm đã ban hành "Quy chế hoạt động tự quản của khu dân cư trong việc giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường". Đây là một quyết định quan trọng, xác định rõ phương thức hoạt động mới, lấy địa bàn hoạt động là khu dân cư, hình thức "tự quản" là giải pháp để giải quyết vấn đề trật tự đô thị, vệ sinh môi trường hữu hiệu, lâu dài và bền vững. Trên tinh thần đó, 163/163 khu dân cư trên địa bàn quận đã thành tập tổ công tác với 1.582 thành viên, thường xuyên có mặt ở từng ngõ, phố vận động, nhắc nhở, phát hiện và lập biên bản các trường hợp vi phạm. Sau hơn một năm tích cực hoạt động, các tổ công tác này đã lập biên bản hơn 1.118 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và công  an các phường đã xử lý 727   trường hợp.

Kiên quyết và linh hoạt, các biện pháp mà quận Hoàn Kiếm áp dụng đã đem lại hiệu quả. 100% hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh, buôn bán trên địa bàn KPC nắm được 5 nội dung của đề án và từng bước điều chỉnh hành vi. "36 phố phường" Hà Nội nhờ đó mà khang trang, sạch sẽ, văn minh, lịch sự hơn. Đặc biệt, các danh hiệu văn hóa ngày càng đi vào thực chất dù tỷ lệ hộ gia đình đạt "Gia đình văn hóa" của Hoàn Kiếm giảm từ 92-94% năm 2008 xuống chỉ còn 84,27% vào năm 2010. Quá trình thực hiện đề án cũng xuất hiện nhiều sáng kiến hay, điển hình như phường Hàng Bông biểu dương gương người tốt, việc tốt, phê phán những hành vi xấu trong lối sống, văn hóa ứng xử trên hệ thống đài truyền thanh phường vào 16h hằng ngày.

Xây dựng văn hóa ứng xử khó có thể định lượng bằng những con số, cũng không thể xong trong một sớm, một chiều mà đòi hỏi sự bền bỉ hằng ngày trong 10, 20 năm. Có thể phải duy trì qua vài thế hệ người dân KPC, nhưng dù khó thì chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm sẽ kiên trì thực hiện đề án đến cùng. Quyết tâm ấy đã được khẳng định bằng những việc làm hằng ngày ở KPC.

Minh Ngọc